Bộ Tài chính đang dự kiến giảm mạnh thuế nhập khẩu ô tô tải, nhưng gặp phải sự phản ứng gay gắt từ các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước
Ngày 11/10/2010 Bộ Tài chính có công văn số 13590/BTC-STC do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Tuấn Anh ký gửi các Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam lấy ý kiến về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xe tải.
Bộ Tài chính cho biết, đang rà soát lại Biểu thuế xuất nhập khẩu để thực hiện cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết WTO, đồng thời rà soát và sửa đổi các mức thuế chưa hợp lý để đảm bảo khuyến khích sản xuất trong nước, xây dựng mức thuế hợp lý giữa nguyên liệu, vật tư, tư liệu sản xuất với thành phẩm.
Theo Bộ Tài chính, xe tải là tư liệu sản xuất của DN sử dụng để vận chuyển hàng hóa nhưng mức thuế hiện hành với xe tải dưới 10 tấn là tương đối cao (loại dưới 5 tấn hiện có thuế suất thuế nhập khẩu là 80% và từ 6 đến dưới 10 tấn là 54%-55%) trong khi đó việc sản xuất của các Doanh nghiệp trong nước chỉ dừng lại ở mức lắp ráp, những phần chính của ô tô như động cơ, chassis vẫn nhập khẩu. Do vậy Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế với xe tải theo hướng chỉ chênh lệch với bộ linh kiện từ 10%-15%. Đây là mức chênh lệch phù hợp, vừa bảo hộ sản xuất trong nước, vừa không ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào (tư liệu sản xuất của các DN) .
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, thuế suất thuế nhập khẩu xe tải loại dưới 5 tấn sẽ giảm chỉ còn 30% (hiện hành là 80%), từ 5-10 tấn là 25%, (hiện là 54-55%), từ 10- dưới 20 tấn là 25% (hiện hành là 30%), từ 20- dưới 45 tấn là 15% (hiện hành là 8%).
Nhận được thông tin này, ngay lập tức các DN sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước đã có ý kiến. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc
Công ty CP ô tô xuân Kiên Vinaxuki cho biết, đã có công văn gửi các cơ quan chức năng kiến nghị về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xe tải của Bộ Tài chính.
Theo ông Huyên, mức thay đổi thuế theo dự kiến của Bộ Tài chính là quá lớn không phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của DN dẫn đến tình trạng phải đóng cửa, ngừng hoạt động và phá sản là điều sớm xảy ra.
Cụ thể, Công ty CP ô tô xuân Kiên Vinaxuki bắt đầu sản xuất lắp ráp ô tô vào năm 2004 đến nay được 6 năm. Trong 6 năm qua công ty liên tục đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất. Từ mức vốn đầu tư ban đầu là 300 tỷ đồng, nay đã nâng lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Tăng dần tỉ lệ nội địa hoá từ 15% lên 40% cho riêng từng model xe . Hiện công ty đã đầu tư xong dây chuyền khuôn mẫu, chế tạo, dập ép thân vỏ xe với công nghệ cao và hiện đại để đến năm 2013 đạt tỉ lệ nội địa hoá 50% theo cam kết với Chính phủ.
Nếu Bộ Tài chính bất ngờ hạ ngay thuế nhập khẩu ô tô tải nguyên chiếc xuống thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tích cực đầu tư mạnh vào nội địa hoá phụ tùng ô tô theo cam kết của DN với Chính phủ, đi ngược lại với Chiến lược phát triển ô tô mà Chính phủ đã phê duyệt. Nặng nề hơn nữa là sẽ “bóp chết” nền công nghiệp sản xuất ô tô trong nước gây đến tình trạng phá sản hàng loạt Công ty ô tô, thất nghiệp hàng chục nghìn lao động của các nhà máy ô tô và các nhà máy sản xuất phụ trợ. Việt Nam sẽ trở thành đất nước không có nền công nghiệp ô tô và là quốc gia nhập khẩu, nhập siêu ô tô. Hơn nữa số thuế thu được từ nhập khẩu ô tô nguyên chiếc còn thấp hơn các loại thuế thu được từ các công ty sản xuất ô tô và phụ trợ trong nước.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, Chính phủ và Bộ Tài chính đang khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước hạn chế nhập khẩu nhằm tiết kiệm ngoại tệ đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động. Nếu áp dụng mức thuế mới như trên là không hợp lý và tốc độ hạ thuế lớn, nhanh và đột ngột trước thời gian thực hiện cam kết hội nhập tới 7 năm là không thể ngờ tới, nằm ngoài sự tính toán và chuẩn bị của DN theo cam kết hội nhập quốc tế của Chính phủ.
Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải cũng cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc một cách đột ngột, mức giảm lớn nhắm vào các xe có tải trọng nhỏ là không ủng hộ cho sản xuất trong nước.
Các DN ô tô trong nước chủ yếu đang sản xuất lắp ráp các xe tải từ 20 tấn trở xuống và đang trong quá trình đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, (tỷ lệ nội địa hóa với nhiều mẫu xe tải đã đạt được mức 40%) công việc này không thể diễn ra nhanh mà cần có thời gian. Theo lộ trình cam kết ASEAN đến 2018 mới đưa thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% như thế vốn đã hết sức khó khăn với các DN Việt Nam vậy mà không hiểu vì lý do gì Bộ Tài chính lại muốn đẩy nhanh thời gian này lên bằng cách giảm thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc?
Nếu giảm thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc (theo dự kiến của Bộ Tài chính), chắc chắn Chiến lược công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ bị tác động mạnh. Các DN ô tô sẽ bị phá sản hàng loạt, mất hết tất cả công sức và vốn liếng đã đầu tư, mọi kế hoạch trở nên dở dang, Việt Nam tự xóa sổ ngành công nghiệp ô tô non trẻ vừa mới bắt đầu phát triển của mình và tương lai tất yếu hoàn toàn phải nhập khẩu xe.
Các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải... đang có ý kiến phản hồi.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu mức thuế dự kiến của Bộ Tài chính thành hiện thực sẽ gây tác động xấu đến hoạt động lắp ráp, sản xuất xe tải trong nước. Chỉ cần các DN nhập khẩu khai giá nhập xe thấp hơn giá gốc khoảng 10% (mà hiện tượng này đang diễn ra trong hoạt động nhập khẩu ô tô) thì giá xe nhập khẩu nguyên chiếc bán ra có khi ngang bằng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, vậy thì ai còn muốn đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hóa làm gì bởi xe trong nước không cạnh tranh được với xe nhập khẩu.
Bên cạnh đó Bộ Tài chính có đưa ra số liệu thống kê 8 tháng đầu năm 2010 số xe tải nhập khẩu là 9.109 chiếc với giá trị 219,4 triệu USD chủ yếu là xe trên 20 tấn và cho rằng như vậy giá trị không lớn nên việc giảm thuế nhập khẩu cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách. Nhưng qua con số đó cũng chứng tỏ xe tải có tải trọng dưới 20 tấn trong nước đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu, nay lại giảm thuế để cho xe nhập tràn vào sẽ đặt sản xuất trong nước trước nguy cơ bị phá sản và vô tình khuyến khích nhập siêu.
Theo VietNamnet
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu năm 2011 từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, thực hiện phụ cấp công vụ 10%, phụ cấp thâm niêm đối với nhà giáo.
“Năng Lực Lãnh Đạo Quyết Định Tất Cả” - đó là tên chương trình huấn luyện về kỹ năng lãnh đạo sắp diễn ra tại TP.HCM (30/11/2010) và Hà Nội (03/12/2010) nhằm mục đích giúp các nhà quản lý tại Việt Nam sẵn sàng trong việc xây dựng một đội ngũ kế cận, tránh tình trạng doanh nghiệp rơi vào thế bị động về mặt nhân sự sau thời kỳ khủng hoảng.
(HBĐT) - Dù cận kề với thủ đô Hà Nội, nhưng hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh chưa đồng bộ. Toàn tỉnh có gần 4.500 km, trong đó có 5 tuyến QL khoảng 250 km, 21 tuyến đường tỉnh gần 400 km và đường vùng khó khăn gần 109 km; đường nội thị 92 km; 70 tuyến đường huyện dài 740 km, đường liên xã có 206 tuyến dài 2.758 km.
(HBĐT) - Huyện Cao Phong được chia tách từ huyện Kỳ Sơn năm 2001. Ngay sau khi được thành lập, huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuyên canh, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, cây công nghiệp, cây ăn quả…
(HBĐT) - 9 tháng năm 2010, công tác huy động vốn trên địa bàn huyện Đà Bắc đạt 42,4 tỉ đồng. Doanh số cho vay đạt 121,9 tỉ đồng, doanh số thu nợ 100,2 tỉ đồng, tổng dư nợ 215,1 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay theo cơ chế hỗ trợ lãi suất của Chính phủ 22 tỉ đồng, chiếm 20,4%.
Ngày 19-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Trong đó, WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối mạnh mẽ, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.