Chợ trung tâm xã Tân Pheo được xây dựng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân các xã vùng cao huyện Đà Bắc.
Chợ trung tâm xã Tân Pheo mỗi tuần vào phiên lại nhộn nhịp người mua bán. Không chỉ phục vụ người dân trong xã mà khu chợ này là điểm giao thương của bà con các xã vùng cao huyện Đà Bắc, thu hút tiểu thương ở các nơi tới buôn bán. Kỹ càng lựa chọn quần áo cho các con vào năm học mới, chị Xa Thị Minh chia sẻ: Bây giờ hàng hóa sẵn lắm, từ đồ dùng gia đình, nhu yếu phẩm hàng ngày, quần áo, giày dép, nông sản địa phương… đều có cả. Từ khi chợ trung tâm xã được xây dựng khang trang đã góp phần giúp người dân thay đổi thói quen tự cung, tự cấp. Các gia đình tích cực sản xuất, làm ra sản phẩm, bởi có chợ giúp bà con tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn. Nhờ vậy đã nâng cao thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống của người dân vùng cao.
Không quá khi nói chợ đã góp phần thay đổi bộ mặt, cuộc sống vùng nông thôn. Xác định rõ tầm quan trọng đó, trong 10 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, giai đoạn năm 2011 - 2015, tổng nguồn vốn huy động thực hiện tiêu chí số 7 là 45.192 triệu đồng; trong đó, ngân sách T.Ư đầu tư trực tiếp 7.900 triệu đồng, nguồn lồng ghép 24.209 triệu đồng, nguồn tín dụng 6.218 triệu đồng, nguồn doanh nghiệp 1.411 triệu đồng, nguồn khác 5.454 triệu đồng. Giai đoạn 2016 - 2019 đã đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới 26 chợ với tổng kinh phí 254,1 tỷ đồng; trong đó, xây dựng mới 19 chợ, nâng cấp, cải tạo 7 chợ. 6 tháng đầu năm nay đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng 9 chợ là công trình chuyển tiếp; tổng kinh phí huy động từ các nguồn vốn để thực hiện XDNTM là 14.883 triệu đồng (vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình NTM 9.070 triệu đồng).
Cùng với chợ, tại trung tâm các xã, đa số đều có cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng kinh doanh tiện lợi, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, ngành Công Thương đã coi trọng tổ chức phát triển công nghiệp nông thôn từ kinh phí khuyến công hàng năm, như: hỗ trợ thiết bị, máy móc, tổ chức lớp nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại qua hình thức hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại địa phương.
Thực hiện tiêu chí số 7, mạng lưới chợ trong tỉnh được đầu tư đúng quy định, quy hoạch, đã phát huy hiệu quả cao; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi hàng hóa. Bên cạnh hình thức ban quản lý chợ truyền thống, đã có các HTX tham gia kinh doanh, quản lý chợ. Thời gian qua, Sở Công Thương tích cực rà soát, đánh giá tình hình hoạt động chợ trên địa bàn, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển, từ đó đưa ra định hướng thu hút đầu tư phù hợp. Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 127/131 xã đạt tiêu chí số 7, chiếm 96,95%, trong đó có 43 chợ đạt chuẩn. Tuy nhiên, theo đánh giá, hệ thống chợ của tỉnh phương thức kinh doanh và hình thức giao dịch còn lạc hậu; thiếu các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và dịch vụ cho khách mua hàng. Tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý từ ban quản lý chợ, tổ quản lý sang mô hình doanh nghiệp, HTX còn chậm…
Từ thực tế cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Sở Công Thương đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các kênh lưu thông hàng hóa, nhất là ở khu vực nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy hoạch về chợ, chú trọng điều chỉnh mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ hạng 1, 2, 3 đang hoạt động phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại của tỉnh về chợ do Nhà nước đầu tư, hoặc hỗ trợ đầu tư theo quy định.
Thu Hiền