(HBĐT) - Với những lợi thế là cửa ngõ của tỉnh tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, những năm qua, huyện Lương Sơn đã triển khai những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CN-TTCN, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững. Huyện đang là vùng đất công nghiệp sôi động về phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Doanh nghiệp KCN Lương Sơn góp phần quan trọng nâng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 148 dự án sản xuất công nghiệp, trong đó, có 136 dự án đi vào hoạt động. Riêng các KCN có 32 dự án, có 29 dự án đi vào hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, sản xuất linh kiện điện tử. Hạ tầng công nghiệp được quy hoạch, đầu tư tạo quỹ đất cho các dự án phát triển công nghiệp. KCN Lương Sơn được đầu tư đồng bộ, có trạm xử lý nước thải, hệ thống cấp điện được cải thiện, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khá hiệu quả, đến nay đã lấp đầy cơ bản, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo nguồn thu ngân sách của tỉnh. KCN Nam Lương Sơn đã lấp đầy được 61% diện tích. KCN Nhuận Trạch đang thực hiện xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, huyện đã quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) như: thành lập mới CCN xóm Rụt, xã Tân Vinh, diện tích 74,5 ha; CCN Thanh Cao, diện tích 46 ha; CCN và dịch vụ thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, diện tích 75 ha đã được Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển CCN Việt Nam.
Những năm gần đây, ngành CN-TTCN-XD của huyện luôn đạt mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng bình quân đạt khoảng 24,8%. Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành dự kiến đạt 12.870 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2015. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng chế biến, giảm dần tỷ trọng khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị xuất khẩu của tỉnh, đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của huyện đạt 480 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,86%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 63,1%; thương mại - dịch vụ 24,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 12,1%. Quy mô các ngành kinh tế tăng gấp gần 2,2 lần so với năm 2015 (20.116/9.278 tỷ đồng). Thu ngân sách Nhà nước đạt 372 tỷ đồng, tăng 242 tỷ đồng so với năm 2015, bình quân tăng 20,07%. GRDP bình quân đầu người đạt 81,9 triệu đồng, tăng 1,36 lần so với năm 2015.
Lương Sơn đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển mạnh mẽ khi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội; điều kiện tài nguyên thiên nhiên có nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện thực hiện mục tiêu "Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng huyện Lương Sơn phát triển toàn diện, bền vững, trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh". Trong đó, phấn đấu đến năm 2025: Thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước đạt 900 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%...
Về phát triển công nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho CN-TTCN. Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng phục vụ doanh nghiệp và người dân; phối hợp tổ chức tốt công tác xúc tiến đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ GPMB, hỗ trợ các dự án, công trình đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực đô thị, công nghiệp, thương mại sớm đi vào hoạt động. Thu hút các nhà đầu tư đầu từ hạ tầng KCN Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn; quy hoạch thành lập mới từ 2-3 CCN, gồm: CCN xóm Rụt, xã Tân Vinh; CCN Bùi Trám và Tân Sơn, xã Hòa Sơn, với tổng diên tích từ 150-220 ha, lấy phát triển công nghiệp làm đòn bẩy để phát triển đô thị, thu hút dân số sống và làm việc tại đô thị, phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN-XD đạt 35.640 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 16,5%/năm, thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Lương Sơn phát triển toàn diện, bền vững, phát huy vai trò là vùng kinh tế động lực của tỉnh Hòa Bình.
Lê Chung
(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Lạc Sơn chú trọng thực hiện 3 khâu đột phá nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện các lĩnh vực KT-XH. Trong bối cảnh có nhiều thách thức, huyện đã tích cực huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, hướng tới những giá trị tốt đẹp, mang tính bền vững. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn.
(HBĐT) - Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, Agribank Hòa Bình không ngừng nỗ lực triển khai có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng. Trong đó, tăng cường huy động tiền gửi trong dân cư nhằm hỗ trợ đắc lực về nguồn vốn hoạt động đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
(HBĐT) - Tận dụng lợi thế điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, huyện Tân Lạc chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù là cây bưởi đỏ, bưởi da xanh ở các xã vùng thấp, dọc quốc lộ 12B và một số xã trên địa bàn; phát triển các loại rau ôn đới tại vùng cao đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
(HBĐT) - Theo số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh theo giá so sánh ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, vượt 3,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,7% kế hoạch năm. Dự báo cả năm 2020 đạt 3,54 nghìn tỷ đồng, vượt 4,5% so với cùng kỳ, chiếm 31,2% cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản.
(HBĐT) - Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Cao Sơn (Lương Sơn) đã tập trung chỉ đạo Nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Trong đó, cây ăn quả có múi phát triển mạnh mẽ, diện tích ngày càng mở rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân.
(HBĐT) - Trong giai đoạn 2015 - 2020, UBND TP Hòa Bình luôn bám sát nghị quyết của cấp uỷ và HĐND thành phố để xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn trong SX-KD cho các doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời vướng mắc có liên quan đến công tác bồi thường, GPMB các dự án triển khai trên địa bàn. Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. Khai thác hiệu quả lợi thế vùng động lực.