Công trình ngầm Ruốc, xã Nánh Nghê (Đà Bắc) đưa vào sử dụng tạo thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Ngày đưa ngầm Ruốc vào sử dụng, cán bộ và Nhân dân địa phương vui mừng như hội. Bà con an tâm khi đi qua ngầm, nơi mà những mùa lũ trước đã làm giao thông tê liệt, muôn trùng khó khăn, nguy hiểm. Ông Bùi Văn Tư, người dân địa phương đi xe máy dừng lại ngắm nhìn ngầm phấn khởi. Lần đầu tiên thấy ngầm to, trông vững chãi như cầu xây mới vậy. Bà con yên tâm và phấn khởi vì trước Tết không còn cảnh dắt xe, lội bộ trên những thanh bê tông, thanh gỗ bắc tạm, từ xóm đến trung tâm cụm xã Mường Chiềng để mua bán, học tập, làm việc.
Nánh Nghê là xã khó khăn bậc nhất của huyện Đà Bắc, thường xuyên bị cô lập trong mùa mưa lũ, thường trực lũ ống, lũ quét, trượt sạt đất, đá, phá hoại hạ tầng, đe dọa cuộc sống, sản xuất và tính mạng của người dân, giao thông hết sức khó khăn. Đường tỉnh 433 qua địa phận xã dài khoảng 10 km (từ km 75 - km 84), nằm ở địa hình độ dốc lớn, nhiều đá mồ côi, đặc biệt nguy hiểm khi thường xuyên có đá lăn, lũ quét. Đợt mưa lũ lịch sử năm 2017 - 2018, trên địa bàn xảy ra lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng. Trong ký ức người dân vẫn còn hình ảnh lũ dâng cao cuồn cuộn, đỏ ngầu, kéo theo đất, đá tại ngầm Ruốc (km 78), lũ chảy xiết đã cuốn trôi 1 xe ngô, 4 người mất tích. Sau lũ, suối Nánh bị đất, đá san phẳng, vùi lấp hoàn toàn. Chưa kịp hồi phục sau thiên tai, năm 2019, xã tiếp tục bị lũ ống, lũ quét, trượt sạt, đá lở, đá lăn gây hậu quả nghiêm trọng đến hạ tầng, đời sống, sản xuất của bà con. Lũ ống, lũ quét đánh tan, phá hủy toàn bộ ngầm Ruốc. Đơn vị quản lý và huyện đã có những giải pháp xử lý tạm thời ngầm Ruốc để bảo đảm giao thông cho bà con. Tuy vậy, khi đi lại qua ngầm trong mùa mưa luôn bất an, nơm nớp lo sợ.
Trước thực trạng đó, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT chấp thuận cho triển khai dự án sửa chữa ngầm Ruốc. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 13 tỷ đồng, được triển khai từ nguồn vốn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2019 nhằm thay thế các cống của ngầm Ruốc bị phá hỏng, vùi lấp, không đảm bảo thoát nước do mưa lũ từ hậu quả của những đợt lũ ống, lũ quét.
Đồng chí Trần Hữu Kim, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) cho biết: Công trình ngầm Ruốc được thiết kế đồng bộ, chắc chắn, bảo đảm tính bền vững, lâu dài, có tính toán cho quy hoạch phát triển đường tỉnh 433 sau này. Quy mô xây dựng gồm 8 khoang, chiều dài ngầm 305 m, trong đó, phần ngầm thoát nước 47,98 m, phần đường hai đầu 257 m, chiều rộng ngầm 7,5 m, phần xe chạy 7 m… Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tính toán lượng nước lũ thoát về với cường độ lớn, rà soát khu vực đất, đá vùi lấp để thanh thải, tổ chức chỉ đạo thiết kế công trình bảo đảm thoát nước nhanh, nâng mặt ngầm lên cao để có thể bảo đảm giao thông khi mưa lũ. Bên cạnh đó, thường xuyên bám sát hiện trường, chỉ đạo nhà thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế thi công…
Đường tỉnh 433 dài khoảng 90 km, từ TP Hòa Bình đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc. Tuyến đường nằm ở địa hình vùng cao, độ dốc lớn, địa chất không ổn định, các công trình giao thông yếu và chưa đồng bộ, luôn đối mặt với nguy cơ trượt sạt, lở đất, đá; trên tuyến có hàng chục điểm ngầm thường xuyên bị ngập sâu, nước chảy xiết khi vào mùa mưa lớn, nguy hiểm cho người và phương tiên qua lại. Công trình ngầm Ruốc được chuyên môn đánh giá là hình mẫu tiết kiệm, có hiệu quả đầu tư không chỉ ở trong tỉnh, góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện trong mùa mưa lũ hàng năm.
Lê Chung