(HBĐT) - Tại vùng trồng mía của xã Mỹ Hòa (Tân Lạc), nhiều vườn mía đã được tư thương cọc tiền, đặt mua với giá 9 - 10 nghìn đồng/cây. Đây là mức cao so với giá bán mía trong những năm trở lại đây. Một tín hiệu đáng mừng cho người trồng mía trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, trồng mía tím là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế ở xã Mỹ Hòa với diện tích lên tới hàng trăm ha. Do đầu ra bấp bênh nên những năm gần đây, nhiều hộ dân bỏ mía chuyển đổi sang trồng cây khác. Gia đình ông Đinh Long Dương, xóm Chù Bụa là một trong những hộ trồng mía lâu năm, giờ vẫn đặt trọn niềm tin vào cây trồng này. Ông Dương là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tùng Dương. HTX được thành lập tháng 8/2019 với 17 thành viên cùng chung mục tiêu là duy trì, phát triển cây mía đem lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích mía của HTX có 21 ha. Theo ông Dương, HTX ra đời đã góp phần giúp các thành viên thay đổi cách trồng mía truyền thống. Đó là đưa giống mía mới (mía nuôi cấy mô) vào sản xuất, quy trình kỹ thuật ngày càng được chú trọng hơn. Sau 2 năm đầu thành lập, việc tiêu thụ mía gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Song vụ mía năm vừa rồi, đầu ra đã thuận lợi, giá bán bình quân 6 nghìn đồng/cây, người trồng mía đã có lãi. Như gia đình ông Dương, với diện tích mía 5.000 m2, vụ năm ngoái thu được trên 100 triệu đồng.
Với các thành viên HTX Nông nghiệp Tùng Dương, vụ mía này có nhiều tín hiệu khởi sắc. Cây mía tím phát triển tốt, hiện đã cao đủ kích thước để bán. Cây có mã đẹp, dóng dài, chất lượng được đánh giá cao hơn so với vụ trước. Đưa chúng tôi đi thăm mía của HTX, ông Dương phấn khởi cho biết: Năm nay, sản xuất của HTX có nhiều đổi mới nên chất lượng mía cao hơn. Chúng tôi chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, với việc đưa tỷ lệ phân chuồng vào bón cho mía cao hơn các loại phân khác. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng chu kỳ. Đến thời điểm này có thể nói, vụ mía đến sớm hơn mọi năm, đã có 10 ha được tư thương cọc tiền đặt mua. Một số hộ trồng mía đã bán, giá bán dao động từ 9 - 10 nghìn đồng/cây.
Anh Bùi Hoàng Long, xóm Đon là một trong những hộ đầu tiên của HTX bán mía ở thời điểm đầu vụ này. Diện tích hơn 1 ha, năm ngoái, anh Long thu được gần 200 triệu đồng. Còn đầu vụ này, anh mới bán một nửa diện tích đã thu về số tiền bằng cả vụ trước.
Trong HTX Nông nghiệp Tùng Dương, hộ ông Bùi Văn Nhất, xóm Đon có diện tích mía nhiều nhất với 1,8 ha. Hiện nay, vườn mía của gia đình ông Nhất cũng phát triển tốt, đẹp nhất, nhì HTX. Giá bán như hiện nay, gia đình ông Nhất có thể thu về từ 400 - 500 triệu đồng.
Với giá khá cao, người trồng mía ở xã Mỹ Hòa rất phấn khởi. Thế nhưng, họ còn nhiều nỗi trăn trở về hiệu quả kinh tế bền vững mà cây mía đem lại. Ông Đinh Long Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tùng Dương chia sẻ: "Mặc dù giá bán cao nhưng bà con vẫn chủ yếu bán cho các tư thương quen, họ đưa mía về các chợ quê tiêu thụ. Mục tiêu trước mắt mà HTX hướng tới là đưa cây mía vào được các siêu thị, xa hơn là hướng tới xuất khẩu". Tuy nhiên, ông Dương thừa nhận, với HTX có quy mô nhỏ nên quy trình để phát triển mía ăn tươi đạt chất lượng để xuất khẩu rất khó khăn. Do đó, bà con mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để duy trì nguồn giống, cũng như hỗ trợ các chính sách để chuyển hình thức canh tác như hiện nay sang trồng mía hữu cơ.
Theo Sở NN&PTNT, hiện, toàn tỉnh có 7.150 ha mía, chủ yếu là mía tím và mía ăn tươi. Đến nay, đã xuất khẩu 100 tấn mía sang thị trường châu Âu (EU), Hàn Quốc.