Hơn 3 tạ quả sachi của gia đình bà Bùi Thị Diển, xóm Gò Cha, xã Kim Bôi (Kim Bôi) chờ ngày tiêu thụ.
Tháng 2/2019, gia đình bà Bùi Thị Diển, xóm Gò Cha, xã Kim Bôi là 1 trong 4 hộ ký kết với Công ty CP Inca Sachi Việt Nam sản xuất vùng nguyên liệu sachi. Theo đó, gia đình bà Diển thuê nhân công, máy móc để cải tạo đất, quy hoạch vườn trồng sachi trên diện tích 0,5 ha. Tháng 4/2019, gia đình xuống giống, thực hiện các bước chăm sóc cây trồng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp. Theo kế hoạch đề ra, sau 8 tháng, cây sẽ cho thu quả và có thể suất ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên đến nay, hơn 3 tạ quả sachi chất đầy trên sân thượng.
Bà Diển trăn trở: Gia đình tôi bỏ vốn gần 50 triệu đồng để đầu tư liên kết với doanh nghiệp phát triển mô hình trồng cây sachi, trong đó, nguồn vốn tích góp chỉ có khoảng 20 triệu đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng. Quá trình chăm sóc, gia đình tuân thủ theo đúng quy trình của doanh nghiệp đề ra. Tuy nhiên, sản phẩm sau khi thu hái đến nay vẫn chưa được doanh nghiệp thu mua, gây khó khăn trong việc hoàn vốn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Kim Bôi hiện có 10 nhóm hộ tham gia liên kết với Công ty CP Inca Sachi Việt Nam, với diện tích khoảng 10 ha tại các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Kim Bôi, Đông Bắc… Với hình thức liên kết, hỗ trợ giúp đỡ các nhóm hộ có nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu sachi, doanh nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sachi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm theo tiêu chuẩn như đã ký kết tại hợp đồng với giá thành 55.000 đồng/kg hạt khô, 30.000 đồng/kg quả chưa tách hạt.
Ông Triệu Văn Lập, Tổ trưởng nhóm hộ trồng sachi xã Tú Sơn cho biết: Liên kết trồng sachi với doanh nghiệp từ năm 2017, việc trồng, chăm sóc và bao tiêu đầu ra sản phẩm được phối hợp hiệu quả. Tuy nhiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ sachi gặp khó khăn. Lần cuối cùng doanh nghiệp thu mua sản phẩm của chúng tôi vào tháng 5 vừa qua với sản lượng 6,2 tạ quả và 1,7 tạ lá, tuy nhiên đến nay chưa chi trả tiền cho các hộ dân. Các hộ trồng sachi mong muốn doanh nghiệp nhanh chóng tìm hướng giải quyết khắc phục khó khăn, thu mua sản phẩm để có tiền tái đầu tư sản xuất.
Về phía Hội Nông dân huyện Kim Bôi, sau khi tiếp nhận phản ánh của các tổ, nhóm liên kết trồng sachi đã nhanh chóng thống kê, rà soát cụ thể số lượng sản phẩm hiện chưa tiêu thụ được. Phối hợp với doanh nghiệp tìm các giải pháp hỗ trợ, tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đề nghị doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn để thu mua sản phẩm cho các tổ, nhóm trồng sachi.
Công ty CP Inca Sachi Việt Nam hiện đang mở rộng vùng nguyên liệu trồng sachi tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và 14 tỉnh miền núi phía Bắc, với diện tích khoảng 200 ha, trong đó, diện tích thu hoạch ước đạt 100 ha. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên việc xuất khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, các đơn hàng lẻ chủ yếu cung cấp cho đối tác trong nước.
Bà Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP Inca Sachi Việt Nam cho biết: Thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, tuy nhiên, 2 quốc gia này đều nằm trong vùng dịch nguy hiểm. Trước thực tế đó, doanh nghiệp đã có văn bản gửi các tổ, nhóm liên kết sản xuất trồng sachi chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, đề nghị các nhóm hộ bảo quản sản phẩm theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm của các tổ, nhóm theo đúng hợp đồng quy định. Qua đó, nhanh chóng ổn định sản xuất sau dịch bệnh, duy trì phát triển và mở rộng quy mô phát triển doanh nghiệp.
Đức Anh