Hồ Hòa Bình là 1 trong 12 điểm nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia, được xác định là điểm nhấn phát triển du lịch Hòa Bình.
(HBĐT) - Hòa Bình được xem là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Thời gian gần đây, tỉnh đã có những định hướng, giải pháp cụ thể để khai thác tài nguyên du lịch. Phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Du lịch tỉnh về một số giải pháp trọng tâm khai thác tiềm năng phát triển du lịch Hòa Bình. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
PV: Xin đồng chí cho biết đôi nét về tiềm năng du lịch Hòa Bình?
Đồng chí Nguyễn Văn Chương: Hòa Bình là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, là vùng đất cổ quê hương của nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng thế giới - nền Văn hóa Hòa Bình cách đây hàng chục vạn năm. Là vùng đất chung sống của 6 dân tộc chính Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông. Mỗi dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ đậm đà bản sắc cùng những lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc rất riêng của Hòa Bình giữa núi rừng Tây Bắc. Hòa Bình có bề dày lịch sử với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và được thiên nhiên ưu đãi, với địa hình nhiều sông, núi, hồ thiên nhiên hùng vĩ đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 296 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý, bảo vệ, trong đó có hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình”, 46 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh đang được tu bổ, tôn tạo, từng bước phát huy giá trị. Điều kiện địa lý, thiên nhiên, văn hóa và con người Hòa Bình là những tài nguyên để tỉnh phát triển du lịch mang những nét đặc sắc riêng biệt. Bản Lác Mai Châu được đánh giá là 1 trong 10 điểm du lịch thú vị nhất thế giới. Hồ Hòa Bình là 1/12 điểm nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia. Với những tài nguyên đó, Hòa Bình đang thu hút các nhà đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng ngày càng hấp dẫn du khách.
PV: Để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Xin đồng chí cho biết những nội dung chính trong bản quy hoạch này?
Đồng chí Nguyễn Văn Chương: Tỉnh xác định phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Để hiện thực hóa chủ trương này, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Quy hoạch có quan điểm chung là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình phù hợp với Chiến lược phát triển KT -XH và du lịch cả nước, phù hợp với quy hoạch phát triển KT -XH của tỉnh và các ngành kinh tế khác. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020, du lịch tỉnh tiếp tục giữ vững là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 có được hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình, thân thiện với môi trường; đưa Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và cả nước. Quy hoạch cũng đưa ra các chỉ tiêu phát triển cơ bản: Năm 2020, đón 3.327 ngàn lượt khách, năm 2030 đón 7.292 ngàn lượt khách du lịch. Tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2020 khoảng 2.488 tỷ đồng, năm 2030 khoảng 10.927 tỷ đồng. Tổng giá trị GDP ngành du lịch đến năm 2020 đạt 1.742 tỷ đồng, năm 2030 đạt 7.649 tỷ đồng. Về chỉ tiêu việc làm, năm 2020, tạo việc làm cho 14.664 lao động, năm 2030 tạo việc làm cho 46.926 lao động. Quy hoạch cũng đưa ra nhu cầu đầu tư cụ thể năm 2015 khoảng 731 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4.149 tỷ đồng, giai đoạn 2021- 2025 khoảng 6.364 tỷ đồng và giai đoạn 2026- 2030 khoảng 11.929 tỷ đồng. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Quy hoạch cũng đưa ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; vốn đầu tư; xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức và quản lý quy hoạch; ứng dụng KH &CN; liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch và giải pháp BVMT. Đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện.
PV: Hiện nay, hồ Hòa Bình được xác định là điểm nhấn của du lịch Hòa Bình, xin đồng chí cho biết những giải pháp để hiện thực hóa tiềm năng này?
Đồng chí Nguyễn Văn Chương: Hồ Hòa Bình với dài 70 km, trải rộng trên 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố, được hình thành sau khi có công trình thủy điện Hòa Bình. Hồ có tổng diện tích là 2.249 km2, dung tích hơn 9 tỷ m3 nước, trong khu vực lòng hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Hồ Hòa Bình không xa Hà Nội, thuận tiện về giao thông, có phong cảnh sơn thủy hữu tình, thơ mộng, có nhiều đảo lớn, nhỏ còn nguyên sơ, trong lành, được ví như một Hạ Long thu nhỏ, phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp, nghỉ dưỡng cuối tuần.
