Tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh:Cầu Hòa Bình 3 đưa vào khai thác thúc đẩy giao thương, phát triển đô thị, thương mại TP Hòa Bình.
Thực hiện các nghị quyết của T.Ư, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 30/5/2017 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đưa kinh tế tỉnh sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020. Từ đó chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng, triển khai các nghị quyết, đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành, lĩnh vực như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu… để tổ chức thực hiện, đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 6,31%/năm; quy mô kinh tế được mở rộng, từ 36.852 tỷ đồng năm 2016 lên 51.962 tỷ đồng năm 2020; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 60,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ, mô hình tăng trưởng giảm dần phụ thuộc vào tài nguyên. Nội bộ từng ngành có sản phẩm giá trị gia tăng cao ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 3,98%, gần gấp 2 lần trung bình toàn quốc và luôn đứng ở tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc, bước đầu hình hành vùng sản xuất hàng hóa gắn kết với thị trường; xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả nổi bật, có 55/129 xã NTM, 3/10 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM, 12 xã NTM nâng cao. Các ngành dịch vụ, mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng khá cao. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, đóng góp của khoa học, công nghệ tăng; năng suất lao động tăng bình quân 10,38%/năm; vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng bình quân đạt khoảng 27,02%. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh góp phần đẩy mạnh xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nhiều sản phẩm về nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thương mại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Tỉnh quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT-XH. Nhiều dự án, công trình đã đưa vào khai thác góp phần tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, đô thị, công nghiệp, thương mại trên địa bàn, nhiều công trình, dự án tạo hiệu quả phát triển sản xuất, cải thiện dân sinh.
BTV Tỉnh ủy đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn một số hạn chế, yếu kém như: Mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu theo chiều rộng; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; đóng góp TFP còn thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; nguồn thu ngân sách Nhà nước thiếu bền vững; môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp; hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ…
Theo đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, thực tế quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải quản lý thật tốt quy hoạch ngành, lĩnh vực, chú trọng đầu tư, liên kết hợp tác xây dựng các sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như hồ Hòa Bình, khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, lợi thế vùng, tỉnh tiếp giáp với Thủ đô.
Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Bí thư Thành ủy Hòa Bình cho rằng, để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cần quản lý thật tốt nguồn lực đất đai, quy hoạch, quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên, nguồn thu ngân sách, bên cạnh đó có giải pháp cụ thể về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm, năng lực trong lĩnh vực thu hút đầu tư, quản lý đất đai, môi trường…
Từ kết quả đạt được và những khó khăn, yếu kém đặt ra, nhằm cụ thể hóa nghị quyết của T.Ư, Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc ban hành nghị quyết của BTV Tỉnh ủy phải hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, xác định rõ nguồn lực, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện, tập trung hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 là "phát triển nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp là đột phá, du lịch là mũi nhọn”. BTV Tỉnh ủy đã ban hành và đang cho ý kiến vào một số nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế như: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển dịch vụ, trọng tâm là du lịch; phát triển sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp; phát triển khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra về đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải phù hợp với những mục tiêu, giải pháp, nguồn lực của các nghị quyết, đề án đã ban hành để thống nhất thực hiện. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần tập trung vào những ngành có lợi thế, tạo ra giá trị kinh tế nhanh, bền vững, có tác động lan tỏa như: Đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng; công nghiệp phụ trợ có hàm lượng kinh tế cao; các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.