Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh thông tin, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt ngày 16/12/2023, xác định mục tiêu, đến năm 2030 Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 đến 18.500 USD. Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0” (Net Zero).
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.
"Quy hoạch của tỉnh lần này đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ; giúp Bà Rịa - Vũng Tàu cụ thể hóa quan điểm của Đảng về việc luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, phát huy tối đa sức mạnh "nội lực”, khai thác hiệu quả sức mạnh "ngoại lực” nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn, nâng cao chỉ số hạnh phúc của Nhân dân là mục đích cuối cùng của sự phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.
Theo quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 vùng chức năng, 3 trục động lực phát triển.
Theo Quy hoạch, tỉnh xác định các điểm phát triển chủ yếu trong thời gian tới là: Phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành khu thương mại tự do, xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Tỉnh phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiêp - đô thị - dịch vụ tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hóa dầu, hạ nguồn hóa dầu, điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo… Đồng thời, phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch sinh thái biển đảo tại Côn Đảo...
Tỉnh hình thành 4 vùng chức năng gồm: công nghiệp - cảng biển; du lịch và đô thị biển; nông nghiệp và cân bằng sinh thái; vùng biển và hải đảo. Kinh tế phát triển theo 3 trục động lực gồm: Trục kinh tế công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; trục công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; trục du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Toàn cảnh Cảng CMIT.
Tỉnh lựa chọn 4 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột để phát triển. Đó là công nghiệp; kinh tế hàng hải, dịch vụ logistics; du lịch; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại. Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch bổ sung 7 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 16.052ha và 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất 547ha.
KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 là dự án trọng điểm của tỉnh, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đề xuất mô hình và đang hoạt động rất hiệu quả.KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 là dự án trọng điểm của tỉnh, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đề xuất mô hình và đang hoạt động rất hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung tổ chức thực thi hiệu quả để quy hoạch đi vào thực tiễn cuộc sống. Nhân tố quyết định thành công là tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của Nhân dân, doanh nghiệp là trung tâm. Tỉnh cần rút ra các bài học phát triển của các đô thị biển để Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là nơi đáng đầu tư, mà còn là nơi đáng sống, đáng trải nghiệm.
Lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư và chúc mừng các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng đề nghị, Bà Rịa - Vũng Tàu cần trở thành địa phương tiên phong dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh của cả nước với các tiềm năng về điện gió, điện mặt trời và điện nền từ khí. Tỉnh cần có lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng lối sống xanh.
Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư và tăng vốn cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.880 tỷ đồng và hơn 1,4 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiêu biểu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.158 dự án đầu tư của DN còn hiệu lực, trong đó 465 dự án vốn FDI với tổng vốn hơn 33 tỷ USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đạt 400 ngàn tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, việc tổ chức không gian phát triển phù hợp đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Đua ngựa là hoạt động thể thao mới tại The Grand Ho Tram.
Đồng thời, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào các nhóm ngành kinh tế trụ cột với 92 dự án đã xác định danh mục ngành nghề, lĩnh vực; địa điểm đầu tư. Đây là các dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quyết định đến sự phát triển toàn diện, bền vững với tầm nhìn dài hạn của Bà Rịa - Vũng Tàu.