(HBĐT) - "Anh lên đây với quê em/Đất Mường xây thành phố/Gọi tên con sông quê hương/ Từng mang bao ước hẹn/Anh tới quê em vượt bao ghềnh thác/Nghe âm vang từ trong con lũ/Niềm hạnh phúc ánh điện sông Đà...". Đã biết bao lần nghe ca khúc "Tiếng gọi sông Đà" của nhạc sỹ Trần Chung, vậy mà mùa xuân này, nghe lời ca rộn ràng mà sâu lắng cất vang bên công trình thủy điện Hòa Bình khiến lòng chộn rộn, xốn xang đến lạ. Cũng phải thôi, bởi khởi đầu xuân mới, nơi đây tàu xe lại ngược xuôi và lại "âm vang tiếng máy reo" của một công trình mới mang nhiều ý nghĩa - công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (NMTĐHBMR).


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và tỉnh ta bấm nút phát lệnh khởi công công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thời gian có thể xóa mờ ký ức, song với rất nhiều người không bao giờ phôi phai sự kiện trọng đại vào đầu tháng 11/1979, cả nước hướng về quê hương Hòa Bình mừng lễ khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình, công trình thế kỷ, cũng là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, mở đầu cho "bản hùng ca của ngành Điện lực Việt Nam thế kỷ XX”. Trải qua hơn 30 năm hòa lưới điện quốc gia, với công suất 1.920MW, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu: Là nguồn cung cấp điện chủ lực cho hệ thống điện quốc gia, phục vụ phát triển KT - XH, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; điều hòa, cắt lũ, đảm bảo an toàn cho vùng đồng bằng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội; chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ; thúc đẩy phát triển KT - XH và đảm bảo an sinh ở địa phương.

Sau hơn 40 năm, bên dòng sông Đà thơ mộng tiếp tục được đầu tư xây dựng NMTĐHBMR, nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, TP Hòa Bình. Dự án có tổng công suất 480MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân khoảng 488,3 triệu KWh/năm. NMTĐHBMR sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình 99,62 ha, trong đó có 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ thi công xây dựng dự án. Sau khi hoàn thành công trình NMTĐHBMR sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt 2.400 MW.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo quy mô dự án trên bản đồ mô phỏng.

Vinh dự cho tỉnh Hòa Bình và những người thực hiện nhiệm vụ cao cả xây dựng công trình khi được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát lệnh khởi công vào ngày 10/1/2021. Thủ tướng cho biết, những công trình thủy điện trên dòng sông Đà là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình là biểu tượng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay với hàng vạn lao động hăng say trên công trường. Trong suốt những năm qua, biết bao xương máu, mồ hôi của các công nhân, lao động, kỹ sư đã đổ xuống, đóng góp cho công trình đặc biệt này. Việc nghiên cứu để khởi công NMTĐHBMR chính là thể hiện sự kế thừa, phát huy sáng tạo của thế hệ hôm nay tiếp nối thế hệ đi trước trong việc vận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Chia sẻ về công trình có ý nghĩa to lớn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn khẳng định: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn ủng hộ, đồng hành, chia sẻ, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung của ngành Điện. Việc xây dựng mở rộng Nhà máy thủy điện Hòa Bình đánh dấu thêm một bước phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm tăng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình để phát điện. Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia. Giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa. Tạo ra nhiều việc làm, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho lao động địa phương. Đồng thời, việc đầu tư công trình NMTĐHBMR có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp phát triển KT - XH của tỉnh Hòa Bình, sẽ góp phần đảm bảo hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Vinh dự, tự hào khi được giao nhiệm vụ cao cả thi công xây dựng công trình, tại lễ khởi công, cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) bày tỏ niềm vui lớn, song cũng cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi công trình NMTĐHBMR có ý nghĩa xã hội sâu sắc, có quy mô, khối lượng công việc lớn, tiến độ khẩn trương, nhiều hạng mục thi công khó khăn, phức tạp theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, vừa thi công, vừa đảm bảo an toàn cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu... Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 12 cũng như liên danh nhà thầu thi công tin tưởng rằng, với năng lực, kinh nghiệm dày dạn từ thực tiễn đã và đang thi công nhiều công trình thủy điện, nhiệt điện, các công trình trọng điểm có quy mô lớn ở trong nước và quốc tế, nhất định đơn vị thi công sẽ hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cán bộ, Nhân dân tỉnh Hòa Bình.


Các đơn vị thi công ra quân xây dựng công trình.

Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án NMTĐHBMR sẽ phát điện vào quý III/2024; tổ máy 2 phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV/2024. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư và liên danh các đơn vị thi công phát huy truyền thống tốt đẹp, ý trí quyết tâm, tinh thần đoàn kết vượt khó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành dự án trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa nhà máy vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước. Thông điệp Thủ tướng Chính phủ đưa ra là: Phải an toàn tuyệt đối; an toàn lâu dài và phát triển bền vững toàn hệ thống, nhất là vùng hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay.


Hoàng Nga


Các tin khác


Thành phố "thay áo mới”

(HBĐT) - Xuân đã về! Dòng Đà Giang vẫn êm đềm uốn lượn tựa dải lụa qua thành phố Hòa Bình mến yêu. Vậy mà ta như lạ, như quen giữa thành phố bên sông Đà. Hòa vào dòng người tấp nập đi siêu thị, trung tâm thương mại, đi chợ sắm Tết, ngắm phố phường thênh thang với những con đường lớn bên những công trình mới sừng sững mà lòng lâng lâng, ngỡ như thực, như mơ.

Trên những cung đường mùa xuân

(HBĐT) - 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, dẫu vẫn còn những khó khăn, song không thể không khẳng định, tỉnh ta đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển KT - XH, bởi những quyết sách mang tính chiến lược trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong những gam màu tươi sáng, phải nói tới sự đột phá trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối, giúp mở rộng cánh cửa đón nhận làn sóng đầu tư mới vào tỉnh, cũng như đưa Hòa Bình đến gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế.

Nuôi trâu ở xứ sở ruộng bậc thang

(HBĐT) - Không chỉ cuốn hút bởi những thảm cỏ may rộng mênh mông, những thửa ruộng bậc thang nối tiếp hàng trăm, hàng nghìn bậc. Xã Miền Đồi (Lạc Sơn) còn được biết đến là nơi nhiều hộ dân sở hữu đàn trâu "khủng", số lượng vài chục con.

Xứ Mường - bốn mùa quả ngọt

(HBĐT) - Miền sơn cước Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi, mùa nào thức đấy, quanh năm cây cối xanh tươi, quả ngọt trĩu cành. Khi những cánh đào khoe sắc gọi xuân về, khắp các bản làng nhộn nhịp, rộn ràng tiếng ca, cũng là lúc người nông dân trong tỉnh tạm gác những nhọc nhằn, vất vả để hưởng thụ thành quả.

Sản phẩm OCOP - sự kết tinh giữa văn hóa và chất lượng

(HBĐT) - Các sản phẩm nổi tiếng của tỉnh như: Cam Cao Phong, gà Lạc Thủy, cá sông Đà, sản phẩm thổ cẩm dệt tay của dân tộc Thái… được tiếp thêm sức mạnh, chắp cánh từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Toàn tỉnh hiện có 71 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 18 sản phẩm 4 sao, 53 sản phẩm 3 sao.

Huyện Lương Sơn - vùng đất cửa ngõ giàu tiềm năng

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, giáp ranh với TP Hà Nội, giao thông đi lại thuận lợi. Huyện đã, đang thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp sạch. Huyện đang hội nhập để phát triển kinh tế, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là người dân Thủ đô Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục