(HBĐT) - Tiếp nối những chuyến mía đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản trong năm 2019. Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đầu tháng 11 vừa qua, chuyến mía ăn tươi từ Hoà Bình được xuất sang thị trường Đức với tổng khối lượng 10 tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ hội mở ra hướng phát triển mới cho cây mía Hòa Bình trong thời gian tới.
Lô sản phẩm do HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) cung cấp đã vượt qua yêu cầu kiểm dịch thực vật hết sức khắc khe. Mía được sơ chế theo 2 công đoạn, loại bỏ hết mấu, mắt; đảm bảo điều kiện bao gói hút chân không chặt, bảo quản ở nhiệt độ lạnh sau sơ chế, hình thức, quy cách bao bì đúng như đối tác yêu cầu. Thành công của chuyến mía ăn tươi xuất khẩu này là động lực vô cùng lớn đối với HTX nói riêng, cũng như nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn xã Mỹ Hòa, bởi sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe cho việc xuất khẩu. Cũng vì thế, giờ đây, tại xã Mỹ Hòa, cây mía tiếp tục được người dân gắn bó, xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Ông Đinh Long Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tùng Dương cho biết: Toàn xã có khoảng 300 ha trồng mía. Việc đưa sản phẩm mía ăn tươi tiếp cận các thị trường nước ngoài là hy vọng lớn đối với HTX và nông dân trồng mía. Từ đó sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động xây dựng thương hiệu, từng bước xây dựng quy chế liên kết với các doanh nghiệp để cây trồng truyền thống của HTX và của nông dân địa phương đạt được những mục tiêu trong quá trình phát triển.
Sau thành công của chuyến mía tím xuất sang thị trường Nhật Bản, sản phẩm mía ăn tươi của Hòa Bình tiếp tục có mặt tại thị trường Mỹ và Đức. Điều này cho thấy quy trình kỹ thuật sản xuất cây mía tại tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài. Để duy trì, nâng cao chất lượng mía ăn tươi, đồng thời hướng đến thị trường xuất khẩu, tỉnh đã nghiên cứu, nhân rộng thành công nhiều diện tích mía được trồng theo phương pháp nuôi cấy mô, cho năng suất, chất lượng cao. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, diện tích mía toàn tỉnh khoảng 6.800 ha, tập trung tại các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Đà Bắc... Trong đó, diện tích mía đường khoảng 800 ha, còn lại là mía ăn tươi. Thu nhập bình quân đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận thu được từ 100 - 140 triệu đồng/ha.
Cây mía Hòa Bình đã có mặt tại nhiều thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, tỉnh liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng từ phía đối tác với số lượng tăng dần. Dự kiến thời gian tới, tỉnh sẽ xuất khẩu thêm các đơn hàng với tổng khối lượng 44 tấn mía sang thị trường Anh, Đức. Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết: Sản phẩm mía ăn tươi được xuất khẩu sang một số thị trường lớn sẽ tạo cú huých để các nông sản tiềm năng khác của tỉnh hướng tới mở rộng xuất khẩu. Thông qua đó cũng tạo sức hút, hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến cây mía và các sản phẩm thế mạnh. Nhờ vậy, độ tin cậy của doanh nghiệp đầu tư, người tiêu dùng đối với cây mía Hòa Bình sẽ ngày càng nhân lên.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu, đảm bảo cung cấp đủ số lượng theo đơn đặt hàng của đối tác, Sở KH&CN đẩy nhanh tiến độ đưa công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống cây mía, nhằm đẩy nhanh việc mở rộng vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, tỉnh đã có chủ trương phát triển nâng cao chất lượng cây mía ăn tươi, phấn đấu đến năm 2030 diện tích mía toàn tỉnh là 10.000 ha, sản lượng mía khoảng 225.000 tấn. Đến năm 2025, 100% giống sử dụng được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Thu Hằng