Người dân xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) bảo tồn giá trị văn hóa thu hút khách du lịch, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Huyện Đà Bắc có địa bàn rộng, đồi núi chia cắt, giao thông cách trở. Người dân chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh tài sản, hoa màu, di dời vén nhà theo con nước để phục vụ cho cuộc xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Thời ấy, điều kiện chính sách dành cho đền bù còn vừa làm, vừa tính, người dân chịu thiệt thòi đủ bề, hạ tầng thấp kém, sản xuất tự cung, tự cấp. Hàng trăm hộ gia đình phải từ bỏ quê hương, sinh sống ở các địa phương trong tỉnh, vào phương Nam lập nghiệp với mong ước thoát nghèo. Ngay cả những năm đầu tái lập tỉnh, đến cán bộ cũng ngại ngần khi đi công tác Đà Bắc.
Những người đã có tuổi vẫn thường chia sẻ "Bao giờ Suối Nánh có kem, Đồng Nghê có phở thì em có chồng”. Đến được các xã vùng cao như Đồng Nghê (cũ), Suối Nánh (cũ), Mường Tuổng (cũ), Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tiền Phong… là phải tính bằng tuần.
Đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc từng học ngành nông nghiệp, gắn bó với phát triển sản xuất của huyện vùng cao này. Ông từng công tác ở Ban Định canh định cư từ mấy chục năm trước, phải bám cơ sở tuyên truyền, vận động, làm chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo. Ông cùng các cộng sự đo từng mét đất, trồng luồng, trồng rừng PAM, chỉ đạo làm các công trình hạ tầng vùng khó khăn, xây dựng trung tâm cụm xã, các chợ nổi, chợ hạt ven sông... Ông bảo: Đà Bắc là khó khăn trăm bề. Khi nhà máy thủy điện đã vận hành, phát điện hàng chục năm, nhiều khu vực vẫn chưa có cuộc sống ổn định, luôn đối mặt với tình trạng thiên tai, mưa lũ. Biết bao nhiêu cố gắng có được chút thành quả, thiên tai lấy sạch, có khi cả mạng người. Ý thức được những thiệt thòi đó, nhiều năm nay, Đảng bộ huyện Đà Bắc đã thay đổi tư duy, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, vận động Nhân dân nỗ lực thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo và đạt được những kết quả quan trọng.
Từ nhiều nguồn lực đầu tư đã cải thiện rõ nét kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống Nhân dân. Đặc biệt, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân huyện, Đà Bắc đã đạt được những kết quả rất khả quan trong xây dựng nông thôn mới (NTM), khai thác tiềm năng vùng hồ, phát triển du lịch. Năm 2010, khi bắt tay xây dựng NTM, tỉnh chọn xã Hiền Lương là điểm xây dựng NTM, huyện chọn 2 xã là: Tu Lý, Mường Chiềng làm điểm. Thế nhưng, đến năm 2016, huyện vẫn còn là "huyện trắng" về xây dựng NTM của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, cuối năm 2018, xã Tu Lý đáp đích NTM, năm 2019 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là Mường Chiềng, Hiền Lương. Năm 2020 có thêm 2 xã Cao Sơn, Toàn Sơn hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Năm 2020, huyện có 6 xã đạt chuẩn NTM.
Kết quả lạc quan trong khai thác tiềm năng để xóa đói, giảm nghèo. Với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, người dân nhiều xóm bản, ven hồ đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch, khai thác giá trị cảnh quan văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Cuộc sống người dân vùng hồ vất vả, nhọc nhằn nối dài như định mệnh ở vùng quê nghèo khó xa lắc xa lơ, giữa vùng hồ yên ả, giờ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Các hộ dân đầu tư thêm nhà sàn, tích cực học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch, cách nấu ăn, nghiệp vụ buồng bàn, giữ gìn môi trường, những giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt cá, để xây dựng các sản phẩm du lịch ngày một tốt hơn. Nhiều xóm, bản như xóm Ké, xóm Sưng, xóm Đá Bia (cũ) đã được định vị trong bản đồ du lịch của tỉnh, du khách trong nước và quốc tế thăm quan, trải nghiệm nhiều hơn. Trong đó, bản Đá Bia là 1 trong 3 bản du lịch cộng đồng trên toàn quốc được bình chọn và nhận Giải thưởng du lịch cộng đồng Asean năm 2019.
Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển thủy sản cũng đang được gợi mở đánh thức. Trên vùng hồ đã hình thành sự liên kết, hợp tác sản xuất, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi, gắn kết với thị trường, trong đó, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu cá sông Đà có uy tín đối với thị trường khu vực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân.
Huyện vùng cao Đà Bắc cũng là huyện đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chỉ đạo điều hành trong những năm vừa qua. Nếu như trước, để đến được các xã Nánh Nghê, hay xóm, bản vùng hồ khác phải mất mấy ngày ròng rã lội thuyền, đi bộ, nay chỉ mất vài tiếng đồng hồ xe khách. Nếu như, trước thông tin liên lạc phập phù, chủ yếu là đường thư báo, thì nay, chỉ cần một cái click chuột máy tính là có thể khai thác thông tin, trao đổi rất thuận tiện. Tư duy sản xuất của người dân cũng đã thay đổi, biết sử dụng, quản lý đồng vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả…
Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, huyện Đà Bắc đã đạt và vượt 23/24 chỉ tiêu đề ra. Chất lượng chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tiến bộ. Nhiều vấn đề bức thiết ở cơ sở được tập trung giải quyết. Huyện đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, sớm ổn định đời sống của người dân vùng bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề trượt sạt, lũ ống, lũ quét. Đời sống người dân được cải thiện rõ nét, rút dần khoảng cách với các vùng khác trong tỉnh.
Mặc dù vậy, Đà Bắc vẫn còn là huyện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24,37%, hộ cận nghèo cao, các tiềm năng, lợi thế mới bước đầu được khai thác. Dù khó khăn, nhưng cơ hội phát triển của huyện cũng rất rõ ràng, khi vùng hồ được quy hoạch là trọng điểm du lịch của tỉnh, tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đang khởi động, trên địa bàn đã có nhiều nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, đô thị…, đây là cơ hội rất lớn để huyện bứt phá vươn lên.
Những năm tới, Đảng bộ, chính quyền huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức tốt tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân, phấn đấu đưa huyện Đà Bắc thoát khỏi huyện nghèo, phát triển bền vững.
Lê Chung