(HBĐT) - Những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản của tỉnh có nhiều khởi sắc. Một số mặt hàng đặc trưng tiếp tục sang những thị trường xuất khẩu mới. Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, ngoài tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) không ngừng nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nông sản để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm mía trắng được Công ty TNHH đầu tư và thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) sơ chế, cắt khúc trước khi đóng gói, cấp đông để xuất khẩu.
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, trong lễ xuất hàng sản phẩm OCOP sang thị trường Anh quốc, sản phẩm trà chanh đào mật ong của HTX Hà Phong (Cao Phong) lần đầu tiên được xuất khẩu. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay, khi sự cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa ngày càng lớn, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, đòi hỏi các doanh nghiệp, HTX sản xuất phải nỗ lực, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. HTX Hà Phong là một trong những đơn vị chú trọng đầu tư phát triển thêm các sản phẩm từ cam. Với mục đích tăng giá trị hơn nữa cho quả cam tươi, mang lại những sản phẩm chất lượng cao phục vụ người dân trong nước và cả thực khách nước ngoài. Qua đó góp phần phát triển sản xuất bền vững, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trước khi được đóng thùng quy cách để vận chuyển đi xuất khẩu, sản phẩm trà chanh đào mật ong được lấy mẫu phân tích, kết quả đều đạt các chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm (ATTP) theo yêu cầu của EU và Anh quốc.
Trước đây, các mặt hàng nông sản đặc trưng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh mới dừng ở sản phẩm sản xuất quy mô nhỏ, ít người biết đến, chưa có thương hiệu. Thời gian qua, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các chủ thể OCOP nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy những thế mạnh về điều kiện sản xuất, các loại sản phẩm đặc thù, lợi thế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 123 sản phẩm của 101 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 96 sản phẩm của 82 chủ thể là sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp.
Việc tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng từng bước được tăng cường và triển khai thường xuyên, góp phần không nhỏ ổn định đầu ra cho người sản xuất, nâng cao giá trị của sản phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từng bước khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Không dừng lại ở đó, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, đặc biệt là sự cố gắng của người sản xuất, những nông sản đặc trưng của xứ Mường đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy xuất khẩu sang Anh quốc; nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) xuất khẩu sang EU, mía ăn tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ...
Theo thống kê của Sở NN& PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực. Có 20 tấn quả sấu cấp đông được xuất sang thị trường Nhật Bản; 43 tấn rau cải sang thị trường Anh quốc; 6 tấn phở sang châu Âu; 300 tấn mía trắng, mía tím cấp đông sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…; 350 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc; 56 tấn măng đã qua chế biến sang thị trường châu Âu, Nhật Bản; 3.500 tấn sản phẩm chế biến sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các sản phẩm nông sản của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế, có khả năng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng không chỉ tại thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài, trong đó có cả các thị trường yêu cầu cao về chất lượng và đảm bảo ATTP. Do đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng được quá trình chế biến sản phẩm; hỗ trợ việc chứng nhận ATTP cho vùng nguyên liệu; hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, các sở, ngành, chính quyền địa phương phải là cầu nối kết nối người sản xuất với doanh nghiệp thu mua sản phẩm, để các bên thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi thông tin nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các bên, từ đó có chính sách hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn...
Thu Hằng
(HBĐT) - Xác định xúc tiến đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển KT - XH, năm 2023, tỉnh ta có nhiều đổi mới trong hoạt động này, góp phần tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu năm 2023 và những năm tiếp theo.
(HBĐT) - Ngày rời xa mảnh đất Hòa Bình, phía sau lưng chàng trai Nguyễn Văn Công (phường Thịnh Lang) là đám bụi đất vàng tung lên dưới bánh xe, cuốn theo chiều gió. Khi ấy, nối nhịp giữa đôi bờ sông Đà chỉ có một cây cầu vắt ngang. Gần chục năm bôn ba xa xứ, cũng giống như bao người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, ngày trở về, anh Công ngỡ ngàng trước sự đổi thay của thành phố.
(HBĐT) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 0,73%, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; CN-XD giảm 2,05%; dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm giảm 2,68%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,06%; CN-XD 41,64%; dịch vụ 34,60%; thuế sản phẩm 4,68%.
(HBĐT) - Những ngày này, người dân TP Hòa Bình háo hức mong đến ngày vận hành thí điểm khu kinh tế ban đêm (KTBĐ) thuộc địa bàn 2 phường Phương Lâm, Đồng Tiến. Từ trung tuần tháng 8 đến nay, lực lượng chức năng tập trung hoàn thiện các hạng mục chỉnh trang đô thị, điện chiếu sáng, công trình phục vụ phố đi bộ chạy dọc đường đê Đà Giang. Khu KTBĐ đầu tiên của tỉnh dần hiện rõ hình hài, hứa hẹn trở thành không gian trung tâm kết nối nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa, giúp tăng sức hút cho thành phố bên sông Đà.
(HBĐT) - Đến hẹn lại lên, từ tháng 8, nông dân các vùng trồng quýt Ôn Châu tại huyện Cao Phong lại tất bật trong vườn để chuẩn bị đơn hàng của tiểu thương. Đây là loại quýt chín sớm, được thu hoạch đầu tiên trong niên vụ cây ăn quả có múi tại huyện.
Sức nóng và sự quyết tâm thực hiện mục tiêu giải ngân đầu tư công đã lan tỏa đến từng cấp, bộ, ngành và địa phương.