Hiện nay, du khách đến lòng hồ Hòa Bình chủ yếu theo các "tour" du lịch văn hóa, tâm linh mà chưa có điểm dịch vụ du lịch chất lượng cao.
(HBĐT) - Mỗi dịp đầu năm, được chứng kiến du khách gần xa “đổ” về vùng lòng hồ sông Đà thăm quan, với các “tua” du lịch văn hoá - sinh thái, tâm linh mới thấy sức hấp dẫn thực sự của du lịch lòng hồ sông Đà. Từ cảng Bích Hạ lên, từ cảng Thung Nai (huyện Cao Phong) tới... trên bến, dưới thuyền, người người tấp nập trẩy hội, du ngoạn cùng sóng nước Hòa Bình. Lượng khách ngày càng đông, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Theo dự tính của ngành chức năng, năm 2014 đã có khoảng 40 vạn lượt du khách đến với vùng lòng hồ Hoà Bình...
Khu vực hồ Hòa Bình có dung tích 9, 5 tỷ m3 nước, 47 đảo lớn, nhỏ với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình gắn với các di tích danh thắng và những huyền thoại lưu truyền trong dân gian cùng cuộc sống đa dạng, đặc sắc về văn hóa, phong tục của đồng bào các dân tộc vùng lòng hồ. Trong khu vực vùng lòng hồ có đền Bờ - điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh; có động thác Bờ từ ngàn xưa; động Hoa Tiên (Ngòi Hoa - Tân Lạc) là di tích danh thắng cấp quốc gia... Nhận thấy khu du lịch lòng hồ là “viên ngọc” thô chưa được mài dũa, nhiều năm qua, một số nhà đầu tư đã tìm đến và gây dựng nên các điểm du lịch như đảo Dừa, Cối xay gió, đảo Xanh... Đây cũng là điểm đến của giới trẻ muốn tìm sự bình yên giữa thiên nhiên, sông nước. Trong đó, có nhiều đoàn du khách là HS - SV từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đánh giá đúng những tiềm năng to lớn này, với sự tham mưu của Sở VH -TT&DL, các ngành hữu quan, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể du lịch hồ Hòa Bình giai đoạn 2006 - 2020 (tại Quyết định số 198 ngày 26/1/2006 của UBND tỉnh). Ngày 30/12/ 2008, Bộ trưởng Bộ VH -TT&DL ban hành Quyết định số 91 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, trong đó, hồ Hòa Bình được xác định là khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao. Khu, điểm du lịch hồ Hòa Bình được xếp vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư du lịch từ năm 2008 - 2020. Căn cứ “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Sở VH -TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, hiện đang phối hợp triển khai quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo, định hướng và từng bước có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như xây dựng cảng Thung Nai, nâng cấp tuyến đường Bình Thanh - Thung Nai (Cao Phong). Sở VH -TT&DL đang được giao làm chủ đầu tư dự án hạ tầng tu bổ, tôn tạo đền Thác Bờ, nơi đặt bia đá thờ vua Lê Lợi (xã Vầy Nưa - huyện Đà Bắc). Dự kiến đến hết năm 2015 đầu tư khoảng 9 tỷ đồng (trong tổng kinh phí khoảng 29 - 30 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo do Công ty Hoàng Sơn thực hiện). Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đền Thác Bờ để có thể tổ chức lễ hội đền Bờ vào năm 2016 nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình.
Hướng tới dòng chảy chung trong phát triển du lịch lòng hồ, Công ty du lịch Hòa Bình đầu tư đóng mới 2 tàu du lịch 3 sao. Năm qua, Sở VH -TT&DL đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho 120 người tham gia các hoạt động chở, đưa khách tham quan trên lòng hồ. Tuy nhiên, những động thái đó chưa thể “đánh thức” nhanh để du lịch lòng hồ phát triển. Bởi du lịch lòng hồ còn bộc lộ khá nhiều bất cập như chưa thu hút được các nhà đầu tư phát triển du lịch. Công tác khai thác, quản lý tại một số cảng còn hạn chế. Hiện trên khu vực hồ chủ yếu có dịch vụ tàu thuyền chở khách đi lễ đền và thăm động Thác Bờ, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí. Tại các điểm du lịch, chất lượng phục vụ còn hạn chế, chưa thu hút được khách du lịch có nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng ở lại dài ngày...
