Gia đình chị Quách Thị Thuỷ, thôn Rị, xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) có thu nhập cao sau khi tham gia Dự án “Phát triển vùng cây có múi và cải tạo vườn tạp”.
(HBĐT) - Trung tuần tháng 12 chúng tôi về Lạc Thuỷ đúng vào dịp mùa cam Canh chín rộ. Đến những vườn cam ở Liên Hòa, Phú Thành, Lạc Long, Hưng Thi mọi người đều trầm trồ khi được ngắm nhìn những chùm quả sai trĩu, vàng óng, căng mọng. Những chủ vườn đều tỏ ra mãn nguyện vì vụ cam năm nay vừa được mùa, được giá.
Cách đây chưa đầy 1 tháng, cam lòng vàng Lạc Thuỷ chín đến đâu tư thương mua hết đến đó, giá bán tại vườn bình quân 30.000 đồng /kg. Toàn bộ diện tích cam Canh cũng được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt trước từ đầu vụ với giá bán tại vườn từ 55.000 - 60.000 đồng /kg. Ông Đặng Văn Bình, chủ vườn cam ở thôn Đồng Muống (Liên Hòa) phấn khởi cho biết: Gia đình tôi hiện có 7 ha trồng cam. Năm nay, sản lượng thu hoạch khoảng 40 tấn cam lòng vàng và 60 tấn cam Canh với doanh thu ước khoảng 4, 8 tỷ đồng. Từ hiệu quả sau 8 năm phát triển vườn cam ở Liên Hòa, gia đình tôi đầu tư tiếp 18 ha sang xã Hưng Thi và tiếp tục khảo sát để mở rộng thêm diện tích sang địa bàn huyện Lạc Sơn.
Cùng chung niềm vui như gia đình anh Bình, chị Quách Thị Thuỷ ở thôn Rị, xã Phú Thành chia sẻ: “Vườn nhà tôi rộng khoảng 5.000 m2, trước đây trồng mai, mơ, hồng thu nhập bấp bênh. Được lựa chọn tham gia Dự án phát triển vùng cây có múi, xóa bỏ vườn tạp của huyện, từ năm 2006, gia đình đã cải tạo lại vườn và trồng 200 cây cam Canh, 50 cây bưởi Diễn. Quá trình thực hiện, các gia đình tham gia dự án được huyện hỗ trợ phân bón, cây giống và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng - chống dịch bệnh nên rất thuận lợi. Từ khi cho thu hoạch, bình quân mỗi năm 200 cây cam Canh có sản lượng từ 5- 6 tấn. 50 cây bưởi Diễn, bình quân mỗi cây 50 quả, giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng /quả. Từ năng suất, hiệu quả của việc trồng cam, bưởi gia đình tôi quyết định liên kết với một số hộ khác trong xã để phát triển thêm 6 ha nữa. Quả thực, trồng cam, bưởi không chỉ xóa đói, giảm nghèo bền vững mà thực sự có thể làm giàu ngay trên vùng đất quê mình”.
Huyện Lạc Thuỷ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và 2 huyện Yên Thuỷ, Kim Bôi. Trên địa bàn có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thuỷ khá thuận lợi với dân số trên 61.000 người, trong đó, trên 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, trực tiếp sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, khoai, sắn... nên đời sống của người dân gặp không ít khó khăn.
Trước thực tế đó, nhờ sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, năm 2006, phòng NN &PTNT huyện được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai dự án “Phát triển vùng cây có múi và cải tạo vườn tạp” trên địa bàn huyện giai đoạn 2006-2010. Theo đó, dự án lựa chọn các xã Phú Thành, Hưng Thi, Liên Hòa để xây dựng mô hình điểm với cây trồng chính là cam lòng vàng và cam Canh. Trong đó, các hộ có 5.000 m2 đất vườn trở lên được chọn để xây dựng mô hình với mức hỗ trợ 4, 6 tạ phân bón và 600 cây giống/ha, tương ứng với 20 triệu đồng /ha. Sau 5 năm triển khai, toàn huyện đã phát triển được 220 ha cam, trong đó tập trung ở Liên Hòa 35,7 ha, Phú Thành 26,5 ha, Hưng Thi 34, 5 ha. Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Phó trưởng phòng NN &PTNT Lạc Thuỷ cho biết: Việc chỉ đạo xây dựng Dự án “Phát triển vùng cây có múi và cải tạo vườn tạp” là bước đi mạnh dạn và đúng hướng của Huyện uỷ, UBND huyện. Từ khi cho thu hoạch đến nay, năng suất, sản lượng, chất lượng cam trên địa bàn huyện luôn ổn định. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm hết sức thuận lợi do khách hàng trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng tại vườn ngay từ đầu vụ. Trước kết quả đã đạt được, năm 2014, huyện tiếp tục trích kinh phí hỗ trợ các hộ dân 2 xã Hưng Thi, Liên Hòa triển khai 13 bưởi đỏ, bưởi da xanh, 45,4 ha bưởi Diễn và 7 ha nhãn chín muộn. Từ hiệu quả của dự án, nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn trong huyện đã tự đầu tư xoá bỏ vườn tạp, mở rộng diện tích cây có múi để nâng cao thu nhập.
“Phát triển vùng cây có múi và cải tạo vườn tạp” của huyện Lạc Thuỷ thực sự là dự án của ý Đảng, lòng dân, qua đó đã góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của huyện bình quân đạt 10,9%, với tỷ trọng GDP chiếm tới 64,1%. Nhiều cây trồng mới, quy trình canh tác tiên tiến được nông dân ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong sản xuất đã từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Đức Phượng
(HBĐT) - Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lần đầu vượt ngưỡng 100 triệu USD. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu lần nữa tăng tốc ngoạn mục với giá trị vượt mốc 150 triệu USD, tăng 42,45% so với năm trước. Những con số biết nói này đã khẳng định hoạt động xuất khẩu đang có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
(HBĐT) - Năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh ta thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây thực chất là quá trình tạo ra sự thay đổi trong từng lĩnh vực của ngành nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Căn cứ kế hoạch hành động đã được UBND tỉnh ban hành, các địa phương tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa (SXHH), từ đó củng cố nội lực để đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
(HBĐT) - Những xã vùng cao của huyện Tân Lạc trước đây hạ tầng cơ sở thiếu thốn, điều kiện sản xuất, trình độ thâm canh không thuận lợi, các mặt văn hóa, y tế, giáo dục chưa tiến kịp so với các xã vùng thấp... Tuy nhiên giờ đây, những khó khăn đã từng bước được đẩy lùi, người dân vùng cao đang chung sức xây dựng cuộc sống mới ngày càng no ấm, giàu đẹp.
(HBĐT) - Yên Thủy là vùng đất vừa xa, vừa “khó” của tỉnh, tỷ trọng nông nghiệp còn cao, chiếm xấp xỉ 40%, có hơn 80% dân số là nông dân, sản xuất và cuộc sống người dân phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trong khi đó, vùng đất này không được thiên nhiên ưu đãi, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, cùng với đó là hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi còn thấp kém đã ảnh hướng lớn đến sự phát triển KT -XH. Vượt lên những khó khăn khách quan, huyện Yên Thủy cụ thể hóa các nghị quyết thành các chương trình hành động cụ thể đến tận cơ sở để tổ chức thực hiện, tạo được bước tiến khả quan trong công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống dân sinh, nhất là ở vùng khó khăn.
(HBĐT) - Ngày 30/12, Sở KH – ĐT tổ chức hội nghị báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Giảm nghèo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2 khoản vay bổ sung (2015 – 2018).
(HBĐT) - Theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 giảm 0,05% so với tháng trước. Trong số 11 nhóm hàng hóa có 2 nhóm chỉ số giảm, gồm: nhà ở - điện nước - chất đốt – vật liệu xây dựng, giảm 0,18% do tác động giảm giá gas và dầu hỏa; giao thông giảm 3,34% do giá xăng, dầu trong tháng được Nhà nước điều chỉnh. 9 nhóm còn lại có chỉ số ở mức tăng nhẹ.