(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 11 nghìn ha cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó có 7,4 nghìn ha đang trong thời kỳ thu hoạch, sản lượng đạt khoảng trên 24 vạn tấn/năm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản nói chung, cũng như sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh thời điểm chính vụ nói riêng. Do đó, các ngành, đơn vị, địa phương, HTX… đã chủ động vào cuộc để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực tới hoạt động tiêu thụ sản phẩm CAQCM do ảnh hưởng của đại dịch.
Chủ động các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời điểm chính vụ
Thời gian qua, mặc dù gặp khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài nhưng tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản (TTNS) trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Sở NN&PTNT đã phối hợp các sở, ngành cung cấp danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng cung cấp sản phẩm nhằm quảng bá, hỗ trợ TTNS; các đơn vị đã hỗ trợ, hướng dẫn và đăng ký luồng xanh quốc gia cho xe vận chuyển nông sản của doanh nghiệp/HTX trên địa bàn tỉnh thông qua trang http:// luongxanh.drvn.gov.vn; triển khai bán hàng qua hệ thống sàn thương mại điện tử (TMĐT) đối với các sản phẩm như: Nhãn Sơn Thuỷ, na Đồng Bong, thanh long ruột đỏ (Lạc Thuỷ), bưởi da xanh (Tân Lạc); trứng gà (Lạc Thuỷ, Lạc Sơn). Phát huy những kết quả đó, để đảm bảo ổn định sản xuất trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm CAQCM trên địa bàn tỉnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; nhiều đơn vị chủ động, linh hoạt kết nối, hỗ trợ nhằm đảm bảo lưu thông sản phẩm, tránh ùn ứ và đảm bảo về giá cả cho nông dân.
Ngày 13/9/2021, Sở NN&PTNT ban hành Văn bản số 2287/SNN-TTBVTV gửi UBND các huyện, thành phố về chỉ đạo thu hoạch vụ mùa, hè thu và thúc đẩy sản xuất vụ đông trong điều kiện dịch Covid-19. Trong đó, ngành NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại, TTNS cho nông sản, đặc biệt là những sản phẩm chủ lực như CAQCM. Ngoài công tác chỉ đạo sản xuất, UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo công tác TTNS; thống kê danh sách lái xe vận chuyển hàng nông sản và đầu mối tiêu thụ; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này tiếp cận vùng nguyên liệu, thu mua, vận chuyển nông sản... Tổ chức tốt hoạt động mua bán, đảm bảo phòng dịch hiệu quả; chủ động phối hợp với các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh để đưa nhanh, đưa mạnh sản phẩm nông nghiệp lên các sàn TMĐT… Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương tăng cường nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình TTNS trên địa bàn để chủ động đăng ký sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, ký kết với các doanh nghiệp, đơn vị để đưa CAQCM lên sàn TMĐT, đảm bảo tiêu thụ kịp thời, ổn định giá thành.
Hợp tác xã Mường Động, xã Tú Sơn (Kim Bôi) kiểm tra chất lượng cam trước khi bước vào vụ thu hoạch.
Tại địa bàn huyện Cao Phong - thủ phủ của cây cam, dự kiến sản lượng trong niên vụ này khoảng 22.000 tấn, thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 10/2021 - 5/2022. Lường trước được sự ảnh hưởng của dịch bệnh, một số HTX sản xuất nông nghiệp đã hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động do lượng tiêu thụ sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao. UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy TTNS, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Để có phương án tiêu thụ sản phẩm CAQCM phù hợp, huyện đã xây dựng 3 kịch bản tình hình Covid-19 từ thấp đến cao, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa. Bên cạnh đó, huyện phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức hội thảo tiêu thụ cam Cao Phong. Tại hội thảo, Bưu điện tỉnh đã ký cam kết cung ứng và tiêu thụ 2.000 tấn cam, quýt Cao Phong lên sàn TMĐT Postmart.vn cho Công ty TNHH MTV Cao Phong; cam kết vận chuyển cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện nếu có nhu cầu. Ngoài ra, huyện phân công lãnh đạo, cán bộ trực tiếp phụ trách từng xã trong việc chỉ đạo, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm CAQCM… Nhờ đó, thời điểm đầu vụ, các loại quả chín sớm như cam CT36, cam Marrs, cam Caracara, quýt Ôn Châu… được tiêu thụ hết với tổng sản lượng trên 530 tấn.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và huyện Cao Phong khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi của hợp tác xã Hà Phong.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự bất ổn của thị trường nông sản. Để giúp nông dân vượt qua khó khăn trong việc giải quyết đầu ra cho nông sản, một số ngành, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, tập trung ký kết thỏa thuận hợp tác để đưa nông sản, bao gồm cả CAQCM lên các sàn TMĐT, tiêu thụ qua các kênh bán lẻ. Từ đầu năm đến nay, qua các hoạt động kết nối của ngành NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh… đã có 31 doanh nghiệp/HTX, hộ sản xuất tham gia sàn TMĐT Postmart.vn; 53 doanh nghiệp/ HTX, hộ sản xuất tham gia sàn TMĐT voso.vn để TTNS.
