(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư (THĐT) là 1 trong 4 đột phá chiến lược; trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu trong 5 năm thu hút các dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, có ý nghĩa quan trọng đặt nền móng cho cả giai đoạn. Tuy nhiên, công tác THĐT còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Thực tế này đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để đưa kinh tế của tỉnh phát triển nói chung và hoàn thành mục tiêu THĐT nói riêng.


Công tác giải phóng mặt bằng tại KCN bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) còn nhiều vướng mắc, dẫn đến dự án Nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử chậm được triển khai thực hiện.
 


Tính trong 7 tháng năm nay, trên địa bàn tỉnh mới có 8 dự án đầu tư (DAĐT) trong nước được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 927,95 tỷ đồng (gồm 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư (NĐT), 2 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tổ chức lựa chọn NĐT theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ); có 20 DAĐT được chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án và gia hạn hợp đồng; 40 DAĐT ngoài khu, cụm công nghiệp bị chấm dứt hoạt động và 2 DAĐT tạm ngừng hoạt động. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng DAĐT được cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đều giảm.


Trên địa bàn tỉnh hiện có 624 DAĐT còn hiệu lực hoạt động; trong đó có 40 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 593,806 triệu USD và 584 DAĐT trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 105.894 tỷ đồng. Có 345 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoạt động SX-KD (bao gồm 22 dự án đang tạm ngừng hoạt động), chiếm 52,24% tổng số DAĐT; còn 279 dự án chưa hoàn thành, hiện đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng và các thủ tục pháp lý khác, trong đó có 81 dự án đang bị chậm tiến độ triển khai thực hiện. Phân chia theo địa bàn hoạt động, TP Hòa Bình có 203 dự án, các huyện: Lương Sơn 195 dự án, Lạc Thủy 61 dự án, Tân Lạc, Kim Bôi cùng có 28 dự án, Mai Châu 25 dự án, Lạc Sơn 24 dự án, Cao Phong 22 dự án, Đà Bắc 21 dự án, Yên Thủy 17 dự án.


Để thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND, ngày 7/4/2021 kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo triển khai các DAĐT vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trong đó ban hành danh sách 33 DAĐT trọng điểm để đôn đốc triển khai thực hiện. Sau khi rà soát, Tổ công tác đã bổ sung danh sách gồm: 15 DAĐT đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phần lớn các dự án này đều đang trong thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng và 20 đề xuất nghiên cứu, lập thủ tục đầu tư dự án. Từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn sát sao chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DAĐT; thường xuyên nắm bắt tình hình, nhất là những trở ngại, vướng mắc và tổ chức các cuộc họp chuyên đề bàn về vấn đề này. Tuy vậy, theo đánh giá chung, công tác THĐT trên địa bàn khá ì ạch, còn nhiều điểm nghẽn.


Huyện Lạc Thủy hiện có 61 dự án, trong đó 3 dự án nằm trong danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh, gồm: Dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa; DAĐT xây dựng tổ hợp thể thao - văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản Đồng Tâm, xã Đồng Tâm; dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình tại xã Yên Bồng. Theo thông tin của UBND huyện Lạc Thủy, các dự án này đều đang vướng mắc, chậm được triển khai, một trong những nguyên nhân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đơn cử như dự án tại xã Đồng Tâm có diện tích 120 ha, trong đó 50 ha Nhà nước thu hồi đất; gần 67 ha do doanh nghiệp (DN) thỏa thuận, đã thỏa thuận được gần 49 ha, diện tích còn lại liên quan đến nhà ở, đất trồng lúa, đất trồng rừng. Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức đối thoại với 40 hộ trong diện tích này, cơ bản các hộ ủng hộ dự án và bắt đầu cho NĐT xác định giá trị cũng như tài sản trên đất để căn cứ thỏa thuận. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là giá thỏa thuận đất ở giữa DN và người dân. DN muốn theo giá của tỉnh, trong khi đối với dự án thỏa thuận thì không có đất tái định cư. Với người dân, sau khi nhượng lại toàn bộ tài sản phải tìm nơi ở mới nên muốn giá đền bù cao hơn, dẫn đến chưa thống nhất được.


Mới đây, trao đổi tại hội nghị giao ban chuyên đề của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình thu NSNN từ nguồn thu SDĐ gắn với THĐT, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: So với năm 2020 trở về trước, công tác THĐT năm 2021 trên địa bàn tỉnh có một số điểm khác. Đó là Luật Đầu tư và nghị định của Chính phủ có quy định đối với các dự án đấu giá quyền SDĐ, trước đây thực hiện đấu giá, còn bây giờ phải thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư, sau đó mới GPMB, đấu giá dự án, đây cũng là điểm mắc trong 7 tháng qua. Hiện trên địa bàn tỉnh có 99 dự án, trong đó 33 dự án nhà ở đã được duyệt và tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, lựa chọn NĐT nhưng lại chưa thực hiện được công tác GPMB, nên chưa thu được tiền SDĐ của các dự án. Vướng mắc nhất hiện nay là GPMB, nếu chúng ta đẩy nhanh được công tác này sẽ tháo gỡ việc thu nộp ngân sách và triển khai dự án.


Người đứng đầu Sở KH&ĐT cũng cho biết, tỉnh hiện có 32 dự án đang cho các NĐT nghiên cứu để lựa chọn NĐT, song liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch còn vướng mắc, mà mắc nhất là quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021 - 2030. Nếu chúng ta tháo gỡ được quy hoạch này sẽ thúc đẩy được các DAĐT. Vì hiện trong 99 dự án có 67 dự án đang nghiên cứu, chấp thuận chủ trương đầu tư và đấu giá. Đối với các dự án nhà ở chủ yếu liên quan đến quy hoạch, kế hoạch SDĐ và liên quan đến chương trình phát triển nhà ở đã tập trung triển khai. Như vậy, nếu có quyết định phê duyệt quy hoạch SDĐ của các huyện chúng ta sẽ tháo gỡ được trên 30 dự án.


Trao đổi về vấn đề THĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh trăn trở: Các DAĐT là nguồn thu ngân sách tiềm năng của tỉnh, không có dự án thì không có nguồn thu trong tương lai. Muốn vậy phải làm tốt công tác quy hoạch chung, quy hoạch SDĐ... Thực tế còn có tình trạng cán bộ gây cản trở các dự án, nhất là ở khu vực hồ Hòa Bình. Lực cản còn nhiều, nếu chúng ta không quyết tâm, không lao tâm khổ tứ thì rất khó có DAĐT thành công. Khi có những cán bộ bị lợi ích cá nhân chi phối sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh.

 

(Còn nữa)


H.N

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục