Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.
Tuyến đường đôi vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đoạn phía nam có tổng mức đầu tư hơn 503 tỷ đồng. (Ảnh CÔNG THỬ)
Số liệu thống kê về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng phù hợp.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng phản ánh sát tình hình thực tế và không vượt ra ngoài dự báo.
Những lĩnh vực khởi sắc
Điểm lại những nét chính trong bức tranh kinh tế quý đầu năm, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh đến yếu tố duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng so cùng kỳ như sản xuất đồ uống; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; khai thác quặng kim loại; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu…
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi mạnh mẽ. Chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường thế giới khi dịch Covid-19 được kiểm soát đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng của một số ngành dịch vụ đạt mức cao.
"Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9%, trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 28,4%. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 60%, thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu dịch vụ tại chỗ là động lực giúp nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng phù hợp", Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.
Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 4 tỷ USD với các mặt hàng chủ lực gồm điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; rau quả. Số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng cao so cùng kỳ cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 4,18%. Đáng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến rõ nét trong những tháng đầu năm, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay đạt 91 nghìn tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch, tăng 18,1% so cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của đầu tư công vào tăng trưởng năm 2023 được kỳ vọng rất lớn vì đây là năm có quy mô vốn đầu tư tăng cao, gồm nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành xong thủ tục để tập trung triển khai thực hiện giải ngân, trở thành vốn mồi có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thách thức mục tiêu tăng trưởng 6,5%
Tuy nhiên, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang gặp khó khăn, gây áp lực lớn cho công tác điều hành và dự báo có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023 gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm. Sau rất nhiều năm giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực đã suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giảm so cùng kỳ. Khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh còn thể hiện ở tình hình đăng ký doanh nghiệp.
Tính chung quý I/2023, mỗi tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, có 20,1 nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Các doanh nghiệp thành lập mới có sự sụt giảm mạnh cả về vốn và lao động đăng ký. Động lực tăng trưởng xuất khẩu cũng đang chịu tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm sâu so cùng kỳ và giảm mạnh ở hầu hết các ngành xuất khẩu chủ lực cũng như thị trường truyền thống.
"Trong bối cảnh tình hình chung của thế giới có nhiều khó khăn, cầu tiêu dùng suy giảm kéo theo thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam cũng giảm mạnh, đầu tư tư nhân cũng suy giảm khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất", bà Phí Thị Hương Nga phân tích.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, tập trung theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.
(HBĐT) - Ngày 28/3, tại xã Mai Hạ, UBND huyện Mai Châu tổ chức lễ công bố, trao bằng bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu (CNNH) "Rượu Mai Hạ” cho sản phẩm rượu của huyện Mai Châu.
(HBĐT) - Những năm qua, ngành Ngân hàng tỉnh Hòa Bình đã chủ động, tích cực đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là đáp ứng các nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
WB cho biết GDP của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trên diện rộng và việc không thể đảo ngược quá trình này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo.
Rừng đang che phủ một phần ba diện tích lục địa, cung cấp các dịch vụ thiết yếu và góp phần quan trọng trong việc duy trì sự sống trên hành tinh. Hiện nay, sinh kế của hơn 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng.
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, Ðảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Và Hòa Bình đang quyết tâm phấn đấu trở thành tỉnh trung bình của cả nước.
(HBĐT) - Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh được HĐND tỉnh giao 7.285 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, cơ cấu thu thiếu bền vững, chưa có nguồn thu chủ lực mà chủ yếu dựa vào thu từ tiền sử dụng đất…