(HBĐT) - Được khởi công từ đầu năm 2021, dự án Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (TĐHBMR) được kỳ vọng sớm hoà lưới điện quốc gia, đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH cho tỉnh và đất nước. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp thời tiết bất lợi gây sự cố cũng như giá cả vật liệu tăng chóng mặt đã, đang gây nhiều khó khăn cho liên danh các nhà thầu thi công.


Sau khắc phục sự cố sạt đất đá, dự án Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng đang chờ được triển khai trở lại.

Tập trung khắc phục sự cố

Theo báo cáo, từ ngày 17/10/2021, sau 2 đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão, khu vực mái dốc hố móng nhà máy TĐHBMR có hiện tượng sạt, đến ngày 6/11/2021, khối sạt này trượt xuống hố móng. Ngay sau đó, dự án được dừng triển khai để khắc phục sự cố.

Quá trình triển khai xử lý khối sạt trượt gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 xử lý cấp bách - đào giảm tải để giảm nguy cơ sạt kiểm soát, tăng ổn định mái hố móng nhà máy sau khi bị sạt trượt, hạn chế sạt trượt lan rộng thêm, gia cố mái đảm bảo an toàn khu vực mái hố móng trong mùa mưa bão năm 2022; giai đoạn 2 - xử lý tổng thể khối sạt, ổn định lâu dài khu vực bị sạt trượt. Đối với giai đoạn 3, xử lý kiến trúc cảnh quan khu vực phù hợp với nhà máy và công trình văn hóa đồi Ông Tượng. Giai đoạn này sẽ có thiết kế và trình duyệt riêng sau khi hồ sơ thiết kế xử lý giai đoạn 2 được thực hiện. Theo đánh giá, hiện trạng xử lý khối sạt như hiện nay đã được thử thách qua các đợt mưa lớn vừa qua cho thấy các giải pháp xử lý là hiệu quả và an toàn.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công xử lý đã thực hiện công tác quan trắc chuyển dịch công trình thông qua 10 mốc quan trắc, bao gồm khu vực sân quay đỗ xe chân Tượng đài Bác Hồ, khu vực sạt trượt mái dốc hố móng nhà máy, khu vực đường thi công, khu vực cửa nhận nước. Kết quả quan trắc cho thấy các hạng mục công trình vẫn đảm bảo an toàn và ổn định.

Thống kê từ liên danh các nhà thầu, việc xử lý khối sạt nhà máy giai đoạn 1 đợt 1 và đợt 2 đã hoàn thành công tác thi công dầm mái, neo cáp dự ứng lực và đào giảm tải khối sạt.

Đối với công tác xử lý khối sạt giai đoạn 1 đợt 3, đã hoàn thành công tác thi công di chuyển 1 cột điện 110 kV và đào vận chuyển đất khối sạt 210.000/ 210.000 m3. Các đơn vị cũng đã triển khai thi công hàng nghìn m3 tường chắn bê tông, phun vẩy gia cố, thi công rãnh dọc và bê tông mặt cơ các vị trí đã có mặt bằng thi công.

Hiện, liên danh nhà thầu đang thực hiện kế hoạch huy động thiết bị nhân lực thi công trở lại, trước mắt huy động cho công tác đào đất, đá, bao gồm các thiết bị nhằm thi công phần hở, phần ngầm và các công trình phụ trợ cùng trên dưới 300 nhân viên kỹ thuật, quản lý, thợ lái...

Những khó khăn, bất cập

Theo liên danh Trường Sơn - CCC47 - Lilama 10, nhà thầu đang triển khai gói 1 xây dựng TĐHBMR, trong thời gian qua giá các vật tư chủ yếu như thép, xi măng và nhiên liệu tăng cao, trong đó, từ quý IV/2020 - tháng 6/2022, giá dầu diesel tăng từ 12.600 đồng/lít lên 30.000 đồng/lít, tương đương 240%; giá thép tăng từ 12.430 đồng/kg lên 21.120 đồng/kg, tăng 70%; giá xi măng tăng từ 1.400 đồng/kg lên 1.980 đồng/kg, tăng 41%. Nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18 - 30%, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhà thầu.

Bên cạnh đó, công tác vận chuyển đất, đá trong TP Hoà Bình do tuyến từ công trường tới bãi thải dốc Cun là tuyến đường độc đạo, chạy hoàn toàn trong thành phố, mật độ dân cư đông, lưu lượng xe qua lại lớn. Chính vì vậy, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trong việc vận chuyển đất, đá đổ thải gặp rất nhiều khó khăn. Các phương tiện vận chuyển không cơi nới, chở dưới thành thùng vẫn vi phạm về tải trọng.

Đề xuất, kiến nghị

Tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn, tư vấn độc lập cùng cơ quan có liên quan, đại diện các đơn vị đều có đánh giá chung đối với những tính toán và kiểm tra lại các giải pháp công trình đã thiết kế đều cho kết quả đảm bảo an toàn cho công trình TĐHBMR cũng như các hạng mục công trình hiện hữu.

Chính vì vậy, theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện liên danh các nhà thầu đề nghị các bộ, ngành chức năng sớm có quyết định cho công trường thi công trở lại. Bên cạnh đó, do biến động rất lớn về giá vật tư, nhiên liệu thời gian vừa qua, đề nghị Bộ Công Thương xem xét chấp thuận điều chỉnh giá Hợp đồng số 65/2020/HĐ-AĐ1-Trường Sơn-CC47-Lilama 10, ngày 15/12/2020 giữa Ban Quản lý dự án Điện 1 và Liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP xây dựng 47 và Công ty CP Lilama 10.

Cùng với đó, hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu liên danh về giải quyết các thủ tục với địa phương trong công tác vận chuyển đất, đá trong thành phố, giấy phép nổ mìn khi thi công trở lại toàn bộ dự án.

Đối với UBND tỉnh Hòa Bình, liên doanh nhà thầu đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu liên danh Trường Sơn - CC 47 - Lilama 10 về công tác vận chuyển đất, đá từ công trường tới bãi thải dốc Cun và cấp giấy phép nổ mìn khi thi công trở lại.

Để tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho sản xuất, liên doanh nhà thầu cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban Quản lý dự án Điện 1 giảm tỷ lệ tạm giữ theo hợp đồng (hiện đang tạm giữ 15% giá trị mỗi đợt nghiệm thu), chỉ tạm giữ 5% giá trị mỗi đợt nghiệm thu để bảo hành và chờ quyết toán. Hỗ trợ nhà thầu liên danh chi phí chờ đợi trong thời gian tạm dừng thi công 13,436 tỷ đồng, bao gồm khu vực cửa nhận nước 4,55 tỷ đồng; khu vực nhà máy 3,93 tỷ đồng và khu vực hầm 5,051 tỷ đồng. Về phía Công ty Tư vấn thiết kế Điện 1 cử cán bộ thiết kế thường trực tại công trường để kịp thời có giải pháp tổ chức thi công phù hợp thực tế.


Hồng Trung

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục