(HBĐT) - Thời gian qua,  mặc dù số lượng tăng, song hoạt động của hợp tác xã (HTX) vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân do nhiều HTX quy mô thành viên và quy mô vốn siêu nhỏ. Điều này gây khó khăn trong việc phát triển theo chuỗi giá trị, nhất là ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, dẫn tới nhiều HTX phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.      


Hợp tác xã chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) huy động được nguồn vốn từ các thành viên để phát triển sản xuất, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong tháng 8/2022, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra, làm việc với 19 HTX và BCĐ phát triển KTTT 10/10 huyện, thành phố về tình hình hoạt động của các tổ chức KTTT. Tại các buổi làm việc, thành viên BCĐ phát triển KTTT các huyện, thành phố và đại diện HTX trăn trở: Một trong những khó khăn các HTX hiện nay phải đối diện là quy mô thành viên và quy mô vốn nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Theo thống kê của BCĐ phát triển KTTT tỉnh, đến ngày 31/8, toàn tỉnh có 373/481 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên, có tới 98,66% HTX có quy mô thành viên siêu nhỏ (từ 7 - 49 thành viên), 1,07% quy mô nhỏ (50 - 299 thành viên), 0,27% vừa (300 - 1.000 thành viên), 0% lớn. Phân loại HTX theo quy mô vốn có 52,01% siêu nhỏ (< 1 tỷ đồng), 35,39% nhỏ (<5 tỷ đồng), 12,60% vừa (<50 tỷ đồng), 0% lớn.

Đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh: Các HTX thành lập mới số lượng thành viên ít, dẫn tới vốn điều lệ các HTX chưa đến 1 tỷ đồng. Đất sản xuất hạn chế, nhiều HTX chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên là chủ yếu. Tỷ lệ HTX đảm bảo đầu ra cho thành viên rất ít, mới có 54 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, bao tiêu đầu ra cho thành viên. Sự gắn kết trong HTX còn lỏng lẻo, khó huy động vốn, hạn chế khả năng mở rộng quy mô và liên kết với doanh nghiệp.

Đa số HTX quy mô siêu nhỏ, cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực của đội ngũ cán bộ hạn chế. Một số nơi vẫn còn những HTX đã ngừng hoạt động, không tồn tại nhưng không giải thể được do vướng nợ thuế, nợ các tổ chức tín dụng, không tìm thấy người đại diện...; còn tồn tại HTX chưa tổ chức và hoạt động đúng theo Luật HTX, chưa đăng ký mã số thuế, không kê khai thuế, không chú trọng báo cáo hoạt động định kỳ với cơ quan quản lý. Từ đầu năm đến nay có 7 HTX giải thể.

Tháng 6/2021, HTX Nông nghiệp Đú Sáng (Kim Bôi) được thành lập với 9 thành viên. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động, đến tháng 6/2022, HTX phải giải thể. Anh Bùi Văn Niên, nguyên Giám đốc HTX Nông nghiệp Đú Sáng trăn trở: Với mong muốn tập trung phát triển trồng bầu, bí, rau xanh và chăn nuôi, tôi đã vận động được 9 thành viên cùng đóng góp vốn để thành lập HTX. Vốn điều lệ của HTX là 100 triệu đồng. Sau gần 1 năm hoạt động, các thành viên không huy động được thêm vốn, không hình thành được sự liên kết với các hộ dân để tìm kiếm dự án phát triển sản xuất, dẫn tới HTX ngừng hoạt động và giải thể.

Đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm: Trong thời đại toàn cầu hóa, các HTX cần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Đặc biệt, các HTX có thể cùng nhau liên kết thành các liên hiệp HTX, HTX quy mô cấp huyện, cấp tỉnh để thích ứng với yêu cầu của thị trường. BCĐ phát triển KTTT tỉnh đang tập trung củng cố, nâng cao quy mô thành viên, vốn của HTX. Ngày 14/12/2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về khuyến khích hộ cá thể tham gia HTX đến năm 2025. Nghị quyết nhằm khuyến khích, thu hút hộ cá thể, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 560 HTX, 270 tổ hợp tác, 5 liên hiệp HTX với 22,3 nghìn hộ thành viên, tương ứng 12,5% số hộ trên địa bàn tỉnh; 20% HTX có quy mô nhỏ, 2% HTX quy mô vừa và lớn; 50% HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.


Thu Thủy


Các tin khác


Cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho khách hàng

(HBĐT) - Để cung cấp điện với chất lượng tốt hơn, những năm qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, công ty nỗ lực giảm thời gian mất điện, cắt điện. Qua đó, cấp điện đảm bảo an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho khách hàng.

Mông Hóa đồng thuận xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

(HBĐT) - Xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) có 13 xóm, phố với hơn 1.800 hộ. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã luôn đồng thuận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đang huy động các nguồn lực xây dựng xã NTM nâng cao với phương châm "lấy sức dân để lo cuộc sống cho dân".

Huyện Yên Thủy: Tăng tốc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai trên địa bàn huyện Yên Thủy đã, đang làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn của các địa phương. Bộ mặt NTM ngày càng khang trang, khởi sắc hơn. Phát huy những kết quả đã đạt được, Yên Thủy đang nỗ lực phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn NTM vào cuối giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn tỉnh có 78/129 xã đạt tiêu chí về giao thông

(HBĐT) - Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã huy động nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án cứng hoá đường GTNT, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại một số địa phương

(HBĐT) - Ngày 27/9, Sở NN&PTNT phối hợp với Cục Thống kê tỉnh tổ chức kiểm tra thăm đồng, dạo sản một số sản phẩm chủ lực tại các huyện: Tân Lạc, Cao Phong và Đà Bắc.

Tín dụng ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Những năm qua, tín dụng ưu đãi đã giải quyết được bài toán thiếu vốn để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục