Chỉ một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người lao động đi làm trở lại gần như đã đạt 100%, không khí làm việc khá khẩn trương.



Công nhân Công ty TNHH Pacific (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình) bắt tay vào sản xuất ngay sau thời gian nghỉ Tết.

Công ty TNHH Pacific (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên chế biến các mặt hàng gừng muối, dưa muối và lá ớt xuất sang thị trường Nhật Bản. Năm 2023, doanh thu của công ty đạt 2,5 triệu USD. Tính đến thời điểm này, công ty đã nhận đơn hàng đến giữa năm 2024. Chính vì vậy, trước và sau kỳ nghỉ Tết, lực lượng công nhân của công ty đã bắt tay vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc điều hành cho biết: Năm 2024, chúng tôi đặt ra kế hoạch doanh thu đạt khoảng 3 triệu USD. Hiện công ty đã có các đơn hàng ổn định đến tháng 6. Ngay từ mùng 6 Tết khi có lịch đi làm, chúng tôi đã cho công nhân làm công tác vệ sinh nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị. Nhiều tổ sản xuất sau đó bắt tay ngay vào làm việc. Đến ngày mùng 10 Tết thì toàn bộ công nhân đã đi làm trở lại, khẩn trương sản xuất để đảm bảo tiến độ xuất các chuyến hàng đầu tiên trong năm mới theo đúng kế hoạch.

Công ty TNHH Thành Sơn (xã Mông Hóa, TP Hòa Bình) là doanh nghiệp chuyên về sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Sau 2 năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình thế giới, năm 2023, sản xuất của công ty ổn định và có đà tăng trưởng. Ngay từ đầu năm 2024, Ban giám đốc công ty đã tìm kiếm các đơn hàng, bắt tay thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm mới. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công ty đã tổ chức chia ca cho công nhân làm việc bình thường. Chị Nguyễn Thị Trang, công nhân công ty cho biết: Năm 2023, tình hình sản xuất của công ty có nhiều khởi sắc, lương, thưởng của người lao động ổn định hơn. Dịp cuối năm, công ty tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân sẻ chia", cho toàn bộ người lao động liên hoan tất niên và tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đây là sự động viên rất lớn để người lao động yên tâm làm việc. Kết thúc kỳ nghỉ Tết, chúng tôi đã quay trở lại làm việc bình thường. Tôi mong năm mới với khí thế sản xuất mới, công ty có tăng trưởng để nâng cao đời sống cho công nhân.

Công ty TNHH Tessellation Hòa Bình thuộc Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn) là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc. Cũng như các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại khu công nghiệp, từ ngày mùng 6 Tết, công ty đã tổ chức cho công nhân đi làm trở lại. Để tạo khí thế lao động sản xuất đầu năm, công ty tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: lì xì cho công nhân, tổ chức gặp mặt đầu năm, các trò chơi như quay số may mắn. Theo Ban giám đốc công ty, sau các hoạt động gặp mặt ý nghĩa đầu năm, công ty đã quay trở lại sản xuất. Hiện, công ty đã ký kết các đơn hàng đến giữa năm và trong tháng 2/2024, công ty tuyển dụng 500 công nhân cùng nhiều vị trí kỹ thuật quan trọng để mở rộng sản xuất, đảm bảo các đơn hàng.

Tính đến hiện tại, tất cả doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhiều công ty đã nhận được đơn hàng ổn định đến tháng 5, tháng 6, tạo điều kiện cho công nhân yên tâm sản xuất. Được biết, ngày đi làm đầu tiên của năm mới, Ban Quản lý và Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã trực tiếp đi nắm bắt tình hình sản xuất đầu năm của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Qua nắm bắt, trong 2 ngày mùng 6, mùng 7 Tết, tỷ lệ lao động đi làm trở lại tại các doanh nghiệp đạt trên 90%, đến thời điểm này gần như đạt 100%. Tín hiệu vui của năm nay là một số doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, sản xuất khó khăn đã phải cắt giảm gần 1.000 công nhân thì nhiều công nhân được gọi đi làm trở lại. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp về điện tử, may mặc tiếp tục có đợt tuyển lao động với số lượng lớn ngay sau Tết.

Đồng chí Đinh Quốc Thể, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Qua trực tiếp nắm bắt tình hình các doanh nghiệp đầu năm và tình hình công nhân lao động sau kỳ nghỉ Tết, có thể thấy, ngay từ những ngày đầu Xuân mới, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào guồng sản xuất, thực hiện kế hoạch đề ra với khí thế khẩn trương, thể hiện quyết tâm cao của doanh nghiệp, người lao động, nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. 


Đinh Hòa

Các tin khác


Xã Yên Bồng phát triển kinh tế trang trại

Trong những năm qua, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn xã Yên Bồng (Lạc Thủy) cho thu nhập cao, ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Các mô hình ngày càng mở rộng và phát triển, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy lợi thế địa phương, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Người cao tuổi xã Mỵ Hòa thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phát huy tinh thần "Tuổi cao - gương sáng”, người cao tuổi (NCT) xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi không chỉ gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương mà còn tích cực tham gia phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Qua phong trào đã có nhiều tấm gương điển hình xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, là gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Kiểm tra tình hình sản xuất và tiến độ các dự án trọng điểm tại huyện Đà Bắc

Sáng 27/2, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra tình hình sản xuất vụ chiêm xuân và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Đà Bắc. Cùng đi có lãnh đạo Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Văn phòng UBND tỉnh và huyện Đà Bắc.

Huyện Kim Bôi: Khẩn trương sản xuất vụ xuân

Ngay sau Tết, nông dân huyện Kim Bôi đã khẩn trương xuống đồng sản xuất vụ xuân bảo đảm khung thời vụ với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đa dạng hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã và đang tích cực ứng dụng các dịch vụ điện trên nền tảng số nhằm giúp khách hàng có thể đăng ký và sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Qua đó tăng cường sự minh bạch, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Huyện Đà Bắc: Dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 577 tỷ đồng

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc, đến hết tháng 1/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 577,4 tỷ đồng với 10.406 khách hàng còn dư nợ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục