Thị trường chứng khoán vốn là một trong những "hàn thử biểu”, một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, gần đây thị trường này đang có một số dấu hiệu bất ổn, cần có những giải pháp quyết liệt để ổn định và phát triển bền vững.
Nhà đầu tư giao dịch tại sàn giao dịch Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt. (Ảnh THANH LÂM)
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), liên tiếp các phiên giảm điểm mạnh vừa qua dẫn tới hiện tượng call margin (lệnh dừng ký quỹ), tạo thêm áp lực bán lên thị trường, khiến thị trường bị bán mạnh, đặc biệt về cuối các phiên giao dịch gần đây. Diễn biến thị trường đang khiến tâm lý nhà đầu tư xuống thấp.
Thị trường vẫn bao trùm sắc đỏ
VN-Index tiếp tục bị bao trùm bởi sắc đỏ với phiên giảm sâu thứ 5 liên tiếp, bất chấp những nỗ lực hồi phục trong phiên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4, VN-Index giảm 21,73 điểm (-1,55%) xuống 1.384,7 điểm. Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 21/4, VN-Index giảm 1,05% xuống còn 1.370,21 điểm. Theo các chuyên gia, thị trường có thể sẽ có phiên phục hồi kỹ thuật và hình thành vùng tích lũy mới sau khi thất bại ở vùng tích lũy 1.430-1.530 điểm, ngưỡng 1.430 sẽ trở thành ngưỡng kháng cự của VN-Index trong thời gian tới.
Lý giải điều này, theo các chuyên gia chứng khoán, tình trạng này có nguyên nhân dài hạn và định kỳ từ trong nước và quốc tế, thị trường lao dốc mạnh là do nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để cắt lỗ, đồng thời bị sức ép giải chấp cổ phiếu đến từ các công ty chứng khoán. Mặt khác, hiệu ứng từ việc bắt tạm giam, khởi tố một số đối tượng liên quan tội thao túng thị trường chứng khoán cũng như các tin đồn thất thiệt cũng khiến thị trường chao đảo.
Trên thế giới, hầu hết chính phủ các nước tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa có dấu hiệu tăng trưởng nóng như các nền kinh tế lớn khác, do vậy, chương trình mua sắm tài sản với quy mô giảm dần vẫn được duy trì và giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại. Chính phủ Nhật Bản cũng duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục và tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các đợt mua trái phiếu chính phủ, trong khi Ngân hàng Trung ương đã thắt chặt dần chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát gia tăng.
Tại Mỹ, Cục Dữ trự liên bang Mỹ (FED) cũng đứng trước sức ép điều chỉnh chính sách tiền tệ khi lạm phát của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Ngày 16/3/2022, FED đã thông qua việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng hơn ba năm qua, đồng thời phát đi tín hiệu về khả năng tiếp tục tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2022. Đáng lưu ý, cuộc xung đột tại Ukraine đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Theo đó, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua những nhịp điều chỉnh giảm trong quý I/2022: Mỹ giảm 4,95%, Đức giảm 9,25%, Hàn Quốc giảm 7,39%, Pháp giảm 6,89%, Nhật Bản giảm 3,37% so cuối năm 2021.
Riêng đối với loại hình trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định: Đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Chính vì thế, việc xử lý một số vụ việc vi phạm gần đây trên thị trường chứng khoán không đại diện cho toàn bộ thị trường; không làm thu hẹp thị trường và mục tiêu phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán của Đảng và Nhà nước; không ngăn cản hoặc tạo thêm rào cản trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường. Việc xử lý các vi phạm là để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững và hiệu quả, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Quyết tâm làm lành mạnh hóa thị trường
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ. Theo đó, yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định. Thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế-xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ động nắm tình hình để thực hiện các biện pháp phù hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin trung thực, chính xác, rõ ràng về vụ việc để ổn định tâm lý nhà đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các thông tin không chính thống trên các mạng xã hội.
Nhà đầu tư giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. (Ảnh ĐẶNG MINH)
Quyết tâm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán rất quan trọng, thể hiện thái độ cương quyết, xử lý mạnh tay đối với những hành vi vi phạm các quy định liên quan chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cũng cần trang bị kiến thức cần thiết, có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.
Việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo đảm an toàn cho việc mua trái phiếu. Mọi hành vi "lách” các quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Triển khai những giải pháp đồng bộ
Bên cạnh các giải pháp nghiệp vụ chuyên biệt của ngành chứng khoán việc cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững rất cần thiết. Thực tế thị trường nhiều năm qua cho thấy, việc tăng trưởng nóng của tài khoản nhà đầu tư cũng là một dấu hiệu bất ổn cho thị trường, khi nhiều nhà đầu tư "tay mơ” cũng tham gia thị trường huy động vốn. Để tham gia thị trường này, cần đội ngũ các nhà đầu tư có kiến thức tài chính vững vàng, có nguồn vốn ổn định và thực chất. Những năm qua, dù ngành chứng khoán đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả... nhưng rõ ràng, việc đào tạo, sàng lọc nhà đầu tư cũng chính là một điểm rất cần có giải pháp tốt, hiệu quả hơn.
Để góp phần giúp sàng lọc nhà đầu tư, vai trò của các cơ quan truyền thông rất quan trọng nhằm triệt tiêu tình trạng chạy theo tin giật gân, thiếu kiểm chứng, tung nhiều luồng thông tin tiêu cực, tin giả, thiếu khách quan, một chiều, tạo hiệu ứng không tích cực, gây tâm lý hoang mang trên thị trường. Đồng thời, thường xuyên, liên tục phát đi các thông điệp cảnh báo rủi ro có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường chứng khoán nhằm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định của dòng vốn trên thị trường.
Bên cạnh đó, người dân cần hết sức cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký "Hợp đồng đầu tư trái phiếu” với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự, bởi hình thức này không được coi là chủ sở hữu trái phiếu. Tương tự là các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.
Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến cáo, tổ chức đại diện chủ sở hữu trái phiếu giám sát tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành thông qua công bố thông tin của doanh nghiệp và giám sát thực tế (nếu cần thiết). Trường hợp doanh nghiệp phát hành có dấu hiệu sử dụng vốn sai mục đích phải đề nghị doanh nghiệp phát hành có báo cáo, giải trình, biện pháp khắc phục; trường hợp có dấu hiệu gian lận, cần báo cho cơ quan chức năng.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Xác định công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe của nhân dân, thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh cùng các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh (SXKD) và NTD về vệ sinh ATTP.
Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn gia tăng từ đầu năm đến nay đẩy tiền lãi cho vay tại một số ngân hàng đi lên khiến doanh nghiệp lo lắng.
Các quỹ đầu tư nước ngoài đều đưa ra những dự báo lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 và sự tăng trưởng ổn định của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Chỉ số VN-Index đã mất tổng cộng hơn 92 điểm sau 5 phiên giảm liên tiếp. Ngày 20/4 trở thành phiên thứ 5 liên tiếp chứng kiến thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc với sắc đỏ giảm điểm bủa vây khắp các sàn giao dịch chính.
(HBĐT) - Trước thực tế sản xuất nông sản, thực phẩm (NS, TP) còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nền nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2022 lựa chọn chủ đề "Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm NS, TP trong tình hình mới”.