(HBĐT) - Bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 8, các nhà vườn trồng nhãn Sơn Thủy trên địa bàn xã Xuân Thủy (Kim Bôi) ngao ngán bởi nông sản tiêu thụ chậm, tư thương thu mua nhỏ lẻ. Sản lượng năm nay dự kiến chỉ đạt 1/3 so với cùng kỳ năm trước, giá thành dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, thấp hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg so với thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19. Lại một mùa thu hoạch nữa người dân ôm trái đắng, thực tế đó đã dẫn đến tình trạng người dân không còn quá mặn mà với cây nhãn Sơn Thủy.
Dọc theo tuyến đường các xóm: Khoang, Bèo, Lốc, Khớt, Nèo… nhiều vườn nhãn đã chín rộ với quả to, mẫu mã đẹp, vị ngọt thanh. Tuy nhiên, tại một số nhà vườn chất lượng quả không đồng đều, giá thành chạm "đáy” khoảng 7.000 đồng/kg hoặc rất khó tiêu thụ. Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy tập hợp những hộ trồng nhãn theo quy trình GlobalGap. HTX có 41 thành viên với tổng diện tích nhãn Sơn Thuỷ 34 ha, chủ yếu là giống nhãn Hương Chi được đưa về từ tỉnh Hưng Yên. Năm 2022, sản lượng nhãn của HTX đạt gần 450 tấn, giá thu mua tại vườn ổn định ở mức 15.000 đồng/kg. Dự kiến vụ năm nay sản lượng chỉ đạt khoảng 120 tấn, giá thành sụt giảm còn dưới 10.000 đồng/kg. Ông Bùi Trọng Thơ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: "Vụ thu hoạch năm nay thị trường thu mua nhãn ảm đạm, sản lượng không đạt để xuất khẩu. Đối với nhãn loại đẹp dùng làm quà biếu sau khi cắt tỉa cành, đóng hộp có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng số lượng tiêu thụ ít ỏi”.
Theo rà soát, xã Xuân Thủy đã mở rộng trên 170 ha trồng nhãn với khoảng 600 hộ dân tham gia trồng tại các xóm: Khoang, Bèo, Lốc, Khớt… Trong 2 - 3 năm trở lại đây, việc tiêu thụ nhãn Sơn Thủy bấp bênh do sản lượng thấp, giá thành không ổn định. Nguyên nhân chính do cây nhãn được nhân rộng, trồng phổ biến trên địa bàn xã và các vùng lân cận dẫn đến nguồn cung vượt cầu. Một số hộ trồng nhãn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, không tham gia vào liên kết, phát triển kinh tế tập thể, chưa ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chất lượng quả không cao, thương hiệu bị suy giảm. Nhãn Sơn Thủy hiện phải cạnh tranh khốc liệt trực tiếp với một số địa phương trồng nhãn nổi tiếng như Hưng Yên, Sơn La… nên thị trường bị bó hẹp.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, thị trường tiêu thụ chính của nhãn Sơn Thủy chủ yếu trên địa bàn và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Dương và một số tỉnh miền Trung… HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy có vai trò kết nối với tư thương để vận chuyển nông sản đi các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, HTX chưa tạo được liên kết, cung cấp hàng hóa nông sản cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nên vẫn còn tình trạng tư thương ép giá; hàng hóa nông sản sau khi thu hoạch không tiêu thụ được.
Ông Bùi Văn Đông, xóm Khoang, xã Xuân Thủy cho biết: "Quá trình trồng và chăm sóc cây nhãn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trong thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 xảy ra mưa lớn đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Cây ra hoa nhưng không đậu quả nên sản lượng đạt thấp. Giá cả thị trường không ổn định, cây trồng không đem lại hiệu quả kinh tế cao dẫn đến tâm lý e ngại của các nhà vườn, không muốn đầu tư vì không có lãi. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển nhãn Sơn Thủy”.
Đồng chí Bùi Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho biết: "Nhãn Sơn Thủy được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ bị đứt gãy, sản lượng cây trồng suy giảm nghiêm trọng. Thời gian tới, xã mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ thực hiện các giải pháp để duy trì và phát triển cây trồng. Tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và tiếp tục xuất khẩu. Khuyến khích hộ dân trồng nhãn tích cực học hỏi kinh nghiệm của những vườn mẫu, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từng bước phục hồi, phát triển cây nhãn Sơn Thủy góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh