(HBĐT) - Ngày 28/10, UBND tỉnh phối hợp với Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Nghiên cứu phát triển các dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tiềm năng tại tỉnh Hòa Bình". Chủ trì hội thảo có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam.
Hòa Bình là một trong những tỉnh bắt đầu triển khai chính sách chi trả DVMTR từ năm 2011. Sau 10 năm thực hiện, chính sách này đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo nguồn tài chính bền vững, hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ vệ rừng. Tổng số tiền DVMTR đã thu được trên 154 tỷ đồng từ các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất và cung ứng nước sạch. Đã có trên 24 nghìn hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, UBND cấp xã được hưởng lợi từ chính sách này. Diện tích chi trả hằng năm khoảng trên 127 nghìn ha, chiếm 53,98% diện tích rừng toàn tỉnh. Qua đó góp phần cải thiện sinh kế hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia làm nghề rừng, nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng nông thôn miền núi.
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, có 5 loại hình DVMTR. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh mới thực hiện 2/5 loại hình dịch vụ theo quy định, đó là: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội. Đối với thực hiện thu tiền của đối tượng phải trả tiền DVMTR theo quy định tại Điều 63, Luật Lâm nghiệp, tỉnh mới triển khai thu của 2/6 đối tượng là: Cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện chính sách chi trả DVMTR; các DVMTR và đối tượng phải chi trả tiền DVMTR bổ sung có tính khả thi giai đoạn 2021 - 2025 và sau năm 2025; những công việc cần tiến hành để đưa các nguồn thu này vào nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng sau năm 2021; phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo hướng cho thuê môi trường rừng... Từ đó để đánh giá, xác định được tiềm năng các loại DVMTR, đối tượng phải thực hiện trong thời gian tới và đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện.
Kết luận hội thảo, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, cập nhật các cơ sở sử dụng DVMTR mới đi vào hoạt động, phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng hàng năm tổng hợp danh sách các cơ sở sử dụng DVMTR phải nộp tiền dịch vụ, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc chi trả tiền DVMTR; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để sử dụng tiền DVMTR hiệu quả…
H.N