2010 được xem là năm khởi sắc cho xuất khẩu Việt Nam (VN). Tuy nhiên, thách thức đặt ra với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN là làm thế nào để vượt qua hàng loạt rào cản đã được dựng lên từ các thị trường nhập khẩu. PV Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh xoay quanh những vấn đề này.
- PV: Thưa Thứ trưởng, nguyên nhân nào khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN thời gian gần đây bị tranh chấp thương mại và kiện chống bán phá giá?
Thứ trưởng LÊ DANH VĨNH: Theo tôi, thứ nhất, liên tục trong 20 năm qua, kinh tế VN đã phát triển với nhịp độ cao và bền vững. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN đã có sự bứt phá về số lượng lẫn chất lượng, khiến nhiều quốc gia “để mắt” hơn đến hàng hóa của VN. Thứ hai, kinh tế VN đã hội nhập sâu và rộng với thế giới nên việc hàng hóa của chúng ta bị vấp phải hàng rào tự vệ của các nước là điều dễ hiểu. Hội nhập kinh tế, hàng rào thuế quan đã và được dỡ bỏ dần, thay vào đó các quốc gia chỉ còn cách duy nhất là phải dựng lên thật nhiều các hàng rào kỹ thuật trong thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân mà lâu nay chúng ta chưa khắc phục được, đó là việc xuất khẩu quá nhiều và chỉ tập trung vào một số thị trường như Mỹ và EU. Thông thường, khi hàng hóa của VN xuất khẩu vào các thị trường này chiếm khoảng 3% tổng số hàng nhập khẩu, ngay lập tức họ sẽ đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
- Ngoài những biện pháp thường được áp dụng như chống bán phá giá, chống trợ cấp, theo ông, doanh nghiệp (DN) sẽ phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật nào trong thời gian tới?
Như tôi đã nói, các loại rào cản thương mại sẽ ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Bên cạnh các rào cản về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, trợ cấp xuất khẩu với các sản phẩm công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hay dư lượng kháng sinh với hàng nông, thủy sản thì những quy định về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn môi trường cũng sẽ ngày càng nhiều và khó khăn hơn. Ngoài ra, việc một số nước đã thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các bộ luật không ngoài mục đích là hạn chế nhập khẩu, đã làm cho nhiều DN xuất khẩu của VN trở nên lúng túng.
Tại thị trường EU, thách thức lớn nhất của các DN khi thâm nhập vào đây là việc công bố xuất xứ hàng hóa. Lý do chính là vì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN như đồ gỗ, dệt may, da giày đều phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Nếu chúng ta không minh bạch trong việc công bố xuất xứ hàng hóa thì nhiều khả năng sẽ bị vướng vào các vụ kiện tụng. Hậu quả để lại cho các ngành sản xuất bị kiện là vô cùng lớn và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hồi phục.
- Liên quan đến việc Bộ Thương mại Mỹ vừa quyết định sẽ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm móc áo bằng thép nhập khẩu từ VN, Thứ trưởng cho biết quan điểm xử lý của bộ ra sao?
Đây là một vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với các DN Trung Quốc nhưng lại liên quan đến một số DN VN. Phía nguyên đơn cáo buộc 2 công ty của VN (thực chất có vốn đầu tư của Trung Quốc) sản xuất móc treo quần áo bằng thép, với công đoạn gia công ở VN chiếm tỷ lệ rất nhỏ để lấy nguồn gốc xuất xứ tại VN xuất sang Mỹ, lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Mỹ đã áp dụng đối với móc áo bằng thép của Trung Quốc (từ mức 15,83%-187,25% kể từ tháng 10-2008).
Do vậy, đi đôi với việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bên kiên quyết xử lý các vụ chuyển tải bất hợp pháp vào VN càng sớm càng tốt. Để không bị vạ lây từ các vụ kiện chống bán phá giá, các DN VN cần phải tỉnh táo trong việc ký kết hợp đồng gia công với các đối tác. Để hạn chế tình trạng lẩn tránh thuế, bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm việc chuyển tải hàng hóa từ nước thứ 3 sang VN.
- Một vấn đề rất đáng lo ngại, là tại hầu hết các vụ kiện chúng ta luôn ở thế yếu, bị thua kiện. Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân?
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do các DN VN chưa tìm hiểu kỹ các luật lệ và nghiên cứu những rào cản thương mại của thị trường mình xuất khẩu. Nói cách khác, DN VN còn chủ quan, chưa lường trước được những hệ lụy một khi vụ kiện xảy ra. Chưa chủ động được việc gắn kết sức mạnh giữa các DN với DN và DN với hiệp hội ngành hàng. Đây là điểm yếu cần phải khắc phục sớm.
- Theo ông, DN cần phải làm gì để vượt qua các rào cản thương mại?
Trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, để giảm thiểu rủi ro, các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ” như một số ngành hàng hiện nay. Một thói quen rất có lợi cho các DN là trước khi muốn thâm nhập vào một thị trường nào đó, cần tìm hiểu kỹ hệ thống pháp luật của đối tác. Cần tham vấn pháp luật trong mọi trường hợp để đề phòng bất trắc chúng ta sẽ ứng xử nhanh nhằm làm giảm thiệt hại ở mức tối thiểu. DN cần xây dựng tính cộng đồng DN VN cao hơn nữa để tương trợ lẫn nhau.
Đặc biệt, với hệ thống cảnh báo sớm sẽ được vận hành, phần nào hỗ trợ các DN nhận biết được cách phòng vệ trong thương mại. Hơn tất cả, tự thân mỗi DN cần đầu tư để đa dạng và nâng cao chất lượng giúp cạnh tranh tốt hơn thay vì phải cạnh tranh bằng cách hạ giá sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm VN thâm nhập sâu và rộng trên thị trường quốc tế.
Theo SGGP
Trưa 11/8, tại vịnh Việt Thanh, các kỹ sư đã đấu nối thành công đường ống dẫn giữa tàu Poseidon-M với phao rót dầu để bơm 400.000 thùng (65.000 m3) dầu thô đầu tiên được nhập từ nước ngoài về cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Các hộ có mức sống trung bình trở lên cần áp dụng giá điện 1.500 đồng mỗi kWh thay vì 1.058 đồng như hiện tại là kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng
(HBĐT) - Ông Nguyễn Thế Dũng, Trưởng phòng Kiểm soát chi NSNN - Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết: Năm 2010, kế hoạch vốn tổng nguồn vồn NSNN của tỉnh là trên 895 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2010 đã thanh toán được 550,796 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch (chưa tính nguồn vốn trái phiếu Kiên cố hóa trường lớp học). Tình hình giải ngân và thành toán vốn XDCB của tỉnh đến thời điểm này đã được cải thiện nhiều so với những năm trước.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, từ đầu năm đến nay, các phòng chức năng của Sở đã tham gia đoàn kiểm tra về việc chấp hành thực hiện Luật Doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh đối với 56 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo về tình hình xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 10/8, tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong khẳng định: "Không có cơ sở để nói Việt Nam thiếu gạo."
Chiều 10/8, 5.800 mét khối xăng máy bay Jet A1 do nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất đã được Công ty BP Singaapore Pte.Ltd thuộc Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) tiếp nhận để đưa sang tiêu thụ tại Singapore.