Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đã đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, AN-QP và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước. Trong 5 năm qua, vốn chính sách đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt hơn 31%, gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40. Đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, với trên 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Qua đó, đã giúp hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo một cách bền vững, xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Tại hội nghị, đại diện chính quyền, Ngân hàng CSXH một số tỉnh, thành phố đã tham luận, làm rõ kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh những kết quả thiết thực sau khi thực hiện Chỉ thị 40 trong giảm nghèo bền vững, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần tăng trưởng kinh tế chung. Đồng chí đề nghị, Ban Kinh tế T.Ư tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, đề xuất với Ban Bí thư ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40. Trong đó, cần đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới. Đồng chí yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tập trung nguồn lực, nhằm thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đối với tỉnh ta, từ khi triển khai Chỉ thị 40 đến nay, UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã chuyển sang Ngân hàng CSXH hơn 41 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn do ngân sách địa phương chuyển sang đến ngày 30/6/2020 hơn 47,4 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.325 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2014, bình quân mỗi năm tăng gần 291,5 tỷ đồng. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã giúp trên 43 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 81 nghìn lao động được tạo việc làm.
Viết Đào