Đoàn công tác Sở NN&PTNT kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Pacific (phường Thống Nhất - TP Hòa Bình). Ảnh: P.V
Nhằm giới thiệu, quảng bá và bán nông sản tiêu biểu của tỉnh đến người tiêu dùng, cửa hàng nông sản tiêu biểu - OCOP tỉnh Hòa Bình được Hội Nông dân (HND) tỉnh và Bưu điện tỉnh phối hợp khai trương vào cuối năm 2022. Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Cửa hàng bày bán khoảng 40 sản phẩm nông sản có mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như: rau xanh, củ quả an toàn, mật ong, sản phẩm chế biến từ nông sản của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đây là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng tìm hiểu, sử dụng các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, chất lượng cao, góp phần giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng miền của nông dân trong và ngoài tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, góp phần bảo đảm vệ sinh ATTP, Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã theo dõi thông tin, kịp thời phát hiện, thu hồi sản phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP trước khi đến tay người tiêu dùng; yêu cầu cơ sở sản xuất vi phạm phải có giải pháp khắc phục, không để tái diễn. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định về ATTP lồng ghép với các hoạt động chuyên môn bằng nhiều hình thức; tăng cường quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP trên địa bàn. 10 tháng qua, Chi cục đã hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 82 cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà - Hòa Bình, Tôm sông Đà - Hòa Bình" cho 1 cơ sở. Tiếp nhận 71 hồ sơ tự công bố sản phẩm nông sản của 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn được 40 tổ chức và cá nhân sản xuất nông, lâm, thủy sản có nhu cầu áp dụng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO và tham gia chương trình xúc tiến thương mại năm 2023.
Để thị trường chỉ lưu thông các sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng, hoạt động lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản luôn được ngành Nông nghiệp quan tâm và thực hiện thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, qua thực hiện thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành các quy định về ATTP trong chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại 11 cơ sở, có 2/11 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 2 cơ sở này với số tiền phạt 8 triệu đồng. Ngoài ra, qua thẩm định, đánh giá theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, ngày 25/12/2018; Thông tư số 32/ 2022/TT-BNNPTNT, ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT, các lực lượng đã thu hồi hiệu lực 17 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, dưới sự chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương, các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được xây dựng và phát huy hiệu quả. Một số doanh nghiệp, đơn vị, HTX sản xuất - kinh doanh thực phẩm với quy trình sản xuất hiện đại, khép kín không chỉ đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tới các thị trường nước ngoài như: Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thủy) xuất khẩu các sản phẩm măng chế biến sang thị trường các nước: Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Úc, Angola; Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần (Lạc Sơn) xuất khẩu tinh bột nghệ sang thị trường Anh quốc; HTX Hà Phong (Cao Phong) xuất khẩu trà chanh đào mật ong sang Anh quốc; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hoà Bình) xuất khẩu mía ăn tươi sang thị trường Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc...
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Do tính chất đặc thù của ngành Nông nghiệp, nhiều lĩnh vực mang tính chất thời vụ nên việc quản lý kiểm soát chất lượng nông, thủy sản khó đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, để có nền nông nghiệp an toàn, cần phải quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối tiêu dùng, sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc. Thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của ngành chuyên môn trong công tác lấy mẫu giám sát, chính quyền cơ sở cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP đến các hộ sản xuất - kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm tại địa phương, qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm về ATTP.
Thu Hằng