(HBĐT) - Huyện Yên Thủy nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hòa Bình, có diện tích tự nhiên trên 28.000 ha; trong đó, diện tích đất trồng cây lâu năm hơn 1.000 ha. Xác định nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của địa phương, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là việc trồng, nhân rộng diện tích cây có múi, trọng tâm là cây bưởi.
Bưởi Yên Thủy mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân thị trấn Hàng Trạm.
Bà con nông dân trong huyện đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây bưởi từ nhiều năm nay, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng 1 ha mỗi năm. Sản phẩm bưởi Yên Thủy có mẫu mã đẹp, nhiều nước, độ ngọt cao, nên được người tiêu dùng tiêu ưa chuộng, tiêu thụ ở thị trường khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... Để tạo thành hàng hóa và nâng cao giá trị, huyện Yên Thủy đã quy hoạch phát triển cây bưởi thành cây ăn quả đặc sản, vừa đáp ứng nhu cầu tăng thu nhập của người dân, vừa bảo đảm môi trường xanh. Đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 600 ha bưởi, trong đó, diện tích cho thu hoạch 265 ha, diện tích đạt chuẩn VietGAP 125 ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn/năm. Cây bưởi tập trung nhiều ở các xã: Ngọc Lương, Bảo Hiệu, thị trấn Hàng Trạm…
Xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương là xóm tiêu biểu, đi đầu trong phong trào trồng bưởi của huyện Yên Thủy. Diện mạo nông thôn và đời sống của người dân nơi đây từng ngày thay da, đổi thịt nhờ hiệu quả kinh tế của cây bưởi Diễn. Thành quả đó gắn liền với ông Phạm Thừa Dũng, người tiên phong đưa cây bưởi Diễn về đồng đất xóm Đại Đồng. Sinh ra và lớn lên ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội), năm 1995, ông Dũng và gia đình chuyển đến sinh sống tại vùng đất Đại Đồng. 1 năm sau, ông Dũng đưa 50 cây bưởi Diễn về trồng thử trên vùng đất mới. Quá trình chăm sóc, thấy cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển tốt, khá phù hợp với đồng đất ở đây, năm 1997, ông Dũng tiếp tục trồng thêm 100 cây... Đến nay, cây bưởi Diễn ông Dũng đưa về trồng ngày nào đã gắn bó với vùng đất Đại Đồng được hơn 20 năm. Bưởi Diễn của gia đình ông Dũng được tư thương trong, ngoài huyện đánh giá là một trong những vườn bưởi ngon nhất huyện Yên Thủy. Với hiệu quả kinh tế cao, ông Dũng tiếp tục mở rộng diện tích. Gia đình ông hiện có hơn 2 ha bưởi Diễn, với trên 1.000 gốc, gần 1 ha bưởi cho thu hoạch. Từ trồng bưởi, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.
Trải qua thời gian dài thử nghiệm, nhân giống, đến nay, cây bưởi Diễn đã bám vững trên vùng đất Đại Đồng, cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều gia đình ở Đại Đồng không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu nhờ cây bưởi Diễn. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã mới ở mức 12,5 triệu đồng, đến năm 2019 đạt 35 triệu đồng.
Trong những năm gần đây, cây bưởi Diễn nói riêng, cây ăn quả nói chung đang là hướng đi tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Yên Thủy. Bởi loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, nhất là mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Cây bưởi Diễn được phát triển ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện, như mô hình trồng bưởi của gia đình anh Tạ Hữu Hậu, khu 2, thị trấn Hàng Trạm. Gia đình anh Hậu có 3 ha bưởi các loại và cam, chanh, chủ yếu là bưởi Đoan Hùng, da xanh, bưởi đỏ, bưởi Diễn.
Trong những năm gần đây, huyện thành lập được các HTX, tạo sự liên kết và áp dụng thành công quy trình VietGAP cho cây bưởi. Chính vì vậy, người dân quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đất, nguồn nước, sử dụng chế phẩm sinh học chăm sóc cây trồng, để bưởi có giá trị dinh dưỡng cao; thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để sản phẩm khi bán ra thị trường không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, bưởi được trồng, chăm sóc trên vùng đất Yên Thủy có nhiều đặc điểm quý như: ngọt mát, dóc tép, mọng nước, mẫu quả đẹp, có hương thơm đặc trưng và giàu chất dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe con người. Nếu được chăm sóc đúng quy trình và thu hoạch, bảo quản tốt, sẽ sử dụng được khoảng 3 - 4 tháng không bị giảm chất lượng. Ông Vũ Xuân Oanh, HTX Đại Đồng, xã Ngọc Lương cho biết: Trước đây, nhiều gia đình chủ yếu trồng sắn, mía, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 1998, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây bưởi Diễn, nhiều người mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, cây bưởi Diễn mang lại thu nhập ổn định.
Nhằm hướng tới thị trường bền vững, bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu bưởi của huyện (sản phẩm OCOP huyện) thành đặc sản của địa phương, trong 2 năm 2018 - 2019, UBND huyện Yên Thủy đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Yên Thủy” cho sản phẩm quả bưởi của huyện Yên Thủy, trong đó, tập trung xây dựng nhãn hiệu và hệ thống nhận diện sản phẩm. Ngày 9/9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu "Bưởi Yên Thuỷ” tại Quyết định số 76495/QĐ-SHTT.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Việc xây dựng thương hiệu bưởi Yên Thủy là một bước đột phá, tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm. Trong thời gian tới, huyện hướng tới xây dựng các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sạch hữu cơ, để nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.
Đây là điều kiện để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi của huyện Yên Thủy. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định: Việc xây dựng, phát triển vùng cây ăn quả có múi, trong đó có cây bưởi là một hướng đi đúng của huyện Yên Thủy. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Yên Thủy ngày càng phát triển bền vững.
Phương Linh
(HBĐT) - Nhiều năm nay, xã Đú Sáng (Kim Bôi) được biết đến là điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với những cây trồng chủ lực như bí xanh, mướp đắng, bí đỏ lấy hạt, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, câu chuyện "được mùa rớt giá, được giá mất mùa” không mới, nhưng đang xảy ra với người dân Đú Sáng. Không tiêu thụ được hàng hóa nông sản, giá nông sản thấp khiến người dân nơi đây chất chồng thêm những nỗi lo.
Nguồn cung nhà ở có xu hướng suy giảm, trong khi giá bán vẫn "neo” ở mức khá cao so với mặt bằng thu nhập của đa số người dân, thậm chí còn nhích nhẹ. Lượng giao dịch thành công giảm mạnh do tác động từ dịch Covid-19 vừa qua đã tạo thêm nhiều áp lực cho thị trường bất động sản (BÐS). Nhiều đơn vị bắt đầu tái khởi động sau dịch, "bung hàng” nhưng thực tế giao dịch còn nhỏ giọt.
(HBĐT) - Tối 3/6, tại sân vận động xã Yên Trị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Yên Thủy tổ chức khai mạc Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa.
Từ ngày 1-7-2020, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tăng lên 11 triệu đồng/tháng, tương đương 132 triệu đồng/năm, tăng hai triệu đồng mỗi tháng so với quy định hiện hành.