Muốn du lịch lòng hồ Hòa Bình ngày một phát triển, tạo được sức hút với du khách, bên cạnh sự đầu tư của T.ư, của tỉnh cùng sự chung tay của các doanh nghiệp rất cần tỉnh có chiến lược quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng này. Cùng với các hoạt động giới thiệu, quảng bá thông qua các lễ hội trên lòng hồ, tờ rơi, áp-phích, sự tuyên truyền cần có tính dài hơi và kiên trì trên các phương tiện thông tin đại chúng của T.ư và tỉnh. Tỉnh cũng nên có trang Website chuyên về du lịch hồ Hòa Bình. Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH -TT&DL cho rằng, để du lịch lòng hồ Hòa Bình tạo được dấu ấn trong bản đồ du lịch Việt Nam với sự chỉ đạo, định hướng và đầu tư của tỉnh rất cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các sở, ngành hữu quan và huyện, thành phố trong các bước triển khai, thực hiện nhiệm vụ của mình.
Bùi Huy
(HBĐT) - Là 1 trong 5 xã, thị trấn của huyện Lương Sơn được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp, xã Nhuận Trạch đang có những bước chuyển mình vững chắc trong phát triển KT -XH và là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua của huyện. Đặc biệt, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và đang hoàn thiện các thủ tục để được công nhận xã NTM.
(HBĐT) - Theo UBND huyện Mai Châu, trong quí I, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả dự toán thu - chi NSNN, các khoản thu đều đạt và vượt so với cùng kỳ và dự toán giao, chi đảm bảo đúng, đủ và tiết kiệm. Kết quả tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm trên địa bàn đạt 8, 630 tỷ đồng, đạt 26,14% dự toán giao; tổng thu ngân sách cấp huyện 89, 132 tỷ đồng, đạt 28,65% dự toán; tổng thu ngân sách cấp xã 26, 784 tỷ đồng, đạt 27,62% dự toán. Cũng trong 3 tháng, tổng chi ngân sách cấp huyện là 63, 501 tỷ đồng, bằng 24,99% dự toán; tổng chi ngân sách cấp xã 21, 459 tỷ đồng, bằng 25,49% dự toán.
(HBĐT) - Theo UBND huyện Kim Bôi, trên địa bàn huyện có khoảng trên 600 cơ sở sản xuất TTCN tập trung vào các ngành nghề khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, may mặc, chế biến thực phẩm, đồ mộc dân dụng...
(HBĐT) - Những năm trước đây, nhắc đến xã Hữu Lợi không ít cán bộ, người dân huyện Yên Thủy phải lắc đầu vì cái nghèo khó, vất vả của một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Trình độ dân trí không đồng đều, giao thông bất lợi, nguồn nước phục vụ sản xuất khan hiếm là những nguyên nhân cơ bản khiến cái khó cứ đeo bám mãi. Tuy nhiên, hôm nay, Hữu Lợi đang có những bước tiến mới trong phát triển KT -XH. Với việc đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, chủ động của người dân trong LĐSX, xây dựng NTM đã giúp bộ mặt nông thôn nơi đây từng ngày đổi thay.
(HBĐT) - Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống có năng suất cao vào sản xuất, quan tâm khôi phục lại chăn nuôi nên những năm gần đây, đời sống của bà con người dân xã Mường Chiềng (Đà Bắc) đã từng bước đi lên. Thu nhập bình quân năm 2014 đạt 14 triệu đồng /người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 36%. Xã là đơn vị dẫn đầu toàn diện phong trào thi đua yêu nước huyện Đà Bắc năm 2014.
(HBĐT) - Năm 2014, tỉnh ta xếp thứ 44 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 18 bậc so với năm 2013, khẳng định những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh có tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng thì việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ kiên trì và lâu dài.