Năm 2022, huyện Yên Thủy xuất khẩu lô bưởi Diễn đầu tiên sang thị trường Anh quốc, mở ra cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm bưởi Diễn của địa phương.
Liên kết để chủ động sản xuất, giảm rủi ro
Làm nông nghiệp nhiều rủi ro, năm được mùa thì thường mất giá, năm được giá lại mất mùa. Đó là chia sẻ của nhiều nông dân trong tỉnh mà chúng tôi ghi nhận được. Lời chia sẻ đó xuất phát từ thực tế, người dân chú trọng khâu sản xuất nhưng việc tiêu thụ lại bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương và sự biến động của giá cả thị trường. Như gia đình ông Bùi Văn Đượng, xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc), trước đây chuyển diện tích đất ruộng thiếu nước sang trồng màu, trong đó, nhiều vụ trồng mía tím, mía trắng ép nước. Song đa số công sức bỏ ra đều không đem lại kết quả như mong muốn, quá nửa số vụ mía bị thua lỗ. Nguyên nhân là do đầu ra hoàn toàn phục thuộc tư thương và thị trường.
Ba năm trở lại đây, ông Đượng chuyển sang trồng bí đỏ lấy hạt với sự yên tâm hơn, bởi đầu ra sản phẩm đã được giải quyết, khi gia đình ông ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp cây giống, một số vật tư cần thiết, hỗ trợ kỹ thuật để cây bí phát triển tốt, đến khi thu hoạch sẽ cho sản phẩm đảm bảo chất lượng. Ông Đượng chia sẻ: "Khi liên kết rồi thì không lo đầu ra, giá bán cũng được thống nhất trong hợp đồng nên không sợ biến động của thị trường. Do đó, gia đình chỉ tập trung chăm sóc bí theo đúng kỹ thuật để có sản phẩm đảm bảo chất lượng và đạt năng suất cao”.
Đó là với cây màu, còn với những sản phẩm nông nghiệp được coi là chủ lực của tỉnh, nhất là cây ăn quả có múi thì những năm qua, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm ngày càng được chú trọng. Mười năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Luận, thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) bắt tay vào trồng cam. Đây là cây trồng đòi hòi vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật nên gia đình bà Luận tích cực hỏi hỏi kinh nghiệm thực tế tại các địa phương và trau dồi kiến thức. Nhờ đó, 5 ha cam phát triển tốt, đem lại thu nhập cao. Để có được thành công như hôm nay, bà Luận chia sẻ, ngoài yếu tố về chất lượng sản phẩm thì việc liên kết tiêu thụ rất quan trọng. Do đó, ngay từ đầu vụ, gia đình bà đã ký hợp đồng tiêu thụ cam, ấn định thời điểm sản xuất, giao hàng, số lượng, yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm.
Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm đã giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro trước biến động của thị trường. Những năm qua, Lạc Thủy là một trong những địa phương chú trọng đến việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Trong đó, các HTX trên địa bàn đã liên kết với nhau trong sản xuất, đồng thời kết nối nhiều kênh để tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản khó khăn, nông dân Lạc Thủy đã liên kết, đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy nhấn mạnh: Khi sản phẩm sản xuất ra có đầu ra ổn định thì giá cả được nâng lên, thu nhập của người dân tăng cao. Còn sản phẩm sản xuất mà đầu ra không ổn định thì luôn bị phụ thuộc vào thị trường. Chính vì vậy, những năm qua, huyện đã tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với sản xuất của nông dân.
Mặc dù việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã có sự khởi sắc, nhưng hiện vẫn còn nhiều nông dân "mạnh ai, nấy làm” nên sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không hình thành vùng hàng hóa. Bên cạnh đó, không ít HTX hoạt động chưa hiệu quả; một số chuỗi liên kết thiếu bền vững hoặc bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19...
Thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm
Tháng 5/2019, cùng Hội Nhà báo Hà Nội, chúng tôi có dịp tham quan, tìm hiểu một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đó là các mô hình trồng đào, quất ở Tàm Xá và trồng rau an toàn ở Vân Nội của huyện Đông Anh. Sau chuyến đi, chúng tôi nói vui rằng, những người dân nơi đây đang đi "ngược” với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Thủ đô, khi vẫn chọn gắn bó với ruộng đồng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế mới thấy, cùng một diện tích trước đây trồng ngô, lúa, nay chuyển sang trồng rau an toàn đã cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Những tỷ phú trồng rau xuất hiện ngày một nhiều. Kết quả có được là sự hội tụ của nhiều yếu tố, như: trình độ canh tác, sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và vai trò "kiến tạo” của cấp ủy, chính quyền. Theo đó, khâu sản xuất được chú trọng với việc đầu tư về công nghệ, KH-KT; khâu tiêu thụ thì do HTX ký kết, bao tiêu. Còn chính quyền địa phương đồng hành cùng người dân trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh khác nhau. Riêng HTX thì có trang web đăng tải đầy đủ các sản phẩm và thông tin cần thiết để khách hàng dễ dàng tra cứu.
Trở lại Hòa Bình, nơi có nhiều lợi thế về đất đai để phát triển nông nghiệp, với đa dạng sản phẩm. Những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có những điểm sáng, bước phát triển mang tính bước ngoặt. Các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy đang phát triển nông nghiệp phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương và xu thế thị trường. Năm 2022, huyện Yên Thủy liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với một số liên kết được duy trì tốt như: liên kết tiêu thụ mía nguyên liệu với Công ty Mía đường Việt Đài, diện tích trên 400 ha; liên kết sản xuất và tiêu thụ cà gai leo với HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu; liên kết tiêu thụ lạc với Công ty Minh Trung và HTX nông nghiệp Yên Trị trên 100 tấn lạc; liên kết trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt với Công ty Tân Lộc Phát; liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm bưởi quả của HTX Đại Đồng, xã Ngọc Lương. Trong năm, Yên Thủy đã phối hợp với Công ty Cổ phần RYB xuất khẩu trên 11 tấn bưởi Diễn của HTX Đại Đồng sang thị trường Anh. Đầu năm 2023, huyện triển khai việc liên kết sản xuất vùng nguyên liệu với Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La.
Người dân xã Gia Mô (Tân Lạc) liên kết với doanh nghiệp trồng bí đỏ lấy hạt.
Đối với toàn tỉnh, sau những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, sản xuất từng bước phục hồi và phát triển. Theo Sở NN&PTNT, năm vừa qua, ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ. Đến hết năm 2022, đã chứng nhận cho gần 2.298 ha sản phẩm, trong đó cây có múi trên 1.651 ha, rau các loại 311 ha, cây trồng khác trên 335 ha, 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi; cấp 21 mã số vùng trồng và duy trì 9 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ chăn nuôi để chăn nuôi lợn khép kín và cung cấp cho thị trường, sản lượng khoảng 19.500 tấn/năm.
Ngoài ra, trong năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, tỉnh đã xuất khẩu 1.039 tấn sản phẩm trồng trọt gồm: chuối, nhãn, bưởi, mía, sắn sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU; xuất khẩu 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến, gồm: măng, gừng, dưa chuột, miến dong; 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang thị trường các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc và EU, với tổng giá trị sản phẩm trồng trọt xuất khẩu đạt 518,82 tỷ đồng. Xuất khẩu lâm sản với giá trị 790 tỷ đồng sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Canada.
Những sản phẩm nông sản được xuất khẩu sang các thị trường khó tính là bước ngoặt lớn cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính này, đòi hỏi sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền với người dân. Ông Đinh Long Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tùng Dương, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù giá mía bán khá cao nhưng bà con vẫn chủ yếu bán cho các tư thương quen, họ đưa mía về các chợ quê tiêu thụ. Mục tiêu trước mắt HTX hướng tới là đưa cây mía vào được các siêu thị, xa hơn là hướng tới xuất khẩu, như thế mới phát triển bền vững, không lo năm được giá, năm lại mất giá như trước đây. Do đó, nông dân chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để duy trì nguồn giống, cũng như hỗ trợ các chính sách để chuyển hình thức canh tác như hiện nay sang trồng mía hữu cơ.
Theo Liên minh HTX tỉnh, những năm qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác. Sự ra đời các HTX đã gắn kết thành viên, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa với sự liên kết chặt chẽ hơn trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 491 HTX, 209 tổ hợp tác, trong đó có 293 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, dịch vụ của HTX chủ yếu là cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất như: giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật; còn năng lực hỗ trợ KHCN, bao tiêu, chế biến sản phẩm còn hạn chế; chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Do vậy, việc hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự hình thành các chuỗi liên kết, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập của nông dân.
Thúc đẩy sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị Nguyễn Thị Phương Thủy Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Những năm qua, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả với 60 HTX chăn nuôi được thành lập. Có 28 HTX liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương đã được quan tâm triển khai thực hiện. Các sản phẩm như: gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, lợn bản địa Đà Bắc, dê Lạc Thủy, dê núi Lương Sơn đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trên địa bàn tỉnh có 17 sản phẩm OCOP chăn nuôi được xếp hạng 3 sao và 4 sao, tiêu biểu như sản phẩm gà tươi của các HTX thuộc huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy; thịt dê núi Lương Sơn; vịt cổ xanh Mường Hịch; thịt lợn đen Mường Pa. Việc hình thành các HTX đã thúc đẩy phát triển sản xuất trong chăn nuôi, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, giảm lệ thuộc vào sự biến động của giá cả thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Khó liên kết khi sản xuất còn manh mún Bàn Anh Thắng Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc Đà Bắc là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu của người dân từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn do lệ thuộc vào tư thương và thị trường. Để phát triển nông nghiệp bền vững, Đà Bắc đang hướng sản xuất theo chuỗi liên kết. Như trong năm 2022, sự ra đời của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (xã Tân Minh) đã giúp các hộ chăn nuôi lợn bản địa liên kết với nhau. Các thành viên trong HTX đã được giải quyết về đầu ra của sản phẩm lợn đen. Trong năm 2023, huyện hướng tới xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà. Tuy vậy, việc liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Trên địa bàn huyện có nhiều cây trồng, vật nuôi nhưng sản xuất không tập trung nên khó trở thành hàng hóa. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết rất khó khăn vì chưa đáp ứng được sản lượng, chất lượng. Thực tế, những năm gần đây, trong huyện đã có một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa bền vững. Gần đây nhất là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm hạt sachi. Tuy nhiên, do người dân không tập trung chăm sóc, thu hoạch nên doanh nghiệp không có sản phẩm để sản xuất. |
Viết Đào