(HBĐT) - "Ngân sách Nhà nước (NSNN) là nguồn lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, bởi vậy cần huy động ở mức cao nhất nguồn thu vào NSNN theo quy định của pháp luật để đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đa dạng hóa nguồn thu tạo ra sự đóng góp của các thành phần kinh tế làm cho nguồn thu ngày càng tăng lên, bảo đảm ổn định lâu dài; đồng thời mở rộng nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ và bền vững…”. Đó là quan điểm chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy về tạo nguồn thu và tăng cường quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.


Công ty CP Sơn Thủy, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) khắc phục khó khăn để sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào thu ngân sách Nhà nước của tỉnh.

Nhằm tạo đà thực hiện mục tiêu thu NSNN được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 tỷ đồng. Năm 2021, Nghị quyết HĐND tỉnh giao thu NSNN 5.070 tỷ đồng, tăng 711,6 tỷ đồng, bằng 116% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao; tăng 70 tỷ đồng, bằng 101% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2020. Số giao thu NSNN năm nay tăng so với thực hiện năm 2020 là 39%, cao hơn chỉ tiêu TTCP giao theo Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 29/7/2020 về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2021.

Ngay từ đầu năm, công tác thu NSNN đã được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu NSNN. Ban chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách tỉnh và cấp huyện thường xuyên nắm tình hình, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ nhằm đôn đốc việc thực hiện thu, nộp NSNN, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự toán thu NSNN năm 2021.

Vừa qua, tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ, bàn về công tác thu NSNN, đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh có những thuận lợi nhất định, thể hiện ở sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình bằng 199% so với cùng kỳ, số thu nộp ngân sách tăng 77% so với cùng kỳ. Một số khoản thu phát sinh đột biến ngoài dự toán. Lệ phí trước bạ tăng cao do nhiều cá nhân đầu tư mua ô tô, trong đó nhiều xe có giá trị lớn; mặt khác, thị trường bất động sản sôi động, hoạt động mua bán nhà, đất tăng dẫn đến tăng thu trước bạ nhà đất. Thu xuất nhập khẩu đạt khá do một số doanh nghiệp (DN) gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất, thu hút thêm các DN và mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Hoà Bình…

Bên cạnh thuận lợi, Sở Tài chính cũng đánh giá, nhiệm vụ thu NSNN gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Công văn số 1575, thông báo giá tính thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2021 đối với các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, theo đó, mức giá tính thuế giá trị gia tăng năm 2021 của Công ty Thủy điện Hòa Bình là 452,35 đồng/kWh, giảm 143,65 đồng/kWh (tương ứng giảm 21,1%) so với giá tính dự toán, làm giảm thu khoảng 136 tỷ đồng so với dự toán TTCP giao và giảm khoảng 170 tỷ đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Khoản thu tiền sử dụng đất (SDĐ) thực hiện còn thấp do việc triển khai các dự án chậm. Tổng số tiền thuế nợ cao. Thu từ bán tài sản dôi dư theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn, do nhiều tài sản còn giá trị khấu hao lớn, dẫn đến không thu hút được các nhà đầu tư. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba, thứ tư đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động SX-KD của người dân, DN, từ đó tác động tiêu cực tới thu ngân sách.

Từ thực tế trên, thu NSNN 6 tháng đầu năm của tỉnh ước thực hiện trên 2.000 tỷ đồng, bằng 47% dự toán TTCP giao, đạt khoảng 40% Nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó, thu nội địa đạt 1.799 tỷ đồng, bằng 43,3% dự toán pháp lệnh, 37,3% dự toán HĐND tỉnh, bằng 138,6% so với thực hiện cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt trên 219 tỷ đồng, bằng 110% dự toán TTCP giao, đạt 88% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 199% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, có 10/18 khoản thu ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt cao hơn mức trung bình 50%. Song cũng có 8/18 khoản thu chưa đạt mức trung bình 50%, nhất là thu tiền SDĐ mới được 293,4 tỷ đồng, chỉ đạt 19,6% dự toán pháp lệnh, 17,3% dự toán HĐND tỉnh.

Nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt là việc hoàn thành khoản thu tiền SDĐ mang yếu tố quyết định kết quả thực hiện chỉ tiêu thu NSNN năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong việc tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2021 theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của UBND tỉnh đã đề ra. Theo đó, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và chất lượng lập, quản lý các quy hoạch, kế hoạch SDĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức đấu thầu, đấu giá nhằm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ. Thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch thu tiền SDĐ; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án đất, tiến độ đấu giá các dự án thu tiền SDĐ, bán tài sản Nhà nước làm cơ sở để cơ quan thuế thông báo, đôn đốc kịp thời vào NSNN.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý thuế trên địa bàn, phân tích, dự báo, phát hiện, đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng tăng, giảm nguồn thu, tổng hợp chi tiết, báo cáo kịp thời tiến độ thu ngân sách, các khoản nợ thuế, xác định nguyên nhân nợ đọng để có phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp với thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá. Kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các DN, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN...

Bình Giang

Các tin khác


Nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước, thu 10.000 tỷ đồng NSNN, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, mỗi năm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (NLCT) cấp tỉnh tối thiểu tăng 3 bậc. Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được xác định là năm cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD). Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) thực hiện những giải pháp cụ thể cải thiện MTKD, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển lành mạnh.

Thăm xã nông thôn mới ven đô 

(HBĐT) - Là địa bàn ven đô, tiếp giáp với vùng núi cao, địa hình chia cắt của huyện Đà Bắc, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ; sau sáp nhập có thêm một số khu vực ở hồ Hòa Bình, không thuận lợi để xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, trong những năm qua, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã tranh thủ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, phát huy nội lực thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng NTM, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân - đồng chí Hà Văn Thiểm, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Hà Nội dừng xe khách đi 37 tỉnh, thành

TP Hà Nội dừng hoạt động của các phương tiện vận tải công cộng đến 37 tỉnh thành, chủ yếu là các địa phương phía Nam, từ 18/7.

Xã Phong Phú nỗ lực trở thành thị trấn

(HBĐT) - Xã Phong Phú là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Tân Lạc. Xã có vị trí thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa; phát triển thương mại, dịch vụ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Với những lợi thế đó, Đảng ủy, chính quyền, Nhân dân xã nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng để hoàn thiện các tiêu chí phát triển đô thị, đưa Phong Phú trở thành thị trấn năm 2024.

Dành nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn

(HBĐT) - Giờ đây, về vùng nông thôn dễ dàng nhận thấy cuộc sống đang từng ngày đổi mới. KT-XH vùng nông thôn, miền núi của tỉnh tiến bộ vượt bậc. Người dân có điều kiện tiếp cận thị trường, KHKT, dịch vụ để phát triển kinh tế. Các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016-2020, trong đó, điểm nhấn là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã tạo lực đẩy cho sự phát triển, góp phần đắc lực dần hoàn thiện các thiết chế hạ tầng KT-XH cơ bản ở nông thôn theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị.

Họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh

(HBĐT) - Ngày 16/7, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) tỉnh. Đồng  chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh chủ trì. Tham dự có các thành viên BCĐ tỉnh, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc UBND tỉnh…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục