Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình thực hiện cánh đồng mẫu lớn trồng bí xanh trên địa bàn xã Bảo Hiệu.
(HBĐT) - Ngày 10/2, Sở NN&PTNT đã tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy lợi tại các huyện, thành phố.
* Tại huyện Yên Thủy, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Văn Tứ, TVTU, Giám đốc Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã Bảo Hiệu, Phú Lai, Ngọc Lương, Yên Lạc, Yên Trị. Đến ngày 10/2, toàn huyện đã gieo trồng được 4.673,5 ha, bằng 62,86% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa đã cấy 397,2 ha, lạc 1.550,4 ha, sắn 565,3 ha, ngô 750,5 ha... Để gieo trồng hết diện tích vụ chiêm xuân trong khung thời vụ tốt nhất, từ nay đến 15/3 toàn huyện sẽ gieo trồng khoảng 2.760 ha. Thời gian qua thời tiết khô hanh kéo dài khiến lượng nước tại một số hồ chứa đã cạn kiệt không còn nguồn để bơm tưới, một số diện tích do khô hạn không thể làm đất được. Nếu trong tháng 2 trời tiếp tục khô hạn thì cần có phương án hỗ trợ để nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác.
Làm việc với đoàn công tác, lãnh đạo huyện Yên Thuỷ đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó, đề nghị tỉnh sớm triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; tiếp tục quan tâm chỉ đạo mô hình trình diễn sản xuất rau nguồn vốn hỗ trợ của Hàn Quốc; tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi để khắc phục tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện...
Đoàn công tác đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực của huyện Yên Thuỷ trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trong sản xuất vụ chiêm xuân 2014 nói riêng. Đồng thời đề nghị huyện Yên Thuỷ phát huy kết quả đạt được và tiếp tục có những giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn diện của ngành NN&PTNT.
* Tại Đà Bắc, đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT làm trường đoàn. Năm 2014, theo kế hoạch huyện gieo trồng tổng diện tích 8.406 ha, trong đó gieo cấy lúa 920 ha. Huyện đã làm đất 100% diện tích và gieo 50 tấn mạ, trong đó lúa lai 15 tấn, lúa thuần 35 tấn, chủ lực là các giống nhị ưu 838, nhị ưu 63, BC 15, Q5. Diện tích lúa đã cấy 130 ha. Hiện nay, do điều kiện thời tiết chưa có mưa nên tiến độ trồng màu đặc biệt là cây ngô và các cây trồng khác chậm hơn cùng kỳ năm 2013. Khả năng diện tích lúa bị hạn khoảng 100 ha, huyện chỉ đạo chuyển 30 ha sang trồng màu; diện tích màu bị hạn khoảng 250 ha. Dự kiến toàn huyện kết thúc cấy lúa nước trong tháng 2.
Trên địa bàn huyện chưa xảy ra hiện tượng trâu, bò bị chết đói, rét. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ổn định.
Về kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM, 19 xã đã hoàn thành đề án xây dựng NTM được UBND huyện phê duyệt. Qua đánh giá, trên địa bàn huyện có 2 xã đạt 11-14 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí, có 3 xã đạt từ 8-9 tiêu chí và 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
*Vụ xuân 2014, TP Hoà Bình có kế hoạch gieo trồng 1.150 ha, trong đó làm đất cấy lúa 500 ha, lượng mạ đã gieo 26,6 tấn, trong đó lúa lai 8,1 tấn, lúa thuần 18,4 tấn, các giống lúa địa phương 0,1 tấn. Diện tích lúa đã cấy 250 ha, đạt 50% diện tích. Cây màu vụ đông đã thu hoạch đạt 97%. Diện tích lúa bị hạn dự kiến khoảng 178 ha ở các xã Dân Chủ, Hoà Bình, Yên Mông, Sủ Ngòi. Diện tích lúa không đảm bảo nước phải chuyển sang trồng cây màu khác 5 ha ở xã Yên Mông. Khả năng diện tích màu bị hạn khoảng 63 ha. Trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm; công tác phòng chống đói rét được chủ động thực hiện. Về thực hiện chương trình NTM, đã hoàn thành đề án NTM TPHB giai đoạn 2011-2020. Có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã đạt 11-14 tiêu chí, 2 xã đạt 8-9 tiêu chí và 2 xã đạt từ 5-7 tiêu chí.
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Trung Minh, TPHB.
*Vụ xuân 2014, huyện Cao Phong có kế hoạch gieo trồng 4.900 ha, trong đó cây lúa 500 ha, đã làm đất được 380,5 ha, lượng mạ gieo 23,85 tấn. Tình hình cung ứng giống lúa, ngô và các loại cây trồng khác trên địa bàn đáp ứng phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân 2014. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở đôn đốc nông dân thực hiện theo kế hoạch. Về chăn nuôi thú y, huyện đã phân công cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND xã, thị trấn bám sát cơ sở, đôn đốc nông dân tăng cường thực hiện công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, số trâu, bò già yếu và bê nghé bị chết rét đến nay là 4 con. Khả năng diện tích lúa bị hạn khoảng 50 ha; diện tích lúa không đảm bảo nước tưới chủ động chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn là 120 ha. Hiện bà con nông dân toàn huyện đang tích cực bám đồng, làm lại đất, bón phân hữu cơ cho ruộng, chủ động nước, chuẩn bị lượng giống dự phòng và sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành hoàn thành việc gieo cấy trong tháng 2.
*Tại huyện Lương Sơn, toàn huyện đã làm đất được 1.886 ha, đạt 92% kế hoạch; mạ đã gieo 80 tấn, 100% diện tích mạ gieo được che phủ nilon đảm bảo kỹ thuật nên mạ phát triển tốt, đủ mạ gieo cấy hết diện tích kế hoạch. Diện tích lúa đã cấy 510 ha, đạt 25% kế hoạch. Diện tích cây màu vụ xuân theo kế hoạch là 2.490 ha, hiện nay đã làm đất được khoảng 30% diện tích và chuẩn bị giống, vật tư để cấy trong tháng 2/2014. Công tác kiểm dịch động vật ở các chốt và kiểm soát giết mổ tại các chợ được duy trì. Trên địa bàn huyện không có dịch bệnh xảy ra, không có trâu, bò chết do đói rét...
*Tại huyện Kim Bôi, đồng chí Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN làm trưởng đoàn. Đến nay, huyện đã hoàn thành giải phóng đất sau thu hoạch cây trồng vụ đông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn hán nên tiến độ sản xuất vụ chiêm - xuân còn chậm. Giống cung ứng đảm bảo đủ cho sản xuất, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, thời vụ gieo mạ trong khung kế hoạch. UBND huyện đã tổ chức hội nghị kiểm điểm vùng ngay sau Tết Nguyên đán với nhiệm vụ trọng tâm triển khai chỉ đạo sản xuất. Kết quả báo cáo nhanh từ cơ sở, toàn huyện đã làm đất cấy lúa đạt trên 70% tổng diện tích, gieo gần 155 tấn mạ, 80% cơ cấu giống lúa thuần. Hiện, lượng mạ đảm bảo đủ gieo cấy, không có mạ chết rét, đã triển khai cấy đạt hơn 28% trong tổng số 2.533 ha diện tích theo kế hoạch. Khó khăn lớn nhất được cơ sở phản ảnh là mực nước ở các hồ đập thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, tổng hợp diện tích hạn đến ngày 10/2 đã lên tới gần 500 ha. Nhiều khả năng trong thời gian tới diện tích lúa sau cấy và diện tích màu sẽ bị hạn hán. Trước nguy cơ hạn hán xảy ra, UBND huyện vừa có quyết định hỗ trợ ngân sách chống hạn, đồng thời tập trung chỉ đạo chuyển diện tích cấy thiếu nước sang trồng màu.
