Không chỉ được biết đến là dòng sông ánh sáng, sông Đà hiện hữu ngày càng rõ nét trong sứ mệnh mới - vùng lòng hồ của cá, tôm. Cấp ủy, chính quyền, người dân Hòa Bình hôm nay đang "dệt" một giấc mơ mang tên: ngành hàng thủy sản, gửi gắm trong Lễ hội Cá, tôm sông Đà.


Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình. Ảnh: V.L

Lễ hội Cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai, năm 2024 được tổ chức với mục tiêu quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc; giới thiệu hình ảnh ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh nói chung, khu du lịch hồ Hòa Bình, du lịch sinh thái nói riêng. Qua đó góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong, ngoài nước đến với tỉnh.

Trong khuôn khổ Lễ hội có các hoạt động: Lễ cầu ngư và thả hoa đăng trên sông Đà; Diễn đàn khuyến nông @ Nông nghiệp; thi câu cá thể thao; thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Sông Đà lung linh, huyền ảo trong Lễ cầu ngư và thả hoa đăng

Lễ cầu ngư và thả hoa đăng trên sông Đà diễn ra ngày 15/11. Đây là sự kiện mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần, nét đẹp trong văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam cầu cho âm siêu dương thái, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, một năm mùa màng bội thu, đất nước thịnh vượng và tri ân những người có đóng góp trong ngành thuỷ sản... Hoa đăng được thả trên sông Đà vừa mang tính thẩm mỹ, độc đáo, vừa mang giá trị tâm linh trong truyền thống văn hóa. Đồng thời, tạo điểm nhấn giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa và con người Hòa Bình. 

Bà Nguyễn Thị Thành, đến từ Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: Việc tổ chức nghi lễ cầu ngư và thả hoa đăng là việc làm rất nhân văn của Ban Tổ chức Lễ hội, mang ý nghĩa tiếp nối bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc, đa dạng trong không gian văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp

Trước giờ khai mạc Lễ hội Cá, tôm năm nay, một hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái đã diễn ra. Đó là Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp tổ chức. Với chủ đề "Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, các ý kiến tham góp đã chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đề xuất cách thức triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp... đã giúp các địa phương nói chung và Hòa Bình nói riêng định hình rõ nét hơn những việc cần làm trong thời gian tới nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới... 

Trải nghiệm thú vị tại đêm khai mạcLễ hội Cá, tôm sông Đà

Tối 19/11, Lễ hội Cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai, năm 2024 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm tỉnh. Sự có mặt của đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT; các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng hàng ngàn người dân từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt dành cho lễ hội năm nay. Cùng với thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc, màn đấu giá những "thủy quái” lòng hồ sông Đà, du khách còn được thưởng thức các món ăn đa dạng, hấp dẫn, đẹp mắt được chế biến từ cá, tôm trên dòng Đà Giang tại các gian hàng ẩm thực của Cường Thịnh Fish; Hải Đăng Group; HTX Đà Giang Eco... 

Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ nhấn mạnh: Lễ hội Cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu hai nhãn hiệu đặc sản "Tôm sông Đà Hòa Bình” và "Cá sông Đà Hòa Bình”. Từ đó xây dựng hình ảnh thủ phủ cá, tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hoà Bình... 

Cùng gia đình lên Hòa Bình từ chiều 19/11 để đón chờ giờ phút Lễ hội Cá, tôm khai mạc, ông Sầm Ái Tùng, đến từ Lương Sơn chia sẻ: Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng. Chương trình văn nghệ dàn dựng công phu, vừa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, vừa hiện đại theo xu hướng hội nhập. Các gian hàng ẩm thực với nhiều món ăn chế biến từ cá đã níu chân tôi và nhiều du khách trải nghiệm khá lâu. 

Ấn tượng và ý nghĩa nhất đối với khán giả dõi theo đêm khai mạc có lẽ là chương trình đấu giá những "thủy quái” lòng hồ sông Đà. Sau màn rượt đuổi gay cấn, cá tầm thương phẩm trọng lượng 45kg của Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng có giá khởi điểm 20 triệu đồng đã được đấu giá thành công ở mức giá 150 triệu đồng. Cá trắm đen thương phẩm trọng lượng 30 kg của Công ty TNHH Thủy sản và dịch vụ Cường Thịnh cũng có giá khởi điểm 20 triệu đồng và được đấu giá thành công ở mức 105 triệu đồng. 

Theo đại diện hai công ty, toàn bộ số tiền thu được từ phiên đấu giá hai "thủy quái” sẽ được quy đổi thành cá giống, thả xuống hồ Hòa Bình để tái tạo nguồn thủy sản. Đó là cách hành xử đầy văn hóa, xứng đáng với tầm vóc dẫn đầu của những doanh nghiệp được "nuôi dưỡng”, phát triển từ dòng Đà Giang hùng vĩ. 

Vui mừng vì đã đấu giá thành công con cá tầm thương phẩm "khủng”, anh Nguyễn Đình Hiếu, đến từ CLB Câu cá vui của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu chia sẻ: Tôi rất vinh dự vì được thay mặt Công ty đấu giá  một sản phẩm rất ý nghĩa, góp phần tri ân, tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hồ Hòa Bình. Nhân đây, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã tạo cho du khách cơ hội trải nghiệm một lễ hội hấp dẫn, tìm hiểu và khám phá văn hóa - vùng đất - con người nơi đây. 

Hiện thực giấc mơ ngành hàng thủy sản vùng hồ

Phát huy lợi thế về diện tích, độ sâu, chất lượng nước của hồ nhân tạo lớn thứ 4 ở Việt Nam, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020. Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10 cụ thể hóa Nghị quyết số 12 bằng việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020. 

Từ quyết sách đúng đắn, tiềm năng, lợi thế vùng hồ đã được phát huy. Minh chứng là đến thời điểm hiện tại, hồ Hòa Bình có xấp xỉ 5 nghìn lồng nuôi cá, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2015. Có 35 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn; 2 doanh nghiệp đầu tư nuôi hơn 200 lồng theo công nghệ  tiên tiến.

Lễ hội Cá, tôm sông Đà lần thứ hai đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước. Cùng với những kỳ vọng, mong chờ của người dân về một lễ hội cá, tôm lần tiếp theo và những quyết sách đúng hướng của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, chúng ta có quyền tin rằng, giấc mơ về ngành hàng kinh tế mũi nhọn - thủy sản vùng hồ dần được hiện thực.


Minh Vũ

Các tin khác


Huyện Mai Châu: Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 433 tỷ đồng

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Châu, đến hết tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 433,1 tỷ đồng, với 10.784 khách hàng còn dư nợ. Trong 10 tháng, có 2.265 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận vốn chính sách, doanh số cho vay đạt trên 114 tỷ đồng.

“Đòn bẩy” giảm nghèo bền vững từ tín dụng chính sách

Triển khai nhiều chương trình tín dụng, thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất ưu đãi, những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vượt lên khó khăn. Đây là "đòn bẩy” quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhiều cơ hội, thách thức đan xen trong phát triển thương mại điện tử

Ngày 28/10/2024, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ra mắt thử nghiệm sàn thương mại điện tử (TMĐT) Nông sản Bưu điện để giới thiệu các loại nông sản đặc sản vùng miền trong cả nước. Tại buổi ra mắt, những trái cam Cao Phong đã vượt qua nhiều sản phẩm tiêu biểu, được lựa chọn để giới thiệu đến các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Sau khi trải nghiệm, khách hàng có những phản hồi tích cực về những tiện ích sàn giao dịch TMĐT này mang lại, cũng như hương vị đặc trưng thơm, ngọt của trái cam Cao Phong. Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, số lượng cam Cao Phong được tiêu thụ lên tới 5.250 kg. Tiếp sau đó, sản phẩm cam Cao Phong liên tiếp được ghi nhận là một trong những mặt hàng dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ trên sàn TMĐT này.

Từng bước phát triển đa giá trị cây chè

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2024 - 2030. Thực hiện kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương từng bước rà soát diện tích, triển khai đồng bộ các giải pháp. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh ổn định diện tích vùng trồng chè khoảng 1.200 ha.

Giá vàng chạm mức cao nhất hơn một tuần

Giá vàng giao ngay tăng phiên thứ tư liên tiếp trong ngày 21/11, đạt mức cao nhất trong hơn một tuần, do nhu cầu tìm kênh đầu tư an toàn tăng mạnh trước dự báo doanh thu đáng thất vọng của Nvidia và căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh kiểm tra tiến độ dự án xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Long

Ngày 21/11, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ dự án xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Long tại xã Cao Dương (Lương Sơn). 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục