Với ý chí vượt xa cả vóc dáng bé nhỏ, hai người phụ nữ đang dẫn dắt các hợp tác xã ăn nên làm ra ở vùng cao Lào Cai, không chỉ quyết tâm làm giàu cho bản thân, mà còn giúp những người chung quanh thoát cảnh nghèo khó.


Chị Tẩn Tả Mẩy chuẩn bị nguyên liệu từ các cây dược liệu của người Dao."Mình làm được, sẽ giúp mọi người cùng làm được”

Sinh năm 1976 tại thôn Tả Chải (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), 4 tuổi, chị Tẩn Tả Mẩy mồ côi cha, mẹ bỏ đi biệt xứ. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà nội và bà ngoại, chị Mẩy được cả hai bà truyền dạy cho bài thuốc cổ truyền của người Dao Đỏ. Có sẵn bí kíp nấu các loại lá tắm tốt cho sức khỏe, năm 2015, chị cùng bảy chị em cùng thôn đã thành lập Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn  với mong muốn hỗ trợ chị em phụ nữ trong thôn bản có công ăn, việc làm; xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ sản phẩm thuốc tắm của dân tộc mình. 

"Sapa vốn có nguồn khách du lịch lớn, cũng là nguồn khách có thể bán các sản phẩm lá tắm, tinh dầu tốt cho sức khỏe”, chị Mẩy kể lại, "Biết là thế, nhưng lúc đầu thành lập hợp tác xã khó khăn lắm, vì tôi không biết chữ, không va chạm nhiều, không cách nào thuyết phục chị em tham gia cùng mình. Nhưng rồi tôi hiểu rằng, không cần nói nhiều mà chỉ cần làm tốt, chị em sẽ tự đi theo mình”.

Với suy nghĩ ấy, Tẩn Tả Mẩy cùng các chị em làm ra các loại lá tắm, nước tắm Dao đỏ, tinh dầu, xà phòng… bán cho du khách. Những nhân viên làm toàn thời gian cho hợp tác xã có thu nhập ổn định ở mức 5 triệu đồng/người/tháng; làm bán thời gian cũng được khoảng 2-3 triệu đồng, được nuôi ăn. Những người trực tiếp đứng bán dược liệu còn thu nhập cao hơn. Cứ thế, cứ thế, từ bảy thành viên ban đầu, không ai bảo ai, số lượng người đến tham gia hợp tác xã ngày càng đông. Đến nay, hợp tác xã đã có đến 120 xã viên.

"Ngoài việc có thêm thu nhập, tham gia hợp tác xã là cơ hội để các xã viên mở mang tầm nhìn, nâng cao nhận thức. Để không còn cảnh phụ nữ sống trong nhà như cái bóng, chẳng khác nào người ở, sáng sớm lên nương làm rẫy, tối về cơm nước, giặt giũ. Để không có ai phải bỏ nhà ra đi…”, chị Mẩy chia sẻ. 

Đến nay, hợp tác xã đã có 88 ha liên kết với 209 hộ trồng ngải cứu (44 ha) và chù dù (44 ha) tại xã Bản Khoang (Sa Pa). Với diện tích và sản lượng lớn dược liệu lớn, ngoài phục vụ khách du lịch tại địa phương, hợp tác xã còn chiết xuất, cô đặc đóng chai để tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, hợp tác xã đang có các hình thức kích cầu như: giảm 50% dịch vụ tắm tại chỗ cho du khách; giảm giá từ 20 - 30% cho mỗi sản phẩm mang đi… 

 "Covid nên khó khăn lắm, nhưng thế nào cũng phải có cách vượt qua”

Những phụ nữ
Chị Thào Thị Sung (ngoài cùng bên trái) cùng một số thành viên tổ hợp tác xã đang góp phần đưa nhiều người dân thoát nghèo. 

Những ngày đầu tháng 10, vùng núi Tả Phìn thu thật là thu, nắng vàng mật ong và gió mênh mang thơm mùi lúa mới. Men theo con đường sỏi dẫn từ thị trấn Sapa vào xã Tả Phìn, hỏi chị Thào Thị Sung, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm Tả Phìn thì ai cũng biết và sẵn sàng chỉ đường đến tận nơi. Hoặc cứ men theo tiếng réo rắt trầm bổng của một bài dân ca tiếng Mông lẫn theo tiếng máy khâu lên bổng xuống trầm, sẽ tới một ngôi nhà gỗ, lúc nào cũng tấp nập hàng chục chị em cùng dệt vải lanh.

"Năm nay Covid nên hàng bán chậm lắm. Tôi đang hướng dẫn chị em ngoài dệt lanh bán hàng cho du khách thì tập thêm vài tiết mục văn nghệ đặc trưng của người Mông để đa dạng hóa dịch vụ, giữ khách ở lại lâu hơn, vừa bán thêm được hàng, vừa quảng bá văn hóa dân tộc”, chị Thào Thị Sung vui vẻ giải thích bằng thứ tiếng Kinh còn trọ trẹ nhưng mạch lạc, dứt khoát. 

Ngược thời gian sáu năm về trước, thời điểm đó, Thào Thị Sung cũng giống như nhiều người dân Tả Phìn, sống bám vào du lịch. Nhưng thay vì bán hàng rong như nhiều người khác, Thào Thị Sung biết nghề dệt lanh thành thổ cẩm và bán sản phẩm cho du khách. Thào Thị Sung kể: "Nhìn bà con đi bán hàng rong, nhặt rác trong thùng, chèo kéo du khách, tôi xấu hổ lắm. Tôi muốn dạy các chị em khác biết thêu, lớn lên nếu không đi làm nhà nước sẽ mở một gian hàng như tôi, vẫn làm du lịch được mà lại không phải chèo kéo khách, để lại ấn tượng xấu”, Thào Thị Sung kể. Do đó, dù đã có một cửa hàng nhỏ, một homestay, thu nhập đủ nuôi gia đình nhưng Thào Thị Sung vẫn đau đáu ước mơ lo cho chị em cùng bản.

