Hơn 40 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề lý luận, quá trình hình thành, những thành công ban đầu, các hạn chế và vấn đề đặt ra trong hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam và hành lang pháp lý với việc phát triển thị trường phái sinh hàng hóa, cũng như những giải pháp đồng bộ cần có, nhằm tạo sức bật mới cho phát triển thị trường giao dịch hàng hóa nói chung, thị trường phái sinh hàng hóa nói riêng, trong giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nỗ lực vượt qua các hệ lụy do dịch Covid-19 gây ra.
Phái sinh là một hợp đồng giữa hai bên xác định các điều kiện (đặc biệt là ngày tháng, giá trị kết quả và các định nghĩa của các biến cơ sở, nghĩa vụ hợp đồng của các bên, và số tiền danh nghĩa) theo đó các khoản thanh toán được thực hiện giữa các bên. Các tài sản cơ sở phổ biến nhất bao gồm các loại hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất và tiền tệ.
Giao dịch hàng hóa tương lai (hay còn gọi Phái sinh hàng hóa) là giao dịch trong đó khách hàng thực hiện mua, bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định và việc giao nhận hàng được thực hiện tại một thời điểm định trước trong tương lai. Các yếu tố của giao dịch như khối lượng, thời gian đến hạn, tiêu chuẩn hàng hóa, mức giá… được các sàn giao dịch quy định
Từ những công cụ đơn giản được tạo ra ngay ở thời kỳ đầu mới xuất hiện thị trường, hàng hóa phái sinh dần trở nên đa dạng hơn, mang những đặc điểm ngày càng phức tạp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người sử dụng.
Các loại phái sinh hàng hóa: Giao dịch hợp đồng tương lai hàng hóa: Là giao dịch trong đó khách hàng thực hiện mua/bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định và việc chuyển giao được thực hiện trong tương lai. Các yếu tố của giao dịch như khối lượng, mức giá, thời gian đến hạn, tiêu chuẩn hàng hóa,… được các sở giao dịch hàng hóa quy định.
Giao dịch hợp đồng quyền chọn hàng hóa: Là một thỏa thuận về quyền (nhưng không kèm theo nghĩa vụ) được mua hay bán một số lượng hàng hóa cơ sở tại một mức giá và trong một khoảng thời gian xác định trước. Các yếu tố của giao dịch quyền chọn hàng hóa như loại hàng hóa, khối lượng giao dịch, tháng đến hạn, đồng tiền định giá… được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Việc tất toán khi đến hạn của quyền chọn giá cả hàng hóa được thực hiện thông qua việc thanh toán phần chênh lệch giá giữa các bên.
Giao dịch hoán đổi giá cả hàng hóa: Giao dịch hoán đổi giá cả hàng hóa – Commodity Swap (CoS): là giao dịch trong đó mỗi bên giao kết hợp đồng thực hiện trao đổi cho nhau số tiền dựa trên các mức giá thả nổi hoặc cố định của một khối lượng hàng hóa nhất định trong kỳ thanh toán. Cụ thể, trong giao dịch hoán đổi giá cả hàng hóa, một bên thực hiện thanh toán theo mức giá cố định cho bên kia và ngược lại bên kia thanh toán theo mức giá thả nổi cho bên này.
Hợp đồng kỳ hạn (forward contracts): hợp đồng kết thúc trong một thời hạn định trước trong tương lai ở cà-phê là các kỳ hạn tháng 3, 5, 7, 9, 11, 1
Về bản chất, giao dịch phái sinh hàng hóa là một cuộc giao dịch giữa hai bên (mua và bán) có sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của đôi bên đối với việc giao, nhận một loại tài sản nhất định, với mức giá đã được thỏa thuận, tại đúng thời điểm xác định trong tương lai. Trên thị trường này, nhà đầu tư không phải trực tiếp giao dịch hàng hóa, mà sẽ giao dịch với nhau bằng các hợp đồng tương lai, thông qua một hệ thống các sàn giao dịch quốc tế có liên thông với nhau. Nói cách khác, nhà đầu tư không phải mua bán tích trữ hàng, mà chỉ cần giao dịch trực tuyến trên phần mềm. Tùy biến động giá cả hàng hóa mà nhà đầu tư đã có thể bán đi và ngược lại, có thể mua lại ngay sau khi bán để thu lời đầu cơ thị trường giá xuống.
Năm 1690, thị trường gạo Dojima ra đời ở Nhật Bản, đánh dấu sự hình thành thị trường hợp đồng hàng hóa tương lai đầu tiên trên thế giới.
Thống kê của các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới cho thấy, từ năm 2005 đến nay, giao dịch phái sinh hàng hóa luôn sôi động và liên tục tăng trưởng cao, vượt cả tốc độ tăng của thị trường chứng khoán.
