(HBĐT) - Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Kim Bôi có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Trong những năm qua, để sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 sao trở lên, huyện đã quan tâm chỉ đạo, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến các xã, thị trấn và chủ thể sản xuất với nhiều giải pháp thiết thực, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Sản phẩm bưởi Diễn của HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi (xã Đú Sáng) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Thực tế cho thấy, việc được công nhận đạt chuẩn OCOP đã giúp huyện Kim Bôi tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Qua đó tạo được uy tín, thương hiệu, đồng thời mở rộng thị trường sản xuất và kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong đó, nhiều sản phẩm đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng sâu, vùng xa như sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến 3 sao của Hợp tác xã (HTX) Green Life, xã Hợp Tiến. Đặc sắc của sản phẩm là mật ong được lấy từ các tổ ong nuôi dưới tán rừng trồng cây xạ đen - một loại dược liệu quý. Việc quay mật thực hiện theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, đóng lọ thủy tinh thể tích 500 ml. Hiện, mật ong được tiêu thụ tại 6 cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Hòa Bình, Hà Nội.
Ngoài ra, huyện còn có một số sản phẩm 3 sao gồm: bưởi Diễn của HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi, xã Đú Sáng được trồng và sản xuất theo quy trình VietGAP; dầu sả chanh của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hùng Sơn; trà túi lọc xạ mộc hương của HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Bì, xã Xuân Thuỷ...
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng gặp nhiều khó khăn do quy mô, năng lực quản trị các chủ thể OCOP còn nhỏ và yếu, kiến thức về kinh tế thị trường chưa cao, việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Minh Anh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Một số sản phẩm gặp khó trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài là rất khó. Các chủ thể còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử chưa chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối các điểm, khu du lịch...
Từ thực tế đó, huyện Kim Bôi xác định xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm theo hướng hiệu quả, thực chất, nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Minh Anh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Kim Bôi xây dựng tối thiểu 2 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm mới, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ các chủ thể duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm đã đạt sao, tiến tới nâng sao đối với sản phẩm chất lượng.
Để đạt được kế hoạch đề ra, huyện tập trung hỗ trợ về quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, huyện Kim Bôi đã lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn hỗ trợ từ các kênh của Liên minh HTX tỉnh, khuyến công, Quỹ hỗ trợ nông dân tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Căn cứ thực trạng sản phẩm và bộ tiêu chí đánh giá phân hạng theo quy định để hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể thực hiện chuẩn hóa sản phẩm (điều kiện sản xuất, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất, đăng ký nhãn hiệu...). Huyện cũng tạo điều kiện để HTX, tổ hợp tác và các hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có thêm nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Đinh Hòa