(HBĐT) - "Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9%, thu NSNN trên 6.400 tỷ đồng, tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 19.700 tỷ đồng... Tính đến 9 tháng, chỉ tiêu về tăng trưởng của tỉnh ước đạt 10,32%. Như vậy, kịch bản tăng trưởng đặt ra 9% của năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được". Đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT tại cuộc họp của UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 9 tháng, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.


Phục hồi sản xuất sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam - Hòa Bình (khu công nghiệp Lương Sơn) đã đóng góp nhiều vào giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Liên tiếp trong 2 năm (2020 - 2021), dịch Covid-19 và tình trạng khô hạn đầu nguồn sông Đà đã tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu đề ra; thậm chí 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh còn phải chịu mức tăng trưởng âm. Nhìn lại chặng đường vừa qua để thấy nhiệm vụ của năm 2022 là rất nặng nề, trong khi dịch bệnh còn diễn biến khó lường; các cuộc xung đột trên thế giới đã gây hệ lụy lớn đến nền kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam. 

Trước bối cảnh chung và với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bước vào năm 2022, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và các đột phá chiến lược; bám sát triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển KT-XH. UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực, đặc biệt là thực hiện "mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi, thúc đẩy SX-KD, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 18/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2022 với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và giao chi tiết cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, gồm: 19 chỉ tiêu KT-XH trọng tâm, chủ yếu của năm; 54 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; 153 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn; kế hoạch triển khai 6 dự án đầu tư công và 14 dự án đầu tư ngoài ngân sách trọng điểm khởi công trong năm 2022. 

Nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo, điều hành tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời ban hành các kế hoạch và phân bổ, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các đề án của BTV Tỉnh ủy về: Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển CN-TTCN; phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch... Bên cạnh đó, UBND tỉnh sát sao chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, nguồn vốn đầu tư, vấn đề giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai... giúp các doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất và tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh.

Với sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng bám việc, sát việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; có khi là nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm đối với những phần việc chưa tốt. Cùng với đó là sự đồng thuận của các cấp, ngành và sự năng động, tinh thần vượt khó của cộng đồng DN đã giúp bức tranh kinh tế năm 2022 khởi sắc. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 9 tháng ước tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,92%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,66% (công nghiệp tăng 18,1%); dịch vụ tăng 7,74%; thuế sản phẩm tăng 4,37%.

Phân tích về kết quả tăng trưởng trong 9 tháng, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Ngành dịch vụ có sự phục hồi tốt với mức tăng cao, trong đó chủ yếu là ngành du lịch phát triển mạnh. Khách đến tỉnh đạt 2,45 triệu lượt người, so với cùng kỳ năm trước tăng 104%; doanh thu 2.280 tỷ đồng. Bên cạnh đó là về công nghiệp với mức tăng 25,7% và vấn đề này phụ thuộc vào sản lượng của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Cụ thể, năm nay, kế hoạch Chính phủ giao cho tỉnh 8,5 tỷ kWh; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh 9,5 tỷ kWh; đến hết 9 tháng, theo tính toán, sản lượng đã đạt khoảng 8.163 triệu kWh. Giá trị sản xuất công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào giá trị sản xuất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Khi 2 lĩnh vực quan trọng là giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng mạnh đã kéo được tăng trưởng kinh tế của tỉnh lên và việc thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra là khả quan".

Cũng về kết quả tăng trưởng, trong 9 tháng, tỉnh đã có 380 DN đăng ký thành lập mới, với số vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong tỉnh thu hút được 45 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 31.480 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số dự án được cấp phép đầu tư tăng 30 dự án, vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 129,4%. "Kết quả thu hút đầu tư cho thấy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu 80.000 tỷ đồng, tính đến tháng 9/2022, tỉnh đã thu hút đầu tư được 61.000 tỷ đồng. Như vậy, đến giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội, chúng ta đã hoàn thành được 2/3 chỉ tiêu thu hút đầu tư đặt ra. Với kết quả trong 9 tháng tăng đều cả về giá trị sản xuất, giá trị dịch vụ và thu hút đầu tư tăng, nên đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh đảm bảo theo kịch bản xây dựng" - đồng chí Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin.

Tuy nhiên, một vấn đề liên quan đến tăng trưởng là giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù kết quả giải ngân của tỉnh ở mức cao hơn so với trung bình của cả nước, song còn rất thấp so với yêu cầu. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chỉ đạo: Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022, nhất là về tăng trưởng kinh tế nhất thiết phải thực hiện tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, các đơn vị, chủ đầu tư khắc phục ngay tình trạng chậm giải ngân, phải thực hiện nghiêm cam kết với UBND tỉnh. Nhiệm vụ phát triển KT-XH liên quan đến sở, ngành nào, liên quan đến từng đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách thì phải bám việc, sát việc, làm đúng theo quy định của pháp luật và phải có quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022.


Hoàng Nga

Các tin khác


Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục