Huyện Đà Bắc chú trọng giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh chụp tại bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn.
Với những rào cản đến từ vị trí địa lý, địa hình đồi núi phức tạp, giao thông trắc trở, trình độ dân trí không đồng đều, Đà Bắc là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh. Trong nhiệm kỳ vừa qua, khó khăn lại tăng gấp bội khi thiên tai, mưa lũ liên tục tàn phá, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Thế nhưng, vượt lên "núi” khó khăn, huyện đã đạt được những kết quả thiết thực trong hành trình vượt khó để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện cho biết: 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV là giai đoạn khó khăn do tác động của lạm phát, suy giảm kinh tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và Nhân dân các dân tộc trong huyện, KT-XH của huyện vẫn phát triển ổn định, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, huyện có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 13%/năm (chỉ tiêu Đại hội XXIV là 6 - 7%/năm). Thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng, tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2015.
Từ một huyện "trắng” về xây dựng NTM, đến nay, huyện đã có 6 xã về đích (chiếm 31,6%), đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Các chỉ tiêu về thu ngân sách Nhà nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sản lượng lương thực, tỷ lệ che phủ rừng đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết. Để có được những kết quả toàn diện đó, huyện đã huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu. Có thể thấy, trong 5 năm qua, với 526,8 km đường giao thông được mở mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đã giúp hạ tầng giao thông của huyện, nhất là ở các xã còn khó khăn từng ngày được hoàn thiện, trở thành đòn bẩy cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỷ hộ nghèo của huyện giảm từ 51,75% xuống 29,22% vào cuối năm 2019, kế hoạch đến cuối năm 2020 giảm còn hơn 24%.
"Trước đây, đường giao thông từ trung tâm xã vào xóm rất trắc trở, những ngày mưa gió không thể đi lại bằng xe máy, việc tiêu thụ nông sản khó khăn lắm. Từ khi có điện lưới quốc gia, đường vào xóm được cứng hóa (năm 2017) và những chính sách về hỗ trợ sản xuất của Đảng, Nhà nước đã giúp đời sống kinh tế của bà con ngày càng khấm khá hơn” - đồng chí Lường Văn Hưng, Bí thư Chi bộ xóm Diều Luông, xã Tân Minh chia sẻ.
Lật lại ký ức của những năm 2016, khi đó, chúng tôi có dịp đến với những xóm như: Sổ (xã Trung Thành), Kế (xã Mường Chiềng), Hà (xã Đồng Chum) - là những xóm thuộc 36 xóm khó khăn nhất tỉnh. Khi đó, đường vào xóm Sổ đang thi công dang dở, chi trường mầm non đặt tại xã là căn nhà tranh, mái lá xập xệ; còn xóm Kế thì xa lắc, đường cũng trắc trở không kém; đường vào xóm Hà đang được mở rộng, lau lách um tùm. Nay, các chi trường đều đã được xây dựng, đường giao thông đang hoàn thiện từng ngày, bà con không còn "ẩn mình” giữa núi rừng hoang vu mà tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế để thoát khỏi đói, nghèo. Đó là những hình ảnh tiêu biểu cho nhịp sống ngày càng tươi mới ở huyện vùng cao vốn được gọi là "huyện nghèo” này.
Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, người dân trên địa bàn huyện cũng thay đổi tư duy, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế để xây dựng NTM. Những con đường được mở rộng, cứng hóa đến các bản làng đều có dấu ấn đậm nét của người dân. Những kết quả trong phát triển giáo dục, đào tạo có dấu ấn của phụ huynh tham gia trồng cây xanh, sửa sang lại trường học cho con em mình. Có thể nói, Đà Bắc vẫn còn nhiều thử thách trong hành trình xóa đói, giảm nghèo để xây dựng NTM, nhưng với những kết quả của một nhiệm kỳ vượt khó vừa qua sẽ là động lực, là niềm tin lạc quan để đạt được những mục tiêu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện đề ra cho giai đoạn mới.
Đào Viết