(HBĐT) - Giai đoạn 2021 - 2023, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm bình quân đạt trên 117 nghìn ha; giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác trồng trọt bình quân đạt từ 160 - 165 triệu đồng/ha. Quy mô sản xuất các loại cây trồng có giá trị hàng hoá và xuất khẩu ngày càng mở rộng, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung.
Người dân xã Thu Phong (Cao Phong) chú trọng phát triển mô hình cây ăn quả có múi đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm.
Các địa phương tiếp tục thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, kết hợp xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Trung bình hàng năm toàn tỉnh thực hiện dồn điền, đổi thửa được trên 1.000 ha, đến nay đã dồn điền, đổi thửa được 4.407,85 ha. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao (như bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, ngô sinh khối...). Bình quân toàn tỉnh chuyển đổi được khoảng trên 2.000 ha/năm, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trong sản xuất cho nông dân. Đến nay đã xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt có giá trị kinh tế cao như: Mô hình liên kết trong sản xuất cây gai xanh AP của Công ty CP tập đoàn An Phước làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu, quy mô diện tích trên 300 ha, thu nhập trên 150 triệu đồng/ha; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng khả năng ra hoa, đậu quả trên cây bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc, thu nhập trên 350 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu mía ăn tươi cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu bưởi đỏ ở huyện Tân Lạc, bưởi Diễn ở huyện Yên Thủy... thu nhập trên 350 triệu đồng/ha.
Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đối với cây lương thực, đặc biệt trong khâu thu hoạch đã, đang được cải thiện đáng kể ở một số địa phương chú trọng thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa như huyện Yên Thủy, Lương Sơn, Kim Bôi. Sau dồn điền đổi thửa, nông dân tích cực đầu tư thâm canh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, nhóm nông dân tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Một số địa phương chú trọng thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất cây ăn quả có múi như huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới phun, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh góp phần giảm công lao động trong sản xuất.
Hoạt động hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, xây dựng kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được quan tâm. Trong giai đoạn đã triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn và chứng nhận quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ cho 87 cơ sở (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm, hộ sản xuất) trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trong đó, chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho 6 cơ sở trồng bưởi, nhãn, thanh long với tổng diện tích 123,4 ha; chứng nhận VietGAP cho 47 cơ sở trồng trọt với tổng diện tích 656,47 ha; chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ cho 8 cơ sở trồng măng tây, rau, củ, quả các loại với diện tích 42,52 ha. Đăng tải trên 51 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Hòa Bình trên website của Bộ NN&PTNT tại địa chỉ: "Địa chỉ xanh - Nông sản sạch". Công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm được tích cực triển khai. Có 89 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh được giới thiệu, kết nối tham gia các phiên chợ, hội chợ, tuần lễ, diễn đàn, hội nghị trực tuyến để kết nối tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước; thực hiện quảng bá sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ: https://hb.check.net.vn. với 78 doanh nghiệp/hợp tác xã (401 sản phẩm) tham gia; hỗ trợ cấp 2,882 triệu tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các loại nông sản đặc trưng của tỉnh; hỗ trợ 100 kg bao bì và 40.000 hộp đựng sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được tăng cường. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm theo quy định. Giai đoạn 2021 - 2023 thanh tra, kiểm tra 618 lượt cơ sở, trong đó, 583 lượt cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 94,34%), 35 cơ sở vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm (chiếm 5,66%); xử lý vi phạm hành chính 35 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 196,269 triệu đồng. Lấy 1.000 mẫu, kết quả 944/1.000 mẫu đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích, chiếm 94,4%; 56/1.000 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chiếm 5,6%; các mẫu vi phạm được truy xuất nguồn gốc và xử lý theo quy định của pháp luật.
V.H
(HBĐT) - Ngày 25/4/2023, Sở Tài chính ban hành Công văn số 1262/STC-QLNS về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023.
(HBĐT) - Huyện Cao Phong vừa tổ chức lễ công bố xã Hợp Phong đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2022. Đến dự có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Công trình đường Ngòi Hoa - quốc lộ 6 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khắc phục thế độc đạo quốc lộ 6 Tân Lạc, tạo hệ thống giao thông liên hoàn, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực và phát triển du lịch vùng hồ Hòa Bình. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa, di dời hạ tầng trên truyến...
(HBĐT) - Những năm qua, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã Hiền Lương (Đà Bắc).
Không chỉ giữ đúng cam kết với Chính phủ, việc khánh thành, đưa vào khai thác thêm hai dự án thành phần cao tốc bắc-nam phía đông 2017-2021 (giai đoạn I) gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây dự kiến ngày 29/4 tới còn mang lại những kinh nghiệm quý, giúp ngành giao thông bắt tay triển khai hiệu quả một loạt công trình hạ tầng quy mô lớn khác nhằm từng bước hiện thực hóa khát vọng hoàn thành 5.000km đường cao tốc theo định hướng của Chính phủ.
(HBĐT) - Ngày 26/4, Sở NN& PTNT phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo khoa học xây dựng quy trình kỹ thuật tái canh cây ăn quả có múi (CAQCM) trên địa bàn tỉnh.