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra hệ thống hồ đập thủy lợi đảm bảo nước tưới tại xã Nam Thượng (Kim Bôi).
Sau kiểm tra thực tế các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn xã Nam Thượng, đoàn công tác đã lưu ý các ngành chuyên môn của huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục, tập trung quản lý chặt chẽ nguồn nước, có kế hoạch điều tiết nguồn nước và huy động nguồn lực chống hạn. Chủ động chuyển diện tích thiếu nước, cấy lúa không ăn chắc sang trồng các cây trồng cạn. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo cơ sở đẩy nhanh tiến độ cấy, phấn đấu hoàn thành cấy lúa vụ chiêm – xuân trước ngày 25/2 theo khung thời vụ, trong đó diện tích trà muộn gần 80%.
* Tại huyện Lạc Thủy, với trên 4.500 ha tổng diện tích cây trồng, trong đó có 1.400 ha đất lúa, huyện đã tích cực chỉ đạo sản xuất, triển khai cấy nhanh, cấy sớm kịp thời vụ. Đến thời điểm này, nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn đã cấy 60% tổng diện tích, gieo trồng 10% tổng diện tích cây màu các loại. Các cơ quan chuyên môn, kỹ thuật đã được tăng cường về cơ sở nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn hoàn thành cấy lúa trước ngày 25/2, trồng xong các cây màu trước tháng 3. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, đã chuẩn bị đủ lượng cây giống, hiện trường phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2014.
Kiểm tra thực tế các xã Lạc Long, Phú Lão, Thanh Nông, đoàn đánh giá cao công tác chỉ đạo sản xuất của huyện và có một số lưu ý trong thời gian tới, bên cạnh đảm bảo tiến độ cấy, gieo trồng, nông dân cần tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân để lúa có phát triển tốt, phòng, kháng sâu bệnh; đẩy mạnh công tác tiêm phòng vụ xuân hè và duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
(HBĐT) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thời qua, nhiều hội viên nông dân xã Tân Vinh (Lương Sơn) đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây hoa hồng và ban đầu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
(HBĐT) - Lần đầu tiên, ông Hà Văn Hưng ở xóm Bái, xã Nam Sơn (Tân Lạc) được cầm món tiền lớn nhất trong đời. Ấy là những tháng đầu năm 2014 khi vụ thu hoạch quýt ngọt vừa kết thúc. Với thu nhập tới vài trăm triệu đồng từ mùa quýt bội thu, ông mừng mừng, tủi tủi bởi sau bao năm tháng vất vả gây dựng, vùng đất sỏi đá, cằn cỗi này đã không phụ công người làm nên mùa quả ngọt.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm 2013, công việc giải ngân, quyết toán, kiểm tra nội bộ... hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu chặng nước rút của cán bộ NHCSXH huyện vùng cao Đà Bắc thật bộn bề. Theo lịch hẹn, chúng tôi có dịp được cùng các cán bộ tín dụng làm cuộc hành trình tới những bản làng vùng cao đã cho chúng tôi thêm những cảm nhận về những cán bộ tín dụng vùng cao tận tuỵ và trách nhiệm để đưa vốn ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người thụ hưởng. Tôi chợt nhớ tới ca từ trong ca khúc “Em đi làm tín dụng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “Ơ..., sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường/Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng,.../Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ...”.
(HBĐT) - Đó là ghi nhận của chúng tôi qua khảo sát thị trường các chợ trên địa bàn thành phố Hòa Bình những ngày sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Khác với bằng giờ này mọi năm, thay vì tình trạng giá cả tăng vọt, thực phẩm, rau xanh và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu xu hướng không tăng, thậm chí giảm nhẹ.
(HBĐT) - Xã vùng hồ Hiền Lương (Đà Bắc) đang đổi thay, người Hiền Lương đang từng bước đổi mới tư duy, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản là bước đột phá trong phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Trong những năm qua, nhờ chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nên công tác XĐ-GN ở huyện Kim Bôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.