(HBĐT) - Thời điểm này, người trồng bưởi tại khắp vùng Mường Bi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới. Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, chăm sóc đúng quy trình và thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng quả bưởi ngày càng nâng cao. Năm nay, các hộ trồng bưởi đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội và các phương thức bán hàng trực tuyến để chủ động tìm thị trường tiêu thụ, hy vọng một vụ bưởi được mùa, giá thành ổn định.
Tới vùng trồng bưởi xã Đông Lai (Tân Lạc), chúng tôi thăm vườn của gia đình ông Bùi Văn Tuần, xóm Bái Trang. Trong khu vườn rộng hơn 1,5 ha, những quả bưởi đỏ chín vàng óng. Có những cây lâu năm cành trĩu quả, xà xuống bờ tường bao như mời gọi người tới hái để thưởng thức những múi bưởi đỏ mọng, thơm ngọt, mát lành. Với kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm, ông Tuần cho biết: Để thu hoạch được sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi nhiều công đoạn. Người trồng phải chăm sóc từ khi đơm nụ, nở hoa, kết trái đến khi thu hoạch. Khâu bón phân cũng phải chú ý thời gian, nguyên liệu ủ. Năm nay, bưởi khá đều quả, mẫu mã đẹp, giá bán tại vườn dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/quả tùy loại. Bưởi đỏ cho thu hoạch rải rác từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 bắt đầu thu hoạch rộ. Từ một tháng trước, đã có người muốn đặt hàng theo trọng lượng quả hoặc mua nguyên cả cây, chờ đến lúc thu hoạch sẽ đến hái. Mong rằng, thời tiết từ nay đến giáp Tết Nguyên đán vẫn thuận lợi để quả bưởi giữ được chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Mùa thu hoạch bưởi đến cũng là lúc HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ Tân Đông phát huy vai trò trong kết nối, tìm kiếm thị trường, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho các thành viên. Ông Trần Hồng Năng, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi có dịch Covid-19, các thành viên HTX đã chủ động, nhạy bén hơn trong việc phối hợp, đoàn kết để cùng tìm kiếm thị trường và khai thác các kênh bán hàng trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng. Không chỉ liên kết bao tiêu sản phẩm, các thành viên tham gia vào HTX còn được trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình SX-KD và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn... Các sản phẩm bưởi của thành viên HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, đây còn là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, có tem truy xuất nguồn gốc và đựng trong hộp giấy in đầy đủ thông tin, địa chỉ nơi sản xuất nên luôn được khách hàng, tư thương và cả một số cửa hàng kinh doanh nông sản sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... tin tưởng lựa chọn mỗi khi đến vụ thu hoạch.
Huyện Tân Lạc hiện có trên 1.500 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó có khoảng trên 1.100 ha bưởi các loại, phân bố ở hầu hết ở các xã, thị trấn. Mỗi năm, bưởi đỏ là loại đầu tiên bước vào vụ thu hoạch, tiếp đến trong tháng 11 sẽ là bưởi Diễn và bưởi da xanh. Đồng chí Bùi Văn Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tùy theo kỹ thuật chăm sóc mà ở mỗi vườn trồng bưởi sẽ có năng suất, chất lượng tương xứng. Năm nay, cơ bản chất lượng và mẫu mã bưởi vẫn ổn định. Những năm qua, cây bưởi đã khẳng định được giá trị, góp phần phát triển KT-XH của huyện. Trong tổng diện tích bưởi hiện có, huyện đã có nhiều diện tích được cấp chứng nhận VietGAP. Để nâng cao giá trị và gìn giữ thương hiệu bưởi của địa phương, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thương hiệu; duy trì dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì cho các đơn vị, HTX đạt tiêu chuẩn, đưa quả bưởi xứng tầm sản phẩm đặc trưng được công nhận là sản phẩm OCOP.
Dọc các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn huyện Tân Lạc đã có những sạp hàng bày bán bưởi đỏ, không ít tư thương, khách quen sớm tìm đến hỏi mua. Chỉ ít ngày nữa, trên khắp các vườn bưởi sẽ rôm rả tiếng nói, cười của người mua, người bán, xe hàng các nơi lại nối đuôi nhau chở sản phẩm ngọt thơm, đỏ mọng của vùng Mường Bi phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Thu Hằng