Thế rồi, năm 2015, khi được Sapa Ô Châu, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và kinh doanh sản phẩm thổ cẩm, đồng hành với tư cách là nhà tư vấn, hỗ trợ một chiếc máy khâu, ước mơ ấy ngày càng lớn.

Ngay sau đó, chị dùng toàn bộ số tiền 50 triệu đồng chồng vừa thu hoạch vụ lan để cất một căn nhà nhỏ, trang bị khung cửi, dệt lanh, rồi vận động người dân địa phương thành lập Câu lạc bộ Thổ cẩm số 1 ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn. Đây là nơi quy tụ chị em trong bản có tay nghề thêu thùa, may vá, làm ra các sản phẩm thủ công, cũng là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm cho khách du lịch. Chị em ngoài giờ làm nông nghiệp, tận dụng lúc nông nhàn để làm thổ cẩm. Cùng với làm thổ cẩm, Thào Thị Sung còn mở thêm dịch vụ homestay và nấu ăn cho du khách, lợi nhuận từ các dịch vụ chia cho chị em, mỗi người mỗi tháng ổn định ở mức 2 - 3 triệu đồng.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du khách đến với Sapa và Tả Phìn không nhiều, Thào Thị Sung chọn cách quảng bá, bán hàng online trên facebook. Lợi nhuận từ việc này giúp chị bù đắp một phần khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, mở rộng thị trường, khách hàng ra nhiều các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

"Tôi đã có nhiều đơn hàng với khách nội địa, nhưng khách nước ngoài hầu như chỉ mua lẻ khi đến Tả Phìn. Do đó, tôi đang tiếp tục học tiếng nước ngoài, để một thời gian nữa, khi khách Tây đến với Tả Phìn sẽ đàm phán được những hợp đồng lớn hơn”, Thào Thị Sung hy vọng. 

Từ một nhóm nhỏ ban đầu chỉ có 17 người tham gia, đến nay, Câu lạc bộ Thổ cẩm số 1 thôn Can Ngài đã phát triển thành Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm xã Tả Phìn với 63 thành viên. Ngoài việc hướng dẫn, tổ chức các chị em thêu thùa, làm lanh, Thào Thị Sung còn liên kết với các trường học trong vùng, dạy miễn phí cho các em học sinh. Mục đích là để bọn trẻ không quên nghề cha ông truyền lại. Thào Thị Sung cũng không giấu tham vọng sẽ mở rộng Tổ hợp tác thành một công ty nhỏ, để giúp đỡ được nhiều người hơn. 

Từ những người phụ nữ dân tộc không cam chịu số phận, sẵn sàng đứng lên làm chủ cuộc sống, làm giàu cho bản thân và hỗ trợ nhiều người khác thoát nghèo, vùng cao Tả Phìn đã và đang vươn mình vượt khó, hòa nhịp với sự phát triển của đất nước. Những tấm gương nữ doanh nhân ở đơn vị sản xuất nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả đã không chỉ góp phần gìn giữ những nếp văn hóa truyền thống, đóng góp cho địa phương, mà còn tô đậm thêm vai trò quan trọng của lực lượng doanh nhân vào sự phát triển của đất nước.

TheoNhanDan

Các tin khác


Sức mạnh doanh nhân Việt Nam

Những năm qua, các doanh nghiệp (DN) và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn đứng trước nhiều khó khăn. Do đó, cần chủ động xây dựng chiến lược, từng bước vươn xa trở thành đội ngũ có năng lực, trình độ, đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung, cũng như tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.

Cộng đồng doanh nghiệp đổi mới tư duy, hợp tác để phát triển

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của các DN trong tỉnh chịu áp lực của suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh thương mại. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã để lại hậu quả nặng nề, tác động tiêu cực đến "sức khỏe của DN”. Tuy nhiên, nhờ những cơ chế, chính sách kịp thời của Chính phủ; sự lãnh đạo, điều hành sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh; sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và tăng cường hợp tác… cộng đồng DN, doanh nhân Hòa Bình đã tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển.

Đất khó chuyển mình nhờ “đòn bẩy” 135

(HBĐT) - Những năm qua, nhờ Chương trình 135 (CT 135), bộ mặt của nhiều xóm, xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn đang từng ngày thay đổi. Những dự án, chính sách hỗ trợ thiết thực từ chương trình thực sự là "đòn bẩy” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, là động lực quan trọng giúp đẩy nhanh Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp vượt 6,05% so với cùng kỳ

(HBĐT) - Trong 9 tháng, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, vượt 6,05% so với cùng kỳ, đạt 91,16% kế hoạch năm. Dự kiến đến cuối năm giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, vượt 6,8% so với cùng kỳ, đạt kế hoạch đề ra.

Huyện Lương Sơn: Thu hút đầu tư tạo lực đẩy cho vùng động lực kinh tế

(HBĐT) - Những năm qua, nhờ tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án vào địa bàn đã góp phần tạo đòn bẩy để huyện Lương Sơn đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với mức bình quân chung của tỉnh (13,86/9,15%), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Phát triển rừng gắn với bảo đảm an sinh xã hội

(HBĐT) - Chương trình hành động số 14/CTr-TU, ngày 30/8/2017 của BTV Tỉnh ủy Hòa Bình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng xác định một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển lâm nghiệp tỉnh bền vững cả về KT-XH và môi trường, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng. Những năm qua, công tác phát triển rừng gắn với đảm bảo lợi ích an sinh xã hội của cộng đồng được tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục