Nông dân xóm Vố, xã Hữu Lợi (Yên Thủy) thu hoạch bí xanh, năng suất bình quân 19,5 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
(HBĐT) - Giữa tháng 5 là thời điểm nông dân huyện Yên Thủy tập trung thu hoạch bí xanh vụ xuân năm 2014. Đây là loại cây có nhiều ưu điểm và đang dần khẳng định được hiệu quả kinh tế khá nổi bật. Ước tính nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất bình quân của bí xanh có thể đạt 25-30 tấn/ha, đầu tư thâm canh 2 vụ/năm sẽ cho lãi sau đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha, thâm canh 3 vụ/năm có thể thu về số lãi khoảng 160 triệu đồng/ha.
Vụ xuân năm nay, toàn huyện Yên Thủy trồng khoảng 330 ha bí xanh, tăng 25% so với kế hoạch, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2013. Bí xanh hiện chiếm gần 50% diện tích các loại rau trên địa bàn huyện, được xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các xã Phú Lai, Bảo Hiệu, Đoàn Kết, Hữu Lợi… Đây là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện lại có nhiều ưu điểm như có thể trồng 3 vụ/năm, dễ bảo quản sau thu hoạch và trong quá trình vận chuyển, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Ước tính với năng suất bình quân 25-30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng bí xanh sẽ có thể thu về số lãi khoảng 100 triệu đồng mỗi ha thâm canh 2 vụ/năm và thu về số lãi khoảng 160 triệu đồng cho mỗi ha thâm canh 3 vụ/năm. Đây là hiệu quả kinh tế cao nổi bật so với một số loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, lạc, sắn.
Ruộng bí xanh của hộ gia đình anh Đinh Văn Ngoan (xóm Vố, xã Hữu Lợi) đang trong kỳ thu hoạch rộ. So với vụ xuân năm ngoái, năng suất bí vụ này kém hơn, bình quân chỉ đạt 700-800 kg/sào (tương đương 19-20 tấn/ha) thay vì trên 1 tấn/sào như các vụ trước. Không chỉ riêng ruộng nhà anh Ngoan, các ruộng khác thuộc xứ đồng xóm Vố đều có chung mức năng suất như vậy do chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Bà con nông dân nơi đây cho biết: Điều kiện thời tiết vụ xuân năm nay rất khắc nghiệt đối với sản xuất bí xanh. Trong tháng 1, thời tiết tương đối thuận lợi cho giai đoạn ươm cây con trong bầu nên cây sinh trưởng tốt, đảm bảo chất lượng khi bỏ bầu. Tuy nhiên, khoảng đầu đến trung tuần tháng 2 là giai đoạn trồng cây con ra ruộng, thời tiết rét đậm kéo dài kèm theo mưa phùn và sương muối, có thời điểm nhiệt độ xuống dưới 50C đã làm cho cây bí ngừng sinh trưởng hoàn toàn, thậm chí có không ít diện tích bí mới trồng bị chết rét phải trồng lại. Sau đó, từ cuối tháng 2 - 4, thời tiết âm u, thiếu ánh sáng, thường xuyên xuất hiện mưa nên ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, cây bị kéo dài thời gian sinh trưởng, tỷ lệ đậu quả thấp do không thụ được phấn. Hậu quả tất yếu là năng suất bí xanh vụ này đạt thấp so với các vụ sản xuất trước đó.
Theo đánh giá của phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy, với năng suất vụ này khoảng 19,5 tấn/ha (chỉ bằng 45-50% so với vụ xuân các năm trước), giá bán trên thị trường hiện nay 4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 50 triệu đồng/ha), mỗi ha canh tác bí xanh cho thu số lãi khoảng 28 triệu đồng. Như vậy, mặc dù cây bí xanh vụ này đạt năng suất thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại vẫn cao hơn hẳn so với những cây trồng truyền thống của địa phương như lúa, ngô, lạc… Người trồng bí xanh vẫn có lãi trong bối cảnh mất mùa, giá thị trường tương đối ổn định.
Đồng chí Bùi Huyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy nhìn nhận: Với lợi thế so sánh khá nổi bật, vài năm lại đây, cây bí xanh đã khẳng định được vị trí nhất định trong cơ cấu cây trồng của huyện, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó, chủ lực là cây bí xanh. Trên thực tế, nhiều hộ nông dân đã lựa chọn trồng bí xanh để nâng cao giá trị gia tăng cho một đơn vị diện tích đất nông nghiệp nhưng nhìn chung, việc trồng bí xanh còn tự phát, manh mún, chưa hình thành được các vùng chuyên canh cũng như chưa có sự liên kết hiệu quả trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, UBND huyện Yên Thủy định hướng sẽ xây dựng và phát triển vùng sản xuất bí xanh theo hướng tập trung, liên kết sản xuất hàng hóa theo quy trình thống nhất, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đây là một hướng đi có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, góp phần tích cực nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống cho người nông dân.
T.T
Lĩnh Vực Kế Hoạch và Đầu tư
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Nhà nước, Chính phủ tiếp tục có cơ chế hỗ trợ phát triển cho các xã vùng 2, vùng khó khăn, các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng KT-XH còn chưa phát triển bền vững.
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ GT-VT giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua các huyện của tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Xác định xây dựng NTM là mục tiêu quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển KT-XH, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ về đích trong chương trình xây dựng NTM.
(HBĐT) - Trên 90 ha đất sản xuất nông nghiệp (SXNN) của 179 hộ dân đã được dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) thành công. Đó là kết quả đầy thuyết phục mà UBND huyện Yên Thủy đã đạt được sau gần 1 năm tích cực triển khai thí điểm việc DĐĐT đất SXNN trên địa bàn hai xã Ngọc Lương và Yên Trị. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra giúp Yên Thủy cũng như các địa phương khác trong tỉnh tiếp tục thực hiện thành công quá trình DĐĐT - vốn được xem là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả SXNN và tạo “cú hích” mạnh mẽ cho xây dựng NTM.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, mặc dù các ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn liên tục trong tình trạng dư thừa nguồn cung nhưng dư nợ tín dụng vẫn đạt thấp, khoảng 1%. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2013, dư nợ tín dụng trên toàn tỉnh cho thấy phần nào cho thấy tín hiệu khởi sắc hơn.
(HBĐT) - Hết tháng 4, huyện Cao Phong thực hiện thu thuế ước đạt 3.890 triệu đồng, đạt 39% so với dự toán pháp lệnh, 37% so với dự toán phấn đấu, 33% so với dự toán HĐND huyện giao và bằng 133% so với cùng kỳ. Trên địa bàn hiện có 42 doanh nghiệp đăng ký mã số thuế nhưng chỉ có 23 doanh nghiệp nộp tờ khai thường xuyên. Ngoài thị trấn Cao Phong, số hộ buôn bán, kinh doanh ở khu vực các xã hầu hết nhỏ lẻ, không đáng kể. Bên cạnh một số khó khăn trên, công tác thu thuế cũng có những thuận lợi nhờ quá trình giao dự toán thu sát thực tế, triển khai việc quy hoạch quỹ đất của huyện kịp thời.