(HBĐT) - Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm qua (2015 - 2020), huyện Tân Lạc đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. KT-XH có bước chuyển dịch rõ rệt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao... Để làm rõ hơn những kết quả đạt được, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Đinh Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc.


Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc thăm doanh nghiệp may Việt - Hàn  hiện đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. 

P.V: Nhìn lại 5 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí đánh giá thế nào về những bước chuyển trong phát triển KT-XH của huyện?

Đồng chí Đinh Anh Tuấn:  5 năm qua, với quyết tâm chính trị cao, UBND huyện đã tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH theo các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) huyện bằng các chương trình hành động cụ thể, để lại những dấu ấn đậm nét. Trong đó, UBND huyện đã cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế do Huyện ủy ban hành, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững; đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. 

Đồng thời, tiếp tục ban hành các chủ trương mới với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cùng với sự đồng hành của người dân đã tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đã chủ động chuyển 2.500 ha  cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao; cải tạo trên 670 ha vườn tạp, đưa các loại cây trồng phù hợp lợi thế từng vùng như bưởi đỏ, bưởi da xanh, dưa hấu, bí, lạc, đậu ở vùng thấp, cây mía ở vùng thượng, vùng sâu; quýt, su su, tỏi tía ở vùng cao.

Huyện cũng đã quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vùng sản xuất bưởi đỏ, vùng sản xuất rau an toàn đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Các cơ sở sản xuất tạo dựng mối liên kết sản phẩm nông sản sạch tiêu thụ ổn định. Tính đến năm 2020, tổng giá trị thu hoạch 1 ha đất trồng trọt của huyện bình quân đạt trên 200 triệu đồng; bình quân tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 41.915 tấn/năm, đạt 103% so với nghị quyết; bình quân lương thực đạt 490 kg/người/năm, vượt 9,5% so với mục tiêu NQĐHĐB huyện lần thứ XXIII đề ra.

Đặc biệt, huyện đã phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về cảnh quan; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển ngành du lịch. Những kết quả đạt được đã tạo nền tảng vững chắc cho KT-XH của huyện phát triển ổn định, bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

P.V: Với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất của huyện tăng 11,3%; thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm... Xin đồng chí cho biết, để thực hiện các mục tiêu trên, huyện có những giải pháp gì trong công tác lãnh đạo, điều hành?

Đồng chí Đinh Anh Tuấn: Đó là mục tiêu huyện Tân Lạc đang hướng đến trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, chúng tôi xác định cần phải có quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong toàn huyện. Trong đó, huyện xác định trước hết tập trung phát huy nguồn nội lực của địa phương. Đồng thời, đổi mới nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển từng lĩnh vực, ngành, thành phần phù hợp với tình hình thực tiễn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ, coi đây là khâu trọng yếu để thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo việc làm, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng NTM. Đổi mới hoạt động xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất những lĩnh vực ưu tiên của huyện; khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; tranh thủ tối đa các nguồn lực của T.Ư, của tỉnh, huy động các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng.

Triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Mở rộng liên kết với các huyện trong, ngoài tỉnh, hình thành các tour, tuyến du lịch. Triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện và khuyến khích các hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Thực hiện tốt nhiệm vụ QP - QSĐP và đảm bảo giữ vững ANCT - TTATXH gắn với các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện... Đó chính là cơ sở để huyện tiếp tục tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH giai đoạn tới.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!        

Mạnh Hùng (thực hiện)

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục