(HBĐT) - Tại Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022), HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Báo Hòa Bình đăng toàn văn bài phát biểu.


Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo báo cáo tại kỳ họp


Kính thưa đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội,
 
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, các vị khách quý , cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh!
 

Theo chương trình Kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã gửi đến Hội đồng nhân dân tỉnh 33 Báo cáo và Tờ trình về các lĩnh vực, trong đó có các báo cáo đánh giá đầy đủ, toàn diện về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022, Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Được sự phân công của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin báo cáo tóm tắt với HĐND tỉnh, cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh những nội dung chủ yếu như sau:

Phần thứ  nhất
Tình hình thực hiện kế hoạch phát kinh tế - xã hội năm 2022; 
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023


A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NĂM 2022

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, nhất là cuộc xung đột tại Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia. Ở trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức là khá lớn. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao; thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp,... ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, còn 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (đó là: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 90% trong khi đó kế hoạch đề ra là 92%); Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022: ước đạt 9,03% (Theo số liệu thông báo của Tổng cục Thống kê tại Công văn số 2013/TCTK-TKQG, ngày 30/11/2022); GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.410 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.437 triệu USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,42%; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện; trong năm có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới trên toàn tỉnh đến cuối năm 2022 đạt 71 xã, chiếm 55% tổng số xã, số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 16 tiêu chí. 

Hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, truyền thông, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đạt kết quả quan trọng. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện, công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng, chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, từ 15,49% năm 2021 xuống còn 12,99% vào năm 2022; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Lao động, việc làm đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 59,2%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,8%; giải quyết việc làm cho 16.400 lao động. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Còn 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh trong những tháng đầu năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, lao động và sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi; sản xuất công nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn. Môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhưng chưa có nhiều chuyển biến cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác giải ngân kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình MTQG còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn vướng mắc, khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ theo yêu cầu. Việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập còn khó khăn. Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình còn hạn chế. Tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi chưa có chiều sâu.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn có những diễn biến phức tạp; công tác giao vốn cho các dự án thuộc Chương trình MTQG còn chậm; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19, giá cả đầu vào cho sản xuất kinh doanh tăng cao, nhất là giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng cùng với thị trường tiêu thụ khó khăn nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thì nguyên nhân chủ quan là quy mô kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để đầu tư phát triển. Công tác quản lý nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa chủ động, thiếu tích cực. Hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, tính cụ thể, quyết liệt ở một số ngành, địa phương, đơn vị chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc công việc của lãnh đạo của một số sở ngành, địa phương chưa thật thường xuyên. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm. Trong quản lý chỉ đạo điều hành, sự phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chủ động, quyết liệt.

B. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023
I. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đồng thời quan tâm phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng thu hút, huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tăng cường công tác thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội.

II. Các chỉ tiêu chủ yếu
1. Về các chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5%; công nghiệp – xây dựng tăng 12,16% (riêng công nghiệp tăng 13,03%); dịch vụ tăng 8,5%; thuế sản phẩm tăng 5%.
- GRDP bình quân đầu người 70,9 triệu đồng.
- Tổng đầu tư toàn xã hội 20.700 tỷ đồng.
- Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.285 tỷ đồng.
- Giá trị xuất khẩu đạt 1.695 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 1.229 triệu USD.
- Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 33,45%.
- Năng suất lao động đạt 116,9 triệu đồng/lao động.

2. Về các chỉ tiêu xã hội

- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2,5-3%.
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 53%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%).
- Tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia 60%.
- Số giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 29 giường. Số bác sĩ/1 vạn dân: 9,47 bác sĩ.
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,2%.
- Có thêm 6 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 59,6%; trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 1 xã đạt 16,2 tiêu chí.

3. Về các chỉ tiêu môi trường

- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 95,7%; dân số thành thị được sử dụng nước sạch 93%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 88%.
- Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để trong năm 2023 là 100%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 83,3% (5/6 khu công nghiệp).
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51,5%.

III. Một số cân đối lớn
1. Quy mô kinh tế
Với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 là 9%, khi đó quy mô kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) đạt khoảng 62.700 tỷ đồng.

2. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 7.285 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách địa phương là 21.947,3 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách địa phương là 21.947,3 tỷ đồng.

3. Cân đối vốn đầu tư phát triển
- Năm 2023, dự báo tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 20.700 tỷ đồng, tăng 10,5% so với ước thực hiện năm 2022 và bằng khoảng 33% GRDP.

- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 10.272,9 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), trong đó: nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh 2.751,5 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư trên cơ sở tăng thu nguồn trong cân đối ngân sách tỉnh 181,96 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương 7.339,4 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước 7.015,7 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) 323,7 tỷ đồng).

4. Cân đối xuất nhập khẩu

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu dự kiến đạt 2.924 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ước đạt 1.695 triệu USD, tăng 17,9% so với ước thực hiện năm 2022; nhập khẩu ước đạt 1.229 triệu USD, tăng 12% so với ước thực hiện năm 2022. 