Theo Quyết định số 201, ngày 22/1/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, hồ Hòa Bình là 1 trong 12 điểm vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia, được xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp cụ thể để “đánh thức” tiềm năng, tài nguyên du lịch hồ Hòa Bình. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo BCĐ Du lịch tỉnh lập Quy hoạch phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành chức năng đã thảo luận, bàn giải pháp triển khai lập quy hoạch phát triển khu du lịch lòng hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. BCĐ xác định Quy hoạch phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT -XH của tỉnh, không “xung đột”, đồng bộ với các quy hoạch ngành, lĩnh vực như xây dựng, đất đai, tài nguyên - môi trường, bảo vệ rừng đáp ứng các yêu cầu quy định, hướng dẫn pháp luật hiện hành. Quy hoạch đáp ứng yêu cầu về tiến độ cũng như chất lượng quy hoạch, phấn đấu hoàn thành trong năm 2015 trình Bộ VH -TT&DL thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch làm cơ sở để huy động các nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch hồ Hòa Bình. Đồng thời với chỉ đạo Lập quy hoạch du lịch Hồ Hòa Bình, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thu hút doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực tham gia đầu tư khai thác tài nguyên du lịch Hồ Hòa Bình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hương Lan (TH)
(HBĐT) - Ngày 23/4, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Lương Sơn về tình hình thực hiện dự toán thu, chi NSNN năm 2015; tình hình quản lý, sử dụng đất nông - lâm trường, công tác giải phóng mặt bằng và quản lý đất đai trên địa bàn.
(HBĐT) - Ồng Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong) phấn khởi thông báo: Trận mưa lớn hơn 1 tiếng đồng hồ đêm 21, rạng sáng 22/4 đối với trồng cam mía Cao Phong là trận mưa vàng. Cơn “khát nước” của cam, mía dai dẳng hơn 1 tháng đã được giải tỏa.
(HBĐT) - Nói là “chợ” những thực chất là điểm tiêu thụ mía Yên Nghiệp- Lạc Sơn. Từ nhiều năm nay, điểm tiêu thụ mía trên quốc lộ 12 B, giáp đường Hồ Chí Minh trên địa bàn xã Yên Nghiệp trở thành nơi tiêu thụ nông sản quan trọng của bà con trồng mía huyện Lạc Sơn.
(HBĐT) - Sáng 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020”. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải – UVT.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành tham dự hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
(HBĐT) - Đưa tôi đi quanh xóm thăm những vườn bưởi, vườn thanh long, trồng rau màu, ông Nguyễn Hồng Vân, Trưởng xóm Kim Lý, xã Tu Lý (Đà Bắc) cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều năm nay, bà con trong xóm mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trông hợp lý, nâng cao giá trị của đất, thu nhập cho gia đình. Trên những ruộng lúa 1 vụ, bà con chuyển sang trồng rau, mùa nào thức nấy. Sau vài năm, xóm đã trở thành “vựa rau” của huyện. Để mua được rau sạch nhiều gia đình ở thị trấn còn đến tận xóm mua về ăn. Không chỉ cung cấp rau trong địa bàn huyện, nhiều hộ còn mang ra TPHB bán. Đến nay, diện tích trồng rau của xóm trên 3 ha. Nhiều hộ chỉ từ 1.000 - 2.000 m2 trồng rau mỗi năm cho thu trên 100 triệu đồng.
(HBĐT) - Trong chuyến công tác về thị trấn Mường Khến (Tân Lạc), tôi đã từng nghe một cán bộ khối đoàn thể của thị trấn hỏi thăm: Chị đã từng nghe tên Công ty Nông nghiệp Mạnh Lý? Trụ sở chính của họ ở đâu, SX-KD những gì và đến nay có còn hoạt động? Tôi đã trả lời đồng chí cán bộ ấy một cách trung thực: Tôi chưa từng nghe. Tuy nhiên, qua vài câu đối thoại ngắn đó, tôi đã hiểu rằng sau câu hỏi đó có điều gì uẩn khúc. Bẵng đi một thời gian, đến tháng 3/2015, Báo Hoà Bình tiếp nhận một lá đơn phản ánh về việc: nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tân Lạc đã bị một công ty “ma” lừa đảo.