Năm 2019, thị trường phái sinh hàng hóa đã lên tới 24% trên tổng khối lượng giao dịch của sản phẩm phái sinh trên toàn thế giới, trong đó châu Á chiếm 56%.
Năm 2018, tại châu Á, sàn giao dịch của TOCOM (Nhật Bản) có giá trị vốn hóa gần 2.000 tỷ yên. Tính đến nay, thị trường hàng hóa đã chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch của các sản phẩm phái sinh trên thế giới và riêng khu vực châu Á chiếm 56%. Đặc biệt, trong năm 2020, thị trường phái sinh hàng hóa đang tiếp tục có xu hướng lấn át so với kênh đầu tư khác.
Đối tượng giao dịch trên thị trường phái sinh hàng hóa hiện nay chủ yếu là những sản phẩm thuộc bốn lĩnh vực cơ bản sau đây: Hàng hóa lĩnh vực năng lượng bao gồm các sản phẩm như: dầu thô, khí gas. Hàng hóa lĩnh vực kim loại bao gồm các sản phẩm như: quặng sắt, đồng, chì, thiếc, bạch kim… Hàng hóa lĩnh vực nông sản bao gồm các sản phẩm như: đậu tương, ngô, lúa mạch… Hàng hóa lĩnh vực nguyên liệu công nghiệp bao gồm các sản phẩm như: cao-su, đường, cà-phê, bông sợi… Trong đó ngành hàng nông sản được xem là mặt hàng thường xuyên được giao dịch nhất trên thị trường hiện nay.
Sự ra đời của thị trường phái sinh trong một thị trường giao ngay giúp hoàn tất quá trình định giá dựa vào thị trường, phòng ngừa những rủi ro về biến động giá trên thị trường giao ngay ở mức chi phí thấp. Hiện có 19 thị trường hàng hóa phái sinh mới nổi ở châu Á. Một số nước đã phát triển thị trường này một cách tích cực với khả năng thanh khoản cao, như Nhật Bản; còn các thị trường mới nổi ở châu Á mới chỉ phát triển ở giai đoạn sớm.
Với tỷ lệ đòn bẩy từ 1:10 đến 1:20, tùy theo một số mặt hàng (tức số tiền bỏ ra để giao dịch quyền mua hoặc quyền bán bằng 1/30 lần giá trị thật đang giao dịch của hàng hóa), giao dịch hàng hóa mang lại lợi thế không chỉ cho các nhà xuất khẩu trong việc bảo toàn doanh thu, mà tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ lướt sóng.
Ngoài những rủi ro thị trường như hoạt động kinh doanh khác, rủi ro trong kinh doanh trên thị trường hàng hóa phái sinh thường xuất phát từ việc giao dịch trên các sàn chui, hoạt động bất hợp pháp, chủ yếu là đầu cơ theo hình thức giả danh đầu tư quốc tế, nhưng thực tế nhà đầu tư chỉ giao dịch với "nhà cái ảo" do các sàn tự tạo ra tại chính Việt Nam, chứ không phải giao dịch minh bạch với thị trường hàng hóa quốc tế.
Ngoài ra, rủi ro còn đến từ các "lỗi kỹ thuật”, tức bị các chủ sàn dùng các biện pháp kỹ thuật để can thiệp, thậm chí xóa sạch lịch sử giao dịch, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Những người có nhiều vốn, có đủ thời gian và trình độ chuyên môn sẽ an toàn hơn trong các quyết định đầu tư; tuy nhiên, sự tham gia thị trường của các nhà đầu tư không chuyên nghiệp có thể tạo rủi ro mang tính "tâm lý đám đông” và khó đoán định bởi những người không phải là chuyên gia mải miết kiếm tìm cơ hội thu lời khi biến động giá ngắn hạn cũng như dài hạn; giá lên và giá xuống..
Giao dịch hàng hóa không phải là khái niệm mới tại Việt Nam, mà hơn chục năm trước, giao dịch bằng hợp đồng tương lai đã được một số ngân hàng thương mại triển khai. Khi đó, thông qua một nhà môi giới khác của các sở giao dịch hàng hóa tại New York và London, doanh nghiệp trong nước sẽ thực hiện được việc mua - bán cà-phê trên thị trường quốc tế với mức giá được doanh nghiệp "ưng ý" nhất, còn hàng thì giao sau, thời điểm do hai bên thỏa thuận.