IV. Nhiệm vụ, giải pháp

Có 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp báo gồm: (1) Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh; (2) Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; (3) Tổ chức, điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo đúng dự toán được giao theo quy định; (4) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư; (5) Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; (6) Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; (7) Phát triển khoa học và công nghệ; (8) Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; (9) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; (10) Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đề nghị các đại biểu nghiên cứu cụ thể tại Báo cáo số 418/BC-UBND, ngày 24/11/2022 về Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã gửi cho các đại biểu.

Phần thứ hai
Về phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2021; 
Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán ngân sách 
nhà nước năm 2023  

1. Về quyết toán ngân sách địa phương năm 2021

Trên cơ sở số liệu quyết toán thu, chi ngân sách của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước; thu, chi ngân sách địa phương năm 2021, trình HĐND tỉnh xem xét phê chuẩn, như sau:

- Thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 5.614.796 triệu đồng, bằng 129% dự toán Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao và đạt 111% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 136% so với thực hiện năm 2020, trong đó: (1) Thu nội địa đạt 5.188.837 triệu đồng, đạt 125% dự toán TTCP giao và đạt 108% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 136% so với thực hiện năm 2020; (2) Thu huy động, đóng góp đạt 15.976 triệu đồng, bằng 150,3% so với thực hiện năm 2020; (3) Thu Xuất nhập khẩu đạt 409.983 triệu đồng, bằng 205% dự toán TTCP giao, tăng 164% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao và bằng 137% so với thực hiện năm 2020;

- Thu ngân sách địa phương năm 2021 đạt 14.340.499 triệu đồng, bằng 120% dự toán TTCP giao và bằng 114% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 99% so với thực hiện năm 2020;

- Chi Ngân sách địa phương đạt 14.175.687 triệu đồng, bằng 120% dự toán TTCP giao và tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 99% so với thực hiện năm 2020;

- Kêt dư ngân sách địa phương là: 164.807 triệu đồng, trong đó: Kết dư ngân sách cấp tỉnh là 23.280 triệu đồng. Kết dư ngân sách cấp huyện là 125.903 triệu đồng. Kết dư ngân sách cấp xã là 15.624 triệu đồng.

2.  Về Tình hình hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2022

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.410 tỷ đồng, bằng 164% so với dự toán TTCP giao và bằng 100% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 14% so với thực hiện cùng kỳ, trong đó: thu từ thuế, phí ước đạt 3.375 tỷ đồng, bằng 142% so với dự toán TTCP giao và tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, riêng thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.720 tỷ đồng, bằng 227% so với dự toán TTCP giao nhưng giảm 12% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, tương ứng với số thu tuyệt đối giảm 380 tỷ đồng.

- Thu  ngân sách địa phương cả năm ước đạt 17.378,6 tỷ đồng, bằng 143% so với dự toán TTCP giao và tăng 19% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 121% so với thực hiện năm trước, trong đó: Thu được hưởng theo phân cấp 5.785,2 tỷ đồng. Thu bổ sung cân đối từ NSTW 7.140 tỷ đồng. Thu bổ sung có mục tiêu từ NSTW 2.602,3 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn 1.473,9 tỷ đồng. Thu ngân sách cấp dưới nộp lên 158,7 tỷ đồng. Thu kết dư ngân sách 164,8 tỷ đồng. Thu vay huy động 53,7 tỷ đồng.

- Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 17.225,3 tỷ đồng, bằng 142% so với dự toán TTCP giao và bằng 118% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi cân đối NSĐP 13.216,7 tỷ đồng; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu 1.815,5 tỷ đồng; chi chuyển nguồn sang năm sau 2.022 tỷ đồng; chi nộp ngân sách cấp trên 158,7 tỷ đồng; trả nợ gốc vay của NSĐP 12,5 tỷ đồng.

- Nguồn dự phòng ngân sách tỉnh được giao đầu năm là 135,5 tỷ đồng, trong những tháng đầu năm được quản lý chặt chẽ, số đã sử dụng tính đến hết tháng 10/2022 là 88,4 tỷ đồng, bằng 65,2% dự toán giao.

3. Về dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023

- UBND tỉnh xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 7.285 tỷ đồng, tăng 37% so với dự toán TTCP giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.980 tỷ đồng, bằng 114% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2022 và ước thực hiện năm 2022;

- Dự toán thu ngân sách địa phương là 21.947,3 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán TTCP giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.980 tỷ đồng, bằng 150% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2022;
- Dự kiến chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023 là 19.784,4 tỷ đồng, bao gồm: Chi thuộc nhiệm vụ của ngân sách cấp tỉnh 14.184,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% tổng chi NSĐP, trong đó: Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới 5.600 tỷ đồng.

Kính thưa quy vị đại biểu!

Trong bối cảnh tỉnh ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 là rất nặng nề. Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đưa tỉnh Hòa Bình vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự quan tâm, ủng hộ và giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cử tri và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh để cùng Ủy ban nhân dân tỉnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân đã giao.

Xin trân trọng cảm ơn Hội đồng nhân dân tỉnh, các đồng chí, cử tri và Nhân dân trong tỉnh.



Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục