Từ chương trình vay vốn NS&VSMT của NHCSXH Cao Phong, nhiều hộ dân ở xã Yên Lập đầu tư xây bể nước phục vụ sinh hoạt.
(HBĐT) - Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Cao Phong đã có nhiều hoạt động tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Những đồng vốn của Ngân hàng đã góp phần biến giấc mơ no ấm của hàng nghìn người dân nghèo thành hiện thực.
Ông Bùi Ngọc Hoà, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã vùng cao Yên Lập tâm sự: Người dân được tập huấn kĩ thuật, nhận thức ngày càng được nâng cao, nhưng không có vốn thì không thể sản xuất. Trong vài năm gần đây, được vay vốn của Ngân hàng CS-XH, họ đã chủ động mua máy cày, máy bơm, mua con giống, cây giống... sản xuất. Cùng với chỉ đạo, định hướng và tuyên truyền của xã, những năm qua, đồng vốn của ngân hàng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, trực tiếp giúp sức giảm nghèo hiệu quả cho địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ cho vay ưu đãi các chương trình vốn đối với các đối tượng là hộ nghèo, các hộ gia đình chính sách khác, trong những năm qua, NHCSXH Cao Phong đã triển khai cho vay hiệu quả các chương trình. Năm 2010, ngay từ khi có nguồn vốn được giao, Ngân hàng đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm triển khai, thực hiện việc giải ngân nhanh chóng và đồng bộ ở các địa phương. Để thực hiện cho vay có hiệu quả, Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội và đoàn thể tổ chức công tác tuyên truyền ở cơ sở. Trong đó, chú trọng kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên nâng cao năng lực quản lý vốn cho các tổ trưởng. Từ đó, các tổ chức hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản đã phát huy tốt vai trò uỷ thác, là cánh tay đắc lực của Ngân hàng trong thực hiện công tác tuyên truyền và quản lý vốn tại cơ sở. Đặc biệt là trong khâu bình xét đối tượng vay vốn, các tổ chức hội tham gia cùng với địa phương bình xét, đảm bảo tính dân chủ, công bằng và đúng đối tượng. Trong triển khai cho vay, Ngân hàng không chỉ đảm bảo đúng quy trình nghiệp vụ của ngân hàng, quan tâm việc tuyên truyền các chính sách đến người dân, chuyển vốn đến tận tay người cần vốn, mà còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng vốn như thế nào để có hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình cho vay, cán bộ ngân hàng còn phối hợp với các tổ chức hội, bám sát điều kiện địa phương và mục đích vay vốn để vừa hướng dẫn, định hướng, vừa kiểm tra quá trình sử dụng vốn. Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, việc tuyên truyền, định hướng giúp bà con sử dụng vốn có hiệu quả càng được chú trọng...
Từ những nguồn vốn của NHCSXH, hàng ngàn hộ nghèo ở Cao Phong đã có điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống. Nói về tác động của đồng vốn do NHCSXH huyện mang lại, Ông Bùi Văn Khểm, 62 tuổi ở xóm Đảy, xã Yên Lập cho biết: Mặc dù lượng vốn mà Ngân hàng cho vay chưa nhiều nhưng là động lực quan trọng giúp gia đình ông vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trước năm 2000, gia đình tôi còn nằm trong diện hộ nghèo, chỉ trông vào mấy sào ruộng, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình tôi mua 1 con bò, đầu tư phát triển kinh tế gia đình trồng mía, chăn nuôi lợn... Đến nay, gia đình ông Khểm đã thoát nghèo, không những trả được nợ cho Ngân hàng mà còn xây dựng được cơ ngơi khang trang. Sau hơn 1 năm, con bò nhà ông đã đẻ được 1 bê con, hiện bò mẹ sắp đẻ lứa thứ hai. Gia đình ông Khểm đã có "của ăn của để" sau khi bò mẹ đẻ. Theo ông Khểm, bây giờ, nông dân xóm Đảy đã khá hơn trước rất nhiều. Họ đã biết tận dụng mọi thời cơ để tranh thủ làm kinh tế. Từ đó, rất nhiều gia đình vượt qua được khó khăn, vươn lên khấm khá.
Giám đốc NHCSXH huyện Cao Phong Phí Công Thành cho biết: Từ khi NHCSXH huyện đi vào hoạt động, người dân đã có chỗ dựa khi được vay vốn sản xuất. Đặc biệt là việc ủy thác từ các tổ chức đoàn thể không chỉ có người nghèo mới được vay vốn, mà ngày càng có nhiều cơ sở kinh tế được vay với số vốn hàng trăm triệu đồng. Chính những đồng vốn của NHCSXH huyện đã tạo động lực giúp người dân ở những địa phương này vươn lên và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Cao Phong xuống còn 13,31%... Đến hết tháng 6/2010, Ngân hàng có tổng nguồn vốn hoạt động là 89.442 triệu đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là 86.057 triệu đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương là 274 triệu đồng (huy động tiết kiệm thông qua tổ vay vốn là 129 triệu đồng). Các tổ chức hội duy trì 188 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả. Hết quí II/2010, doanh số cho vay đạt 20.797 triệu đồng đưa tổng dư nợ cho vay đạt 86.057 triệu đồng đạt 96,4% kế hoạch cho 9.032 lượt hộ nghèo vay, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo là 39.084 triệu đồng đạt 99,9%; dư nợ cho vay hộ SXKD vùng khó khăn là 20.176 triệu đồng đạt 99,9%; dư nợ cho vay học sinh sinh viên là 10.951 triệu đồng đạt 92%; dư nợ nước sạch và vệ sinh môi trường 8.070 triệu đồng đạt 100% kế hoạch.... Như vậy, hết quí II, chỉ tiêu dư nợ đã đạt gần 100% so với kế hoạch tín dụng cả năm 2010. Cùng với cho vay, ngân hàng thường xuyên đốn đốc thu nợ, do đó tỉ lệ nợ quá hạn thấp, chiếm 0,5% trên tổng dự nợ.
Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, NHCSXH Cao Phong tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới cơ chế nghiệp vụ cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách về phương thức sản xuất, mở rộng ngành nghề, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Nửa đầu năm 2010, tình hình tiết giảm điện lên đến mức căng thẳng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Dù vậy, sau thời gian suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển mạnh.
(HBĐT) - Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc cho biết: Thị trấn Mường Khến có diện tích đất tự nhiên là 413 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 76 ha (20 ha diện tích lúa 2 vụ). Mặc dù là trung tâm KT- XH của huyện Tân Lạc, song tỷ trọng nông nghiệp vẫn chiếm ở mức cao.
(HBĐT) - UBND huyện Lạc Thủy vừa tổ chức hội nghị bàn công tác xúc tiến đầu tư năm 2010 và những năm tiếp theo.
Nhiều doanh nghiệp chỉ nhắm đến mục tiêu thu hồi vốn nhanh bằng cách nhập phôi về cán ra thép để bán. Hiện nay, cả nước có rất ít nhà máy luyện phôi và đa phần nguồn nguyên liệu phôi thép phải nhập khẩu; các nhà máy chủ yếu chỉ cán thép, giá thành sản xuất cao. Đây là thực trạng đầy nghịch lý của ngành thép VN và là nguyên nhân của những cơn sốt nóng, lạnh về giá thép nhiều năm qua...
Trung Quốc (TQ) đang là nhà thầu nước ngoài lớn nhất VN - ông Dương Chân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TQ tại VN cho biết như vậy tại Diễn đàn đối thoại với các doanh nghiệp TQ đang hoạt động kinh doanh và đầu tư tại VN, tổ chức tại Hà Nội ngày 16.7.2010. Có thể thấy gì từ vấn đề này?
Nếu có nơi nào chứng kiến sự đổi thay của hàng Việt rõ ràng nhất thì đó chính là các siêu thị. Khác với sự áp đảo của hàng ngoại những ngày đầu siêu thị mở cửa, ngày nay tỉ lệ hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại này đã lên tới 70-95%.