(HBĐT) - UBND huyện Yên Thủy phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ vừa tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận "Lợn bản địa Lạc Sỹ" đối với sản phẩm lợn của huyện Yên Thủy.
Lợn bản địa Lạc Sỹ được nuôi tập trung ở xã Lạc Sỹ theo phương thức bán hoang dã hoặc hoang dã. Thức ăn chủ yếu là chất xơ, chúng ăn sống hầu hết các loại cây, rau, củ, quả có sẵn tại địa phương. Vì thế chất lượng thịt lợn bản địa Lạc Sỹ thơm ngon, mềm, bì giòn, mỡ thơm ngậy ăn không ngấy. Lợn bản địa Lạc Sỹ có đặc điểm xương không to, mõm nhọn, mặt ngắn, tai bé, mình dài thon, chân gầy, có lông dài và cứng, màu sắc da và lông đen, hung vàng, có đốm khoang trắng ở bụng, chân…
Với mục đích phát triển nghề nuôi lợn bản địa Lạc Sỹ bền vững, xây dựng mô hình để bảo tồn gen và tạo thành vùng nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ tỉnh đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận " Lợn bản địa Lạc Sỹ” với quy mô 30 con lợn giống, trong đó có 29 con nái và 1 con đực; có 30 hộ tham gia. Các gia đình được hỗ trợ 1 triệu đồng 1 con giống, một phần thức ăn tinh.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu cho UBND huyện Yên Thủy; đồng thời, UBND huyện Yên Thủy công bố và trao quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm " Lợn bản địa Lạc Sỹ” cho 30 hộ chăn nuối, dịch vụ tiêu biểu xã Lạc Sỹ.
Từ thành công bước đầu này, UBND huyện Yên Thuỷ đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, mô hình nuôi lợn bản địa phát triển trong toàn xã Lạc Sỹ; giai đoạn 2025 - 2030 phát triển trên địa bàn 4 xã: Lạc Sỹ, Lạc Lương, Bảo Hiệu, Đa Phúc đã được UBND tỉnh khoanh vùng chăn nuôi.
Dương Liễu