(HBĐT) - Khắp những sườn đồi dọc các xóm Tớn, Bương, Rồ, Xôm… ở xã Vân Sơn (Tân Lạc), quýt cổ Nam Sơn sai trĩu cành, các nhà vườn phải sử dụng que chống để cây không bị gãy, đổ. Dọc theo tuyến đường liên xóm, xe tải nối đuôi nhau thu mua quýt tận vườn. Bà con phấn khởi bởi chưa năm nào giá quýt cổ Nam Sơn cán mốc 40.000 đồng/kg như hiện nay.


Hộ  dân xóm Xôm, xã Vân Sơn (Tân Lạc) tập trung thu hoạch quýt cổ, giá bán ổn định 40.000 đồng/kg.

Bên đường bê tông dẫn vào xóm Xôm là những đồi quả vàng óng có hương thơm đặc trưng. Đây là vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng để trồng quýt. Dừng chân tại nhà vườn của anh Bùi Văn Tùng, có trên 1 ha với 1.000 gốc quýt, trong đó 500 gốc đang trong thời kỳ kinh doanh. Từ trung tuần tháng 11, anh Tùng và gia đình đã tập trung thu hái để đảm bảo nguồn cung cho tư thương thu mua tại vườn. Bình quân mỗi ngày gia đình xuất ra thị trường 1 tấn quýt, giá bán ổn định 40.000 đồng/ kg, tư thương chủ yếu đến từ Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên. 

Anh Tùng phấn khởi cho biết: "Những năm trước, giá quýt cổ Nam Sơn chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Nhưng đầu mùa năm nay, hầu hết các nhà vườn đều bán với giá từ 30.000 -  40.000 đồng/kg, tùy mẫu mã sản phẩm. Quýt cổ hái đến đâu tư thương thu mua đến đấy, không phải mang ra chợ phiên để tiêu thụ hoặc bày bán dọc đường”. 

Anh Hà Công Hữu, hộ trồng quýt cổ tại xóm Bách chia sẻ: "Năm nay thời tiết thuận lợi, không xảy ra mưa axit nên việc chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật, không có sâu bệnh. Chất lượng quả cũng đẹp hơn, quýt có vị ngọt thanh, múi mọng nước. Dự kiến đến hết tháng 12 gia đình sẽ thu hoạch xong”. 

Theo chia sẻ của một số người dân, quýt cổ Nam Sơn được trồng từ trước những năm 50 của thế kỷ trước. Sau thời gian dài bị lãng quên, trong khoảng từ năm 2004 - 2008, nhiều nhà vườn trên địa bàn xã đã phục tráng giống quýt cổ, trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Quýt cổ Nam Sơn có 2 loại chính là quýt chua ngọt và quýt dẹt bánh xe, với đặc trưng quả tròn, vỏ mỏng, màu vàng óng, mọng nước. Đến nay, trên địa bàn xã đã nhân rộng diện tích trồng cây có múi đạt gần 250 ha. Trong đó chủ yếu là các giống quýt cổ, một số diện tích mới trồng cam Canh, cam lòng vàng cũng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Sản lượng trên 1 ha trong thời kỳ kinh doanh có thể thu về từ 3 - 4 tấn quả. 

Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại từ trồng quýt cổ, hiện cây trồng này được trồng phổ biến tại 17/17 xóm trên địa bàn xã. Một số hộ đã cải tạo, xóa bỏ diện tích vườn tạp để trồng quýt cổ và chủ động học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn tại địa bàn để áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc nhằm hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn tạo mối liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, đảm bảo giá thành ổn định, không bị tư thương ép giá. 

Đồng chí Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: Xác định quýt cổ Nam Sơn là một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân xóa đói - giảm nghèo, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp, nhân rộng diện tích. Mong muốn các sở, ban, ngành quan tâm, hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất để bảo tồn giống và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ với  giá thành ổn định. Qua đó hướng đến xây dựng quýt cổ Nam Sơn trở thành nông sản đặc trưng chất lượng cao, giúp các hộ nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. 

Đức Anh

Các tin khác


Cơ hội quảng bá cam Cao Phong và nông sản chủ lực của địa phương

(HBĐT) - Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2022 được tổ chức từ ngày 25/11 - 2/12/2022. Đây là dịp để quảng bá hình ảnh của huyện, trong đó nổi bật là sản phẩm cam Cao Phong đã nổi tiếng gần xa, cùng các nông sản chủ lực khác. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình phỏng vấn đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.

Nâng cao giá trị và phát triển bền vững vùng cam

(HBĐT) - Đến thăm vườn cam rộng 2 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Thái ở thị trấn Cao Phong, ấn tượng nhất là màu xanh mướt mắt, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Còn tại vườn nhà anh Đỗ Ngọc Hà ở xóm Lãi, xã Tây Phong, diện tích cam bị bệnh đã được xử lý kịp thời, đảm bảo phục hồi và phát triển tốt. Đây là 2 trong nhiều hộ gia đình ở huyện Cao Phong đang thực hiện tái canh cây cam theo hình thức phục hồi và cơ cấu lại sản xuất, hướng tới nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây cam - cây trồng chủ lực nhất của huyện Cao Phong.

Triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022- 2023

(HBĐT) - Ngày 23/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022- 2023. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Huyện Tân Lạc giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm vùng lõi hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Vùng hồ xã Suối Hoa (Tân Lạc) nằm trong quy hoạch vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, có nhiều dự án nghiên cứu, khảo sát và triển khai đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cấp uỷ, chính quyền huyện đang tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan, chỉ đạo hệ thống chính trị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ nhà đầu tư (NĐT) triển khai dự án đã cam kết đầu tư, góp phần khơi thông nguồn lực, tạo đà cho sự phát triển KT-XH.

Trên những miền quê tươi đẹp ở huyện Cao Phong

(HBĐT) - Thời điểm này, đến với huyện Cao Phong, hẳn ai cũng ấn tượng với sắc màu vàng ruộm hấp dẫn của những vườn cam Cao Phong mọng nước, ngọt lành. Cam đã vào chính vụ thu hoạch nên vùng đất tươi đẹp này càng có sức hút mạnh mẽ đối với khách thập phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục