(HBĐT) - Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Kim Bôi có 2 xã Đông Bắc, Vĩnh Tiến phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM), xã Nam Thượng phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện tập trung mọi nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo báo cáo của UBND huyện Kim Bôi, đến thời điểm này, xã Đông Bắc đạt 12/19 tiêu chí. Năm nay, xã phải phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí, gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, thu nhập, nghèo đa chiều, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Đối với xã Vĩnh Tiến đã hoàn thành 15 tiêu chí, còn 4 tiêu chí phấn đấu trong năm 2023 là: cơ sở vật chất văn hoá, thu nhập, nghèo đa chiều, quốc phòng và an ninh.
Xã Nam Thượng phấn đấu về đích NTM nâng cao, hiện đã hoàn thành 12 tiêu chí, còn 7 tiêu chí gồm: giao thông, giáo dục, văn hoá, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, quốc phòng và an ninh.
Đồng chí Đinh Tất Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Qua khảo sát đánh giá đối với các xã đăng ký về đích NTM, NTM nâng cao năm nay có thể thấy, các xã hầu hết đều thiếu các tiêu chí khó thực hiện, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn như tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá... Bên cạnh đó, các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo và tổ chức sản xuất đòi hỏi phải có sự đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, huyện đã tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động sự đóng góp của người dân để triển khai thực hiện các tiêu chí, đảm bảo đưa các xã về đích NTM và NTM nâng cao theo kế hoạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã huy động nguồn lực từ ngân sách Trung ương 25.675 triệu đồng, ngân sách tỉnh 25.491 triệu đồng, ngân sách huyện 222.388 triệu đồng, ngân sách xã 1.075 triệu đồng để đầu tư xây dựng NTM. Đồng thời lồng ghép các chương trình khác tạo nguồn lực cho xây dựng NTM. Trong đó, lồng ghép từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 43.031 triệu đồng, chiếm 6,5%; vốn tín dụng 303.215 triệu đồng, chiếm 45,7%; doanh nghiệp 8.200 triệu đồng, chiếm 1,2%; đóng góp của cộng đồng dân cư 24.504 triệu đồng, chiếm 3,7%.
Từ các nguồn vốn, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trọng tâm là thực hiện các tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, trường học... Đến nay đã xây mới hơn 9km đường và nâng cấp hơn 5km đường giao thông nông thôn; xây mới 1 ngầm; sửa chữa, xây mới 3km kênh mương và 8 hồ, đập; xây mới 4 công trình và nâng cấp 28 công trình trường học các cấp. Huyện đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và nâng cấp, sửa chữa 13 nhà sinh hoạt cộng đồng các xóm.
Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện phân bổ nguồn lực hợp lý, triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đánh giá tổng quát những tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục duy trì, phát triển các sản phẩm chất lượng, thương hiệu của huyện theo hướng vùng sản xuất tập trung, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, huyện có trên 210 ha diện tích trồng trọt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hình thành các vùng trồng bí xanh, dưa chuột tập trung tại các xã: Nam Thượng, Sào Báy, Kim Lập, Đú Sáng với diện tích khoảng 60 ha/vùng; vùng trồng khoai tây tại xã Vĩnh Đồng; vùng trồng cây ăn quả có múi tại xã Tú Sơn, Kim Lập, Vĩnh Tiến, Mỵ Hoà với diện tích khoảng 100 ha/xã; vùng trồng cây dược liệu diện tích khoảng 40 ha tại xã Hùng Sơn. Duy trì và phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu tiêu thụ đến chế biến như mô hình trồng cây gai xanh, dưa bao tử, ngô sinh khối. Qua các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất đã xây dựng được 30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 17 trang trại chăn nuôi.
"Đặc biệt, tập trung vào các địa bàn sẽ cán đích NTM năm nay, bên cạnh việc phân bổ nguồn lực, huyện phối hợp các ngành hỗ trợ các xã về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể, đối với xã Đông Bắc, huyện phối hợp Sở NN&PTNT khảo sát, đánh giá sản phẩm thanh long ruột đỏ để hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất VietGAP cho 4,5 ha của tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ. Tại xã Nam Thượng, huyện hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao liên kết chuỗi như nhà lưới ươm giống, tưới nước tiết kiệm và hỗ trợ chuỗi bưởi da xanh..." - đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm.
Hết năm 2023, huyện Kim Bôi phấn đấu bình quân tiêu chí xã NTM toàn huyện đạt 14 tiêu chí/ xã; 1 khu dân cư kiểu mẫu, 2 vườn mẫu và 2 sản phẩm OCOP mới. Để đạt được điều đó, huyện xác định tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tập trung lồng ghép nhiều nguồn lực, thường xuyên đánh giá các tiêu chí đối với xã về đích NTM. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM nhằm huy động tổng lực, thực hiện thành công các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Đinh Hòa