Điều quan trọng nhất là tại thời điểm giao cà-phê, dù giá lên hay giá xuống, nhà xuất nhập khẩu vẫn bảo đảm được hàng hóa giao theo giá được được "chốt" lệnh từ trước. Thậm chí, một số sàn giao dịch hàng hóa đã từng được thành lập và vận hành, như: Sàn giao dịch hạt điều và Sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ. Tuy nhiên, do còn một số nhược điểm như: Chỉ tổ chức ở mức cục bộ địa phương; Mặt hàng giao dịch đơn lẻ; Thiếu một cơ chế xác định giá liên thông với quốc tế; Thiếu hệ thống kết nối giao dịch tốc độ cao, nên các sàn giao dịch hàng hóa này đã phải đóng cửa sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (Mercantile Exchange of Vietnam - MXV) ra đời vào năm 2010, với kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tập trung trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Nhưng chỉ đến khi Nghị định số 51/2018/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ/CP quy định chi tiết Luật Thương mại về giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa) có hiệu lực, cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa ở Việt Nam được kết nối liên thông với các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, thị trường giao dịch hàng hóa tập trung ở Việt Nam mới thực sự được "cởi trói” và có cơ hội phát triển.
Hơn nữa, giao dịch của khách hàng cũng được bảo đảm khi các nghiệp vụ thanh toán bù trừ qua hệ thống ngân hàng quốc doanh được nhà nước bảo hộ, không cho phép bất kỳ hoạt động trái luật nào có thể can thiệp được. Điều này tạo xung lực thúc đẩy hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa.
Ở Việt Nam, theo MXV, thị trường phái sinh hàng hóa là một thị trường mới, có nhiều sự bảo đảm, tính minh bạch cao, ít rủi ro và không cần nhiều vốn để tham gia.
Hiện nay, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam MXV là đơn vị tổ chức thị trường hàng hóa tập trung duy nhất tại Việt Nam, chính thức vận hành thị trường hàng hóa cấp quốc gia từ ngày 17-8-2018 theo giấy phép sửa đổi bổ sung số 486/GP-BCT do Bộ Công thương cấp ngày 8-6-2018. Từ 2018 mọi giao dịch hàng hóa được thông qua MXV theo tinh thần Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa.
MXV sở hữu công nghệ chuyển giao với nền tảng tối ưu về hỗ trợ giao dịch hàng hóa tốt nhất thế giới như CME, CBOT, ICE hay TOCOM. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam thực hiện tất cả các nghiệp vụ giao dịch, thanh toán bù trừ, kiểm định, vận chuyển hàng hóa và chuyển giao thanh khoản…
MXV liên thông với các sở giao dịch hàng hóa thế giới nên thông tin về giá cả hàng hóa được công khai minh bạch rõ ràng, cập nhật biến động nhanh chóng. MXV đăng ký danh sách Legal Entity Identifier (LEI) do The Financial Stability Board (FSB) áp dụng cho tất cả các giao dịch tài chính với các đối tác ở châu Âu.
Với xu hướng tự do thương mại giữa các quốc gia, những bản hợp đồng, nhiều thương vụ hợp tác mua bán một sản phẩm nào đó trên sàn giao dịch càng có khuynh hướng tăng cao. Đặc biệt là với một sàn giao dịch đầy tiện lợi, có thể giao dịch online, giúp các đơn hàng diễn ra với hiệu suất nâng cao.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh hàng hóa đã tăng khá mạnh trong vòng một năm trở lại đây, với lượng giao dịch qua hàng hóa phái sinh lên tới 10.000 lot giao dịch bình quân mỗi ngày (31 triệu lot được giao dịch và hơn bảy triệu vị thế mở trong tháng 1-2020).
Với 21 mặt hàng thuộc bốn nhóm ngành được cấp phép giao dịch, gồm nông sản, nguyên liệu công nghiệp, năng lượng và kim loại, giao dịch hàng hóa phái sinh được nhiều nhà đầu tư tham gia với sự hồ hởi hơn rất nhiều so với trước đây.
Giao dịch hàng hóa phái sinh được đánh giá cao về khả năng giảm thiểu tối đa rủi ro cho cả người mua lẫn người bán.
Tuy nhiên, để mô hình này được phổ biến hơn sẽ cần thêm thời gian để các nhà xuất nhập khẩu, nhà đầu tư tích lũy dần thêm đầy đủ kiến thức để có thể tham gia sân chơi cấp quy mô toàn cầu này. Để hỗ trợ nhà đầu tư và các nhà sản xuất, MXV cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo trên quy mô cả nước để hướng dẫn người tham gia. Bên cạnh đó, MXV cũng đã phối hợp nhiều tổ chức định chế tài chính để hình thành kênh liên kết, bảo đảm các hoạt động giao dịch các loại sản phẩm giao dịch kỳ hạn hàng hóa sao cho đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhất.
TheoNhanDan