(HBĐT) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Hưng Thi (Lạc Thủy) tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng chương trình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện, xã đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng sản phẩm mật ong rừng Hưng Thi trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của xã.
Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An có 25 thành viên, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó, hơn 10 hộ thành viên có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề nuôi ong lấy mật. Các thành viên HTX duy trì hơn 700 đàn ong mật, trung bình mỗi lần quay đạt sản lượng từ 7 tạ đến 1 tấn mật. Do ong hút mật hoa rừng tự nhiên theo mùa, hoàn toàn không cho ong ăn thêm đường hay những chất hóa học khác nên chất lượng mật ong đảm bảo, sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Hai năm qua, mật ong đã đem lại doanh thu cho các thành viên nuôi ong của HTX hàng chục triệu đồng.
Anh Phạm Văn Toàn, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An cho biết: Nhận thấy tiềm năng và khả năng phát triển sản phẩm mật ong rừng tại xã Hưng Thi, HTX quyết định đầu tư phát triển sản phẩm mật ong rừng Hưng Thi trở thành sản phẩm OCOP. Để xây dựng sản phẩm, thông qua hỗ trợ của huyện về công nghệ, khoa học kỹ thuật, HTX ban hành quy trình sản xuất chung cho các thành viên, yêu cầu các hộ thành viên cam kết đảm bảo chất lượng mật ong rừng nguyên chất, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, HTX đã hoàn tất các thủ tục theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, đang trình huyện thẩm định và đánh giá xếp hạng. UBND huyện cũng đã hỗ trợ HTX hoàn thiện việc xây dựng mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.
Để sản phẩm mật ong rừng Hưng Thi vươn xa ra thị trường, HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An hướng tới tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến mật ong như máy hạ thủy phần mật ong nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, từng bước xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ngoài mật ong rừng, xã Hưng Thi đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm tinh dầu sả trở thành sản phẩm OCOP thứ 2 của địa phương. Chia sẻ vấn vấn đề này, đồng chí Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi cho biết: Xác định mục tiêu lớn nhất của Chương trình OCOP là đánh thức lợi thế, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, vì vậy trong kế hoạch thực hiện chương trình, xã đã lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng phát triển, lợi thế sẵn có. Qua đánh giá có 2 sản phẩm là mật ong rừng và tinh dầu sả có tiềm năng phát triển, xuất phát từ lợi thế hơn 70% diện tích đất nông nghiệp của xã là đồi rừng, xã đã có câu lạc bộ nuôi ong mật được thành lập từ nhiều năm nay với các hộ nuôi ong lành nghề và hơn 40 ha trồng sả của người dân trên địa bàn.
Có tiềm năng, lợi thế, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hưng Thi quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến, thương mại sản phẩm. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, để khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm, xã đã phối hợp các phòng, ban của huyện tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho hộ nông dân; tập huấn nâng cao năng lực về quản trị cho HTX trên địa bàn; quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, đất sản xuất, mở rộng xưởng sản xuất, chế biến cho các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Phương Linh