Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Sản xuất xe ô tô tại nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh
Nghị quyết xác định quan điểm chỉ đạo là quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; thực hiện đánh giá tác động toàn diện dựa trên luận chứng khoa học và thực tiễn trước khi đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định tác động tới người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến; đảm bảo tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; và đối thoại công khai để tạo sự đồng thuận. Không ban hành các quy định yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ thông tin, dữ liệu nằm ngoài thẩm quyền và phạm vi quy định tại văn bản pháp luật. Yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu phải phù hợp với pháp luật, thẩm quyền, phạm vi quản lý và kèm theo các quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính gây chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.
Duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách về môi trường kinh doanh để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh....
Giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh
Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.
Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau:
Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản (IPRI, của Liên minh quyền tài sản) tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics (LPI, của Ngân hàng Thế giới - WB) tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI, của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) tăng ít nhất 2 bậc; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU) thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.
Phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít nhất 10%
Mục tiêu cụ thể năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Về Năng lực Đổi mới sáng tạo của WIPO: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc.
Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc.
Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng Thế giới lên ít nhất 0,2 điểm.
Về Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới: Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc.
Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời của các bộ, cơ quan được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Các bộ, cơ quan được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm:
Cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.
Chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo, theo dõi tình hình, kết quả cải thiện đối với các bộ chỉ số được phân công.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu thống kê công bố trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chỉ tiêu thống kê về kinh tế số.
Chính phủ sẽ chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm sau đây:
Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư.
Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Kịp thời nắm bắt, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết này.
Trước ngày 20/01/2024, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh của bộ, ngành và địa phương.
Tổ chức các hoạt động truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Coi trọng và thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới việc tiếp nhận thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và các nhà đầu tư để phòng ngừa các tranh chấp về thương mại và đầu tư.
Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Theo TTXVN
Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, nguồn thức ăn cho vật nuôi dồi dào, những năm gần đây, nghề nuôi dê được nhiều hộ ở xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định.
Khu công nghiệp (KCN) Nhuận Trạch (Lương Sơn) là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp về quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, giải phóng mặt bằng (GPMB), phấn đấu bàn giao đất cho chủ đầu tư trong quý I và khởi công thu hút nhà đầu tư (NĐT) thứ phát trong quý II/2024, xây dựng KCN Nhuận Trạch trở thành hình mẫu về phát triển hạ tầng công nghiệp đồng bộ, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững.
Ngày 5/1, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đã chủ động đàm phán mở cửa thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, năm 2023, có thêm nhiều cơ sở thủy sản đã được phép xuất khẩu sang các thị trường như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…
Là huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, những năm qua, huyện Kim Bôi đã ban hành các kế hoạch, đề án thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả cao được đưa vào sản xuất, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng giá trị kinh tế.