Cần quy hoạch vùng trồng để phát triển bền vững
Với sự vào cuộc kịp thời, tích cực của hệ thống chính trị, sản phẩm CAQCM chín sớm đều đã tiêu thụ hết, giá giảm một chút so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đã bước vào thời điểm thu hoạch CAQCM chính vụ, tình hình tiêu thụ vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, từ thực trạng này có thể thấy nhiều hạn chế như: Việc ồ ạt phát triển diện tích CAQCM không nằm trong quy hoạch của nhiều nông dân khiến giá bán giảm, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là quả ăn tươi; nhiều cơ sở sản xuất chưa đáp ứng đủ số lượng theo đơn đặt hàng trên sàn TMĐT do quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng ít... Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm CAQCM trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững vùng sản xuất CAQCM trên địa bàn tỉnh, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN trong sản xuất; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm CAQCM; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh chuyển đổi số… Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu chung là phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất CAQCM tập trung, đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm CAQCM, các địa phương cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm giữ vững vùng xanh an toàn; dựa trên điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để có kịch bản tiêu thụ sản phẩm CAQCM phù hợp với nhiều tình huống; tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn TMĐT hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả TTNS. Các nhà vườn phải bám sát thông tin thị trường; chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chủ động tiếp cận tiến bộ KHCN, ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp... Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát vùng sản xuất CAQCM theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh, tăng cường quản lý tốt quy hoạch bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Phải xử lý ngay những trường hợp phá rừng, chuyển đổi đất rừng để trồng CAQCM ở những nơi không có trong quy hoạch, tuyệt đối không được phá vỡ quy hoạch làm ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển bền vững của vùng CAQCM.
Tiêu thụ của ngày mai phải tính từ hôm nay
Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa. Giúp nâng cao giá trị và tránh tình trạng được mùa, mất giá, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững đã giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ nông sản với giá ổn định. "Tiêu thụ của ngày mai phải tính từ hôm nay", chính vì thế, giải pháp lâu dài các địa phương cần thực hiện để có thể phát triển nông nghiệp bền vững là phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bền vững và tăng các diện tích trồng trọt được chứng nhận đủ điều kiện ATTP để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đối với các cấp, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hơn nữa hoạt động kết nối, tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các doanh nghiệp cung ứng, chế biến và các nhà sản xuất gặp nhau, cùng trao đổi, thoả thuận để ký kết được các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, khi đã đưa được sản phẩm lên sàn TMĐT, các chủ thể sản xuất phải cam kết đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đặc biêt là đáp ứng đủ số lượng đơn hàng để tránh "vỡ trận”. Giá bán cũng phải cạnh tranh, sản phẩm phải tạo ra sự khác biệt mới có thể tồn tại lâu dài.
Trần An Định
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả có múi
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang kết nối và hoạt động rất tốt trong việc tiêu thụ các nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ ở chính những người tham gia đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Do đó, để các sản phẩm cây ăn quả có múi tiêu thụ thuận lợi, các đơn vị, ngành, đoàn thể trong quá trình hỗ trợ các HTX, nhóm, hộ sản xuất cần tập trung nâng cao kỹ năng bán hàng cho các chủ thể, giới thiệu sản phẩm của mình để thuyết phục khách hàng mua hàng qua sàn TMĐT. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả có múi, cũng như nâng cấp hình thức bao bì của sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng mua về để ăn, làm quà tặng…
Nguyễn Hồng Yến
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật
Mong muốn tỉnh và các ngành, đơn vị luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nhà sản xuất
Hiện tại, 3T Farm đang phục vụ hàng cam quà tặng là chủ yếu. Sản phẩm này đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Đây là một lợi thế và sự tạo điều kiện lớn của các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến huyện. 3T Farm mong rằng, ngoài việc tự nỗ lực tìm kiếm thị trường thì các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh tạo điều kiện để sản phẩm cam quà tặng được phục vụ trong các chương trình, cuộc họp hoặc các vấn đề liên quan nếu huyện và tỉnh sử dụng sản phẩm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến chi phí vận chuyển hàng hoá khá cao, nên dù giá sản phẩm cây ăn quả có múi bán tại địa phương không cao nhưng giá khi đến tay người tiêu dùng ở các địa phương khác lại cao. Đây là một khó khăn không chỉ với riêng HTX 3T Farm mà với tất cả các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Do vậy, HTX mong muốn tỉnh và ngành NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn sẽ có cơ chế hỗ trợ về chi phí vận chuyển để sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất có được giá thành cạnh tranh khi đưa sản phẩm ra thị trường.