Cần giải pháp mạnh cải thiện môi trường kinh doanh: Bài 1 - Chỉ số PCI tụt 18 bậc, phản ánh đúng thực chất môi trường kinh doanh
Thứ năm, 12/5/2022 | 8:03:06 Sáng
(HBĐT) - Năm 2021, Chỉ số PCI của tỉnh tụt 18 bậc, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ chỗ ở mức nhóm tỉnh trung bình, tỉnh Hòa Bình tụt xuống mức thấp, cùng hàng với duy nhất tỉnh Cao Bằng. Trong khi đó, tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu mỗi năm chỉ số này tăng tối thiểu 3 bậc. Nếu không có giải pháp quyết liệt, cụ thể, tỉnh sẽ bỏ qua các cơ hội phát triển trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Huyện Lạc Sơn tạo mặt bằng sạch hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án đóng góp vào phát triển KT-XH địa phương. Ảnh: Nhà máy may Hồ Gươm giải quyết việc làm cho 300 lao động, thu nhập từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
PCI là chỉ số cảm nhận của doanh nghiệp, nhà đầu tư về mức độ điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Chỉ số PCI của tỉnh liên tục ở mức thấp, tương đối thấp và năm 2021 đặc biệt thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã có sự đổi mới quyết liệt chỉ đạo các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, trong thăng hạng PCI, Hoà Bình tụt hạng là 2 tỉnh thấp nhất cả nước, điều này được phản ánh qua tổng thể và các chỉ số PCI thành phần. Nguyên nhân được đưa ra là: Người đứng đầu một số sở, ngành, các địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ về cải thiện chỉ số PCI; trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều vướng mắc. Một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp… Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: Hầu hết các địa phương có sự đổi mới, quyết liệt chỉ đạo điều hành hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhưng khâu yếu là từ chủ trương đến thực hiện là một khoảng cách rất dài. Chỉ khi nào rút ngắn được khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện, tức là các chủ trương, khát vọng đổi mới phải thấm vào từng cán bộ, công chức bằng việc làm cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thì mới tạo ra xung lực để phát triển, bứt phá.
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm nhận mà cả cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh phải thừa nhận: Môi trường kinh doanh của tỉnh chưa hấp dẫn, cải cách hành chính chậm chuyển biến, quá trình thực hiện các TTHC liên quan đến đất đai, môi trường, dự án đầu tư kéo dài. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt, lỏng lẻo, trách nhiệm chưa rõ ràng và không cao. Có tình trạng chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thiếu chủ động, sáng tạo, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm tại một số cơ quan quản lý Nhà nước. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đầu tư, kể cả trong ngân sách và ngoài ngân sách chậm tiến độ… Một số TTHC có liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai chưa xác định được thủ tục nào thực hiện trước, thủ tục nào thực hiện sau. Thủ tục liên quan đến xây dựng phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều dự án mất hàng năm mới có thể hoàn thiện TTHC, làm cho nhà đầu tư mất cơ hội đầu tư và dự án kém hiệu quả. Thực tế cơ chế xin ý kiến liên quan các thủ tục đầu tư, xây dựng và các thủ tục liên quan khác mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều khi cấp phó, hoặc chuyên viên đi thay để tiếp thu, sau đó về báo cáo thủ trưởng chờ ý kiến.
Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các TTHC, đầu tư, kinh doanh có tình trạng "ngâm hồ sơ” của doanh nghiệp gây ức chế, mất cơ hội cho các nhà đầu tư. Trong quá trình giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư thường để xảy ra hiện tượng trùng vào các dự án của các nhà đầu tư khác đã nghiên cứu, khảo sát, các thủ tục vòng vèo và tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, công nghiệp, chất lượng cấp điện, giá thuê đất chưa hấp dẫn gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của tỉnh.
Tại những cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ tháng 4, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Chỉ số PCI của tỉnh giảm thấp phản ánh đúng thực chất môi trường kinh doanh của tỉnh ở tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh”. Về triển khai các TTHC liên quan đến đầu tư, xây dựng, GPMB rất chậm so với các địa phương khác trong khu vực từ 1 - 1,5 năm. Tỉnh đang đứng trước cơ hội rất lớn để bứt phá, song việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá rất ì ạch. Hầu hết các dự án GPMB trong và ngoài ngân sách đều chậm tiến độ đề ra, có thể làm mất cơ hội phát triển. Nếu cả hệ thống không chuyển động, trách nhiệm người đứng đứng đầu, cán bộ, công chức không được phát huy vì cái chung, tỉnh sẽ bỏ qua cơ hội phát triển, lãng phí cơ hội là lãng phí lớn nhất. Hội nghị giao ban chuyên đề của tỉnh bàn giải pháp cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền một số huyện cũng không có mặt thì làm sao có thể lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Lưu ý thực tế, cải cách hành chính chậm chuyển biến, môi trường trường kinh doanh tụt hạng đứng cuối bảng trong cả nước, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu rà soát, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các khâu đột phá. Có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức nhũng nhiễu, kéo dài thời gian làm TTHC, xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Từng thủ trưởng, giám đốc các sở, ngành, địa phương đổi mới tư duy vì cái chung, khắc phục những yếu kém thì mới phát triển được. Đối với việc GPMB các dự án, công trình trọng điểm góp phần tạo sức lan toả, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu: Hệ thống chính trị, chính quyền vào cuộc, quản lý chặt chẽ đất đai, xây dựng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng nhằm trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất, giảm những phát sinh phức tạp sau này; đặc biệt quan tâm đến sinh kế của người dân bị ảnh hưởng thu hồi đất. Bên cạnh đó lấy sản phẩm cụ thể, kết quả giải ngân để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu, xử lý trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
(HBĐT) - Trong tháng 4 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 121,396 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 395,836 triệu USD, tăng 9,85% so với cùng kỳ, đạt 27,55% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Theo đó, dự kiến các khoản giảm thu trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo các chính sách so với dự toán giao ước khoảng 311 tỷ đồng.
Để đảm bảo hạ tầng viễn thông, công nghệ Thông tin (VT-CNTT) tốt nhất, nhất là công tác truyền thông cho SEA Games 31, VNPT đã hoàn tất hạ tầng VT-CNTT tại các địa điểm tổ chức SEA Game, đồng thời tăng cường phủ sóng VinaPhone 5G tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Sân vận động Mỹ Đình Hà Nội.
(HBĐT) - Đến ngày 24/4, huyện Lương Sơn đã có 155 tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, đạt tỷ lệ 24,4% .
(HBĐT) - Trong quý 1/2022, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh phối hợp với Hội Nông dân các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn và TP Hoà Bình tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp năm 2022.
(HBĐT) - Những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xã Mai Hịch (Mai Châu) tích cực lao động, sôi nổi, nhiệt tình trong các phong trào thi đua. Từ phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp" đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế.