Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên hồ Thuỷ điện Hòa Bình phát triển mạnh, đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân. Tỉnh Hòa Bình đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững.
Hồ Hoà Bình là một trong những hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Bắc, tổng diện tích khoảng 8.900 ha, sức chứa 9,3 tỷ m3 nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự quan tâm của các cấp, các ngành, nghề nuôi cá lồng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2014 trong tỉnh mới có 1.700 lồng cá thì đến nay đã tăng lên gần 5.000 lồng cá, sản lượng trên 7.000 tấn/năm. Từ những chiếc lồng được làm bằng tre, bương nay đã được thay thế bằng khung sắt, kẽm và ống nhựa HDPE có độ bền cao, thân thiện với môi trường. Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh, hiện nay có 5 cơ sở nuôi trên 100 lồng cá, còn đa số các cơ sở nuôi từ 20 - 50 lồng. Sản phẩm thuỷ sản phong phú, đa dạng, gồm: cá tươi sống, cá phile, cá một nắng, cá hun khói và các sản phẩm chế biến sâu đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Gia đình ông Lý Văn Thân, xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) là một trong những hộ đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng 10 năm nay. Ông Thân cho biết, năm 2013, gia đình đã vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi cá lồng. Đến nay, gia đình ông sở hữu gần 20 lồng cá. Nhờ nuôi cá lồng mà kinh tế ngày càng khá giả hơn. Hiện nay, không chỉ nuôi cá lồng, gia đình ông Thân còn đầu tư nhà nổi để hướng tới phục vụ khách du lịch trong tương lai.
Gia đình ông Xa Văn Mong, xóm Dưng, xã Hiền Lương (Đà Bắc) cũng phát triển nghề nuôi cá lồng nhiều năm nay, với trên 20 lồng cá. Ông Mong cho biết, gia đình ông nuôi các loại cá rô phi đơn tính, lăng, trắm đen và trắm trắng. Trong thời điểm đầu ra thuận lợi và giá bán ổn định, trừ chi phí, mỗi lồng cá cho thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng/năm (tuỳ loại cá). Mức thu nhập này cao hơn nhiều so với làm lâm nghiệp hay trồng ngô, sắn. Bên cạnh cung cấp cá thương phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, gia đình ông Mong còn bán cho một số điểm du lịch cộng đồng trong xã.
Mặc dù nghề nuôi cá lồng đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định cho gia đình ông Thân, ông Mong và khoảng 2 nghìn hộ ở vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mà nghề nuôi cá lồng đem lại chưa thật sự bền vững, bởi chưa chủ động được đầu ra sản phẩm. Nguyên nhân là do còn thiếu sự liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trước thực tế đó, gần đây đã có những hợp tác xã ra đời và đem lại tín hiệu tốt. Điển hình như Hợp tác xã Đà Giang Eco, từ khi ra đời đã liên kết với hàng chục hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã Tiền Phong (Đà Bắc). Đến nay, thay vì chỉ bán cá tươi nguyên con như trước, hợp tác xã đã có những sản phẩm chế biến chuyên sâu. Đặc biệt trong năm 2023, hợp tác xã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Từ đây các sản phẩm cá nuôi tại xã Tiền Phong đã đến được với nhiều thực khách ở trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cho biết: Những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Ngành thuỷ sản đã không ngừng nỗ lực tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Đồng thời đưa các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để tái cơ cấu ngành thuỷ sản, nâng cao giá trị trên diện tích nuôi trồng như: nuôi cá tầm trong lồng tại xã Hiền Lương (Đà Bắc); nuôi thử nghiệm cá chình bông, cá chạch trong lồng tại thành phố Hoà Bình, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Đến nay, tỉnh ta dần xây dựng được thương hiệu cá, tôm sông Đà, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn nhiệu Cá sông Đà - Hòa Bình, Tôm sông Đà - Hòa Bình; xây dựng được 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngành thuỷ sản tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Theo đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, bên cạnh các loài cá nuôi truyền thống, trong năm 2024, tỉnh sẽ triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá chẽm trong lồng trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình tại các xã Sơn Thủy (Mai Châu), Tiền Phong (Đà Bắc), phường Thái Bình (thành phố Hoà Bình). Qua nuôi thử nghiệm nhằm đánh giá tốc độ sinh trưởng, phát triển, khả năng thích ứng với môi trường, khí hậu tại vùng hồ và hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình.
